Nhận xét, đánh giá về Cuộc thi, bà Trần Thị Phương Lan – Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng ban Giám khảo nhận định: Năm 2024, số lượng bài dự thi, số lượng các cơ sở giáo dục có học sinh tham gia tăng lên, cơ cấu giải hợp lý, cân đối giữa hình thức thi bài viết và video. Hầu hết các bài dự thi ở cả hai hình thức đều thực hiện tốt yêu cầu, thể lệ Cuộc thi. Các cuốn sách được giới thiệu là những cuốn sách gần gũi, quen thuộc, nhiều cuốn mới xuất bản, tỷ lệ sách Việt Nam cao. Nhiều bài viết sáng tạo, trình bày đẹp, nét chữ đẹp, nội dung hấp dẫn, cuốn hút. Nhiều bài dự thi video được xây dựng công phu, có đầu tư, có ý thức sử dụng bản quyền tư liệu, hình ảnh. Các sáng kiến, kinh nghiệm phát triển văn hóa đọc phù hợp với lứa tuổi các em, có nhiều sáng kiến thiết thực và khả thi. Tuy nhiên, vẫn có một số bài lạc đề, hoặc chưa chú trọng vào trọng tâm, dàn trải. Một số bài quá chú trọng hình thức mà mỏng về nội dung, có bài dự thi có khối lượng kích thước lớn, vui mắt, sáng tạo nhưng cồng kềnh và truyền tải ít nội dung…
Bà Trần Thị Phương Lan – Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Giám khảo nhận xét Cuộc thi
Phát biểu tổng kết tại buổi Lễ, bà Kiều Thúy Nga – Vụ trưởng Vụ Thư viên, Trưởng Ban Tổ chức cho biết: năm 2024 là năm thứ 5 Bộ VHTTDL tổ chức Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc dành cho học sinh và sinh viên trên phạm vi cả nước. Bộ đã xây dựng Kế hoạch, văn bản hướng dẫn triển khai cuộc thi, ban hành thể lệ, câu hỏi, hình thức tổ chức gửi tới các cơ quan, đơn vị, địa phương làm căn cứ triển khai thực hiện. Năm nay, Thể lệ Cuộc thi có điểm mới là Ban Tổ chức chỉ tiếp nhận các bài dự thi đạt giải cao tại Vòng Sơ khảo, chú trọng hướng tới chất lượng bài thi và hiệu quả của Cuộc thi, Đề thi giúp thí sinh phát huy khả năng tư duy, sáng tạo xây dựng kế hoạch hành động hoặc sáng kiến nhằm phát triển văn hóa đọc cho bản thân và cộng đồng hướng đến đối tượng cụ thê là trẻ em, người dân tộc thiểu số, người cao tuổi, người khuyết tật chữ in, người dân ở khu vực biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn.