Nhân Kỷ niệm 110 năm ngày sinh của đồng chí Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (01/01/1914 – 01/01/2024), Trang tin về hoạt động thư viện trân trọng giới thiệu đến bạn đọc bài viết về vị Đại tướng tài ba của dân tộc.
Đồng chí Nguyễn Chí Thanh tên khai sinh là Nguyễn Vịnh, sinh ngày 1-1-1914, trong một gia đình nông dân ở thôn Niêm Phò, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ngay từ rất sớm, Nguyễn Vịnh đã được giác ngộ về lý tưởng cách mạng, tháng 7-1937, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Trong những năm 1937-1945, từ một đảng viên cho đến khi là Bí thư Chi bộ, rồi Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, Nguyễn Vịnh đã bị chính quyền thực dân Pháp bắt giam ba lần ở các nhà lao Thừa Phủ, Lao Bảo, Buôn Ma Thuật. Bị kiểm soát gắt gao nhưng đã hai lần, Nguyễn Vịnh vượt ngục về với Đảng, với phong trào cách mạng. Đồng chí luôn kiên cường, không bao giờ chùn bước trước khó khăn, nguy hiểm. Đồng chí đã góp phần quan trọng xây dựng cơ sở Đảng, đẩy mạnh phong trào cách mạng ở Thừa Thiên – Huế trong suốt thời kỳ hoạt động bí mật trước cách mạng Tháng Tám. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã được Đảng và Nhà nước đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng giao phó nhiều công việc quan trọng, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Ở vị trí nào, đồng chí cũng luôn nỗ lực, học tập và vận dụng những tư tưởng, quan điểm cũng như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thực tiễn công tác, từ đó đạt được những kết quả to lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp của đất nước, xứng đáng trở thành người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho rất nhiều niềm tin và sự quan tâm.
Từ người cán bộ được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên
Tên gọi Nguyễn Chí Thanh lần đầu tiên xuất hiện tại Hội nghị Đảng toàn quốc ở Tân Trào tháng 8-1945. Tại Hội nghị, khi công bố danh sách Ban Chấp hành Trung ương Đảng, có tên Nguyễn Chí Thanh, đồng chí Vịnh quay sang hỏi đồng chí Võ Nguyễn Giáp: “Nguyễn Chí Thanh là ai mà nghe lạ thế?”. Đồng chí Võ Nguyên Giáp mỉm cười trả lời “Là anh chứ ai nữa, chính Bác đặt tên cho anh đấy”. Nguyễn Vịnh vô cùng ngỡ ngàng và sung sướng. Từ thời điểm đó, tên Nguyễn Chí Thanh đã trở thành một phần lịch sử của quân đội ta, của Cách mạng Việt Nam[1]. Cũng tại Hội nghị này, đồng chí Vịnh đã được gặp và được Chủ tịch Hồ Chí Minh khen là người có chí lớn, hoạt động cách mạng hiệu quả ngay cả trong nhà tù đế quốc. Có lẽ đây chính là một trong những nguyên nhân Người đã chọn tên Chí Thanh cho đồng chí Vịnh. Việc đặt tên mới vừa đảm báo bí mật, vừa để ghi nhận ý chí cống hiến không mệt mỏi của đồng chí Vịnh trong mọi hoàn cảnh đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt mà Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho người cán bộ lãnh đạo tổ chức Đảng ở Trung kỳ này.
Đầu năm 1947, đồng chí Nguyễn Chí Thanh là người có công rất lớn trong việc khôi phục phong trào sau khi mặt trận Huế bị vỡ. Với cương vị là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, đồng chí triệu tập cuộc họp khẩn cấp đặc biệt ngay sát địch ngày 25-3-1947. Tại cuộc họp khẩn cấp này, đầu tiên đồng chí đã trân trọng đọc bức thư đề ngày 5-3-1947 của Bác Hồ Gửi các đồng chí Trung Bộ. Bức thư đã nêu lên những khuyết điểm của cán bộ đảng viên trong những ngày đầu kháng chiến. Từ bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Thanh đã liên hệ với tình hình địa phương, nghiêm khắc tự phê bình và phê bình để rút ra những bài học sâu sắc trong thời gian vừa qua. Đồng chí kết luận “Bộ đội ta rất anh dũng. Tinh thần cách mạng của đồng bào ta rất cao. Điều đáng trách là cán bộ đảng viên chúng ta không biết cách tổ chức huấn luyện và chỉ huy anh em đánh giặc”[2]. Trên cơ sở phân tích sâu sắc những lời phê bình của Bác, cũng như vận dụng sáng tạo tư tưởng chiến tranh nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Thanh khẳng định “Mất đất chưa phải là mất nước. Chúng ta chỉ sợ mất lòng tin của dân. Có lòng tin của dân là có tất cả. Vì vậy chúng ta không được chạy dài. Chúng ta phải trở về với dân”. Những phân tích sâu sắc, thực tế của đồng chí Nguyễn Chí Thanh về những khuyết điểm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra đã góp phần quan trọng tạo tiền đề cho Tỉnh ủy Thừa Thiên ra nghị quyết nhấn mạnh tư tưởng chỉ đạo “Phải nhanh chóng chuyển sang tiến công địch,… phát động chiến tranh du kích, phá tan chính sách bình định của địch”, từ đó phong trào kháng chiến vùng sau lưng địch của Bình Trị Thiên đã vượt qua được những khó khăn hiểm nghèo, từng bước tiến lên giành thắng lợi.
Thời kỳ sau đó, với cương vị mới là Bí thư phân khu Bình Trị Thiên, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã vận dụng một cách đúng đắn và kịp thời chiến lược chiến tranh nhân dân, chiến thuật chiến tranh du kích của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tình hình thực tiễn của Phân khu, phát động chiến dịch phá tề, phát triển dân quân du kích, đưa phong trào của Bình Trị Thiên sau một thời gian tạm lắng đã vươn lên hòa nhập với phong trào của cả nước. Ghi nhận những đóng góp của đồng chí Nguyễn Chí Thanh trong phát triển du kích, gây dựng phong trào, Bác Hồ đã phong tặng đồng chí danh hiệu “Vị tướng du kích”[3].
Đánh giá được đầy đủ năng lực làm việc của đồng chí Nguyễn Chí Thanh, cũng như vai trò về công tác Đảng, công tác chính trị trong cuộc kháng chiến, năm 1950, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của toàn dân đang bước vào giai đoạn quyết liệt, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bác Hồ điều động đồng chí Nguyễn Chí Thanh vào quân đội và giao cho đồng chí nhiệm vụ làm Chủ nhiệm Tổng cục chính trị, Phó Bí thư quân ủy Trung ương. Quyết định cử một lãnh đạo Phân khu có nhiều thành tích chiến đấu, song chưa được đào tạo một cách bài bản về lý luận chính trị – quân sự đảm đương công việc “quán xuyến” vấn đề chính trị của toàn Quân đang trong thời kỳ ác liệt, là một quyết định táo bạo song cũng vô cùng đúng đắn, thể hiện sự nhìn nhận tài tình và nghệ thuật sử dụng người tài của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đến vị Đại tướng thứ hai được đặc cách phong vượt cấp
Sau khi nhận nhiệm vụ mới, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã đem hết tâm lực cùng các đồng chí trong Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy triển khai nghiêm túc các tư tưởng chỉ đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm tăng cường sức chiến đấu của lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam. Với cương vị Chủ nhiệm Tổng cục chính trị, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã có công rất lớn trong việc củng cố sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, xây dựng quân đội về chính trị, tư tưởng và tổ chức, bồi dưỡng và phát huy bản chất cách mạng của quân đội ta, xây dựng nền nếp công tác chính trị, nâng cao nhanh chóng sức chiến đấu của các lực lượng vũ trang nhân dân. Đồng chí Thanh thường xuyên chăm lo giáo dục rèn luyện được một đội ngũ cán bộ vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng ngày một phát triển.
Ngày 31-8-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 36-SL, phong quân hàm cấp tướng cho 16 sĩ quan cao cấp của Quân đội nhân dân Việt Nam, theo Sắc lệnh này, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được phong hàm cấp Đại tướng. Đồng chí là vị đại tướng thứ hai của Quân đội nhân dân Việt Nam sau Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cả hai Đại tướng đầu tiên này đều được đặc cách phong vượt cấp. Sự đặc biệt này khẳng định sự đánh giá, quan tâm đúng đắn của Đảng, của Bác với những đóng góp của đồng chí Nguyễn Chí Thanh với lực lượng vũ trang nhân dân. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III họp tại Hà Nội, từ ngày 5 đến ngày 10 tháng 9 năm 1960, đại tướng Nguyễn Chí Thanh được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.
Thời gian sau, do yêu cầu của cách mạng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng phân công đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như: Trưởng ban Công tác nông thôn Trung ương, Bí thư Trung ương Cục, Bí thư Quân ủy Miền, Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam… Ở vị trí nào, đồng chí cũng luôn đi sâu, đi sát vào thực tế khu vực, vận dụng một cách linh hoạt và hiệu quả những quan điểm, chủ trương của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đó đưa ra những quyết sách đột phá để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ đã được giao phó.
Ngày 6-7-1967, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã từ trần sau cơn đau tim đột ngột. Hơn 30 năm hoạt động cách mạng, trải qua nhiều cương vị khác nhau, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã có nhiều cống hiến to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng Đảng, xây dựng Quân đội, xây dựng đất nước. Những cống hiến của Đại tướng trên tất cả các lĩnh vực được giao đã khẳng định Đại tướng là “một đồng chí lãnh đạo xuất sắc của Đảng, một vị tướng tài ba của quân đội” (Lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp), xứng đáng với tư cách một người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh./.
_________________________
[1] Thượng tướng Phùng Thế Tài: Vị Đại tướng được Bác Hồ đặt tên, báo An nin thế giới, số 828 ngày 4-2-2009
[2] Thượng tướng Phùng Thế Tài: Vị Đại tướng được Bác Hồ đặt tên, báo An nin thế giới, số 828 ngày 4-2-2009
[3] Thượng tướng Phùng Thế Tài: Vị đại tướng được Bác Hồ đặt tên, tạp chí An ninh thế giới, số 828 ngày 4-2-2009
An Khang