I. Vài nét lịch sử nghề in khắc mộc bản ở nước ta.
Nghề khắc mộc bản in sách ở nước ta đã có từ lâu đời, có thể có từ khi người Việt học, sử dụng chữ Hán (thời Bắc thuộc) và khi đạo Phật truyền vào nước ta (thời Hán – Đường). Cha ông ta đã học được nghề làm giấy và khắc ván in từ người Trung Quốc. Đặc biệt khi đạo Phật trở thành quốc đạo, kinh Phật trở thành nhu cầu của cả tầng lớp quý tộc lẫn bình dân, thì việc in khắc sách tất yếu phải có. Từ đó nghề khắc mộc bản in sách ra đời ở nước ta và có những bước phát triển nhất định.
Thời Lý (1010-1225), sử sách có nói đến nhà sư Lý Học làm nghề khắc bản kinh. Thời Trần (1226-1400), triều đình cũng quan tâm đến việc khắc bản in kinh sách. Các vua Trần trở thành các vị tổ của phái Trúc Lâm thiền viện ở Yên Tử (nay thuộc tỉnh Quảng Ninh), đã giao trọng trách khắc bản kinh Phật cho Thiền sư Huyền Quang. Đặc biệt bộ Kinh Đại Tạng do nhà Nguyên tặng, bổ sung thêm các Kinh do Việt Nam làm cũng được in trong thời gian này. Nhà Trần mất, nhà Hồ lên thay, giặc Minh mượn cớ khôi phục nhà Trần sang xâm lược nước ta đã tàn ác đốt phá hết các di sản văn hóa nước Việt, trong đó có sách vở và nghề in sách cũng bị thất truyền theo. Lê Lợi, lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã lãnh đạo cuộc kháng chiến 10 năm thắng lợi, đánh đuổi quân Minh ra khỏi đất nước, dựng lên nhà Lê, mở ra một thời đại phát triển mới của nước ta về mọi mặt. Việc học được quan tâm, trường học được lập ở cả nước, các khoa thi kén chọn hiền tài được tổ chức thường xuyên, định kỳ, sách vở được in ấn ngày càng nhiều để đáp ứng cho nhu cầu dạy và học. Nghề khắc mộc bản và in sách cũng được quan tâm, phát triển.
Hoàng giáp Lương Nhữ Hộc khi được triều đình cử đi sứ Trung quốc đã học được nghề in khắc, rồi về truyền cho người dân quê hương mình ở hai làng Hồng Lục và Liễu Chàng (nay thuộc tỉnh Hải Dương). Triều đình đã cho in các bộ sách lớn, quan trọng ở Hồng Lục và Liễu Chàng, như Tứ thư, Ngũ kinh, Đại Việt sử ký toàn thư, v.v… Dân hai làng này đã tôn thờ Lương Nhữ Hộc thành vị tổ của nghề in khắc mộc bản của Việt Nam. Dân hai làng Lục – Liễu còn kéo nhau về Thăng Long lập làng nghề in khắc rất nổi tiếng như các phố Hàng Trống, Hàng Nón, Lý Quốc Sư, Hàng Bông, Hàng Gai… Nghề in khắc mộc bản được lập ra ở nhiều nơi trong nước, mà trung tâm là nơi đô hội, nơi có Phật giáo và Nho học phát triển. Từ Kinh đô, tứ trấn cho đến các trấn ở xa như xứ Thanh, xứ Nghệ … Qua vốn di sản mộc bản còn được lưu giữ đến nay được biết đến như các bộ Kinh Phật ở chùa Vĩnh Nghiêm, các bộ Tứ thư, Ngũ Kinh ở Trường Lộc, Can Lộc… cho thấy đều là những bộ mộc bản quý được khắc từ triều Lê. Đến triều Nguyễn thì nghề in khắc mộc bản đã lan rộng ra hầu hết các trấn, tỉnh trong cả nước. Đặc biệt là kho lưu trữ Mộc bản triều Nguyễn được lưu giữ ở Cục lưu trữ IV Đà Lạt là lớn nhất hiện nay ở nước ta. Xứ Nghệ (Nghệ An và Hà Tĩnh) là đất học, có truyền thống hiếu học, khoa bảng cũng là một trung tâm có nghề in khắc mộc bản và còn lưu giữ được một vốn di sản mộc bản khá quý hiếm. Qua nghiên cứu tìm hiểu mộc bản và một số nghệ nhân từng làm nghề khắc mộc bản ở Nghệ An, chúng tôi xin mạo muội mô tả lại cách thức khắc bản in và phương pháp in mộc bản ở xứ Nghệ từ trước Cách mạng tháng Tám ở phần II.
II. Nghề khắc ván in ở xứ Nghệ
Nhân cụ Trần Hiêng tặng cho Thư viện tỉnh Nghệ An hai bộ ván khắc in sách: Đại Vương Trần chính kinh và Cứu sinh thuyền chân kinh, Thư viện đã tổ chức lễ giao nhận vào ngày 20/4/2007. Cụ Phạm Huy xem truyền hình đưa tin lễ giao nhận mộc bản đã viết thư cho chúng tôi xác nhận là gia đình cụ đã trực tiếp khắc hai bộ mộc bản này. Ngày 29/5/2007, chúng tôi đã về làng Phượng Lịch, xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu, Nghệ An tìm đến nhà cụ Phạm Huy. Cụ Huy lúc đó đã 79 tuổi, lưng còng xuống theo những năm tháng miệt mài trên những tấm ván khắc. Cụ Huy rất cởi mở khi chúng tôi hỏi về công việc khắc chữ các bộ mộc bản in sách. Cụ đã lôi hộp đựng đồ nghề từ trong tủ ra để khoe với chúng tôi. Trong hộp có nhiều loại công cụ như dao khắc, búa, kìm và các loại đục khác nhau… Riêng hai con dao khắc chữ đã lên men đen bóng của thời gian thì cất riêng trong một cái hộp gỗ nhỏ sơn then (sơn đen) cổ kính. Với hai con dao còn lại này hai cha con cụ đã khắc nên hàng vạn chữ Hán lên hàng ngàn tấm gỗ. Để khắc được những con chữ đẹp, tinh xảo thì ngoài năng khiếu bẩm sinh, người thợ còn phải có tính kiên nhẫn hơn người, phải cần mẫn khắc từng nét chữ, nếu nóng vội làm sai lệch một vài nét chữ thì cả tấm ván phải bỏ đi để khắc lại. Do vậy, nghề khắc chữ này khó mà truyền lại cho nhiều người. Ở Diễn Châu nghề này chỉ có hai gia đình làm và đều cha truyền con nối.
Để có được một tấm ván khắc hoàn hảo, có thể in ra 4 trang (khắc cả hai mặt gỗ) thì người thợ phải thực hiện các công đoạn sau:
Chọn cây gỗ làm nguyên liệu: Phải tìm được cây gỗ thị đực nhiều năm tuổi (cổ thụ càng tốt), mặt gỗ phải đảm bảo với diện tích đủ dư trang sách khi xẻ ra, gỗ có thớ mềm, mịn và dai, bền để nét chữ khắc có thể in được nhiều lần mà ít mòn.
Cắt xẻ gỗ và bào mịn: Công việc này khá nặng nhọc, khi xẻ gỗ phải tính toán cho phù hợp với khổ trang sách định in. Xẻ dư số tấm theo số trang của bộ sách để bổ sung phòng khi khắc hỏng hoặc bị nhẫm lẫn. Gỗ phải bào ngang thớ, để đảm bảo độ mịn, phẳng, nếu bào dọc gỗ mặt gỗ sẽ bị xước, không thể khắc được chữ, do đó công đoạn này rất mất công, vì phải bào bằng tay trên mặt trơ của gỗ.
Viết chữ và in trên mặt gỗ: Viết chữ Nho lên giấy bản (theo cụ Huy thì giấy bản được làng nghề ở vùng Chín Nam – Nam Đàn sản xuất). Dùng bột nếp lọc phết kín lên mặt tấm ván, rồi dán mặt giấy dó có viết chữ Nho lên cho chữ hằn nổi rõ lên trên mặt ván gỗ có miết bột. Như vậy là được một trang sách có chữ ngược hiện lên trên mặt tấm ván gỗ.
Khắc chữ: Dùng đục, tùy loại ở những nơi cần sử dụng, đục bớt phần gỗ dư ngoài chữ, rồi khắc từng chữ một cho đến hết trang và cả hai mặt chữ tấm ván gỗ. Công đoạn này là khó khăn nhất và tốn công nhất, đòi hỏi người thợ phải có năng khiếu, có tay nghề cao, vừa có tính kiên trì, cần mẫn. Nét chữ có mềm mại, sắc sảo hay không là do ở người thợ khắc chữ có đẹp và có theo được nét chữ của người viết hay không? Người viết chữ cũng phải có hoa tay viết chữ đẹp và thường còn phải giỏi cả chữ Nho nữa. Người viết chữ cũng phải học qua trường lớp, do thầy giỏi chữ Nho dạy. Bộ ván khắc Trần Đại Vương chính kinh khi in ra thấy chữ khắc rất sắc sảo, nét rõ ràng, hài hòa, chính là sự thăng hoa trong tay nghề của cả người khắc và người viết. Bộ sách này do cha con cụ Phạm Căn, Phạm Huy ở làng Phượng Lịch, xã Diễn Hoa thực hiện. Cụ Căn viết chữ, chỉ đạo khắc và cả hai cha con trực tiếp khắc trọn vẹn bộ sách này.
Để làm ra một bộ vắn khắc in sách hết sức tốn kém. Một tấm ván gỗ khắc cả 2 mặt được 2 người hoàn thành trong 5 ngày và được chủ trả công bằng 1 quan tiền (bằng 600 đồng tiền đồng tròn, lỗ vuông xưa) và bằng 40 cân lúa. Tính thêm các chi phí khác ngoài công khắc, thì 1 tấm ván khắc hoàn thiện trị giá bằng 60 kg lúa. Để hoàn chỉnh bộ Trần Đại Vương chính kinh (gồm 18 tấm x 4 trang sách = 72 trang), gia đình cụ Trần Khắc Hinh (thân sinh cụ Trần Hiêng, người tặng mộc bản cho Thư viện) phải bán mất 2 con trâu mộng lớn mới đủ số tiền thực hiện.
Theo lời kể của cụ Phạm Huy thì nghề khắc ván in chữ do cụ Phạm Văn Mậu, quê ở làng Phượng Lịch, xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu truyền dạy cho cụ Phạm Căn và Hà Chương. Cụ Mậu thi đậu Tú tài, lấy vợ và ở lại quê vợ làng Đại Phẩm, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Đông. Cụ là hội viên Hội Hướng thiện đền Ngọc Sơn, Hoàn Kiếm, Hà Nội và là thành viên của Đông Kinh Nghĩa Thục. Khi Hội Hướng thiện và trường Đông Kinh Nghĩa Thục có chủ trương phát triển Thiện đàn đã cử các hội viên trí thức về các làng quê của mình để truyền bá cho Hội, xây dựng các Thiện đàn và tổ chức in sách để tuyên truyền, phát triển hội viên. Cụ Phạm Văn Mậu đã truyền dạy nghề khắc ván in sách cho hai gia đình: Cha con Phạm Căn, Phạm Huy và Hà Cương, Hà Quế ở xã Diễn Hoa, Diễn Châu. Hai gia đình đã phát huy tốt nghề khắc ván in và đã khắc rất nhiều bộ Kinh cho các Thiện Đàn ở các địa phương xứ Nghệ, như Văn Thiện Đàn ở Sồng (xã Công Thành, huyện Yên Thành); Phượng Giang từ đường – Khởi Thiện Đàn (làng Phượng Lịch); ở Cẩm Bào (xã Diễn Trường, do ông Phó Bạc đặt khắc); ở Đệ Nhất Bút Trận (xã Diễn Nguyên, do ông Đoàn Lạc đặt)… Ngoài ra ở Nghệ Tĩnh còn có nhiều Thiện đàn khác ở các địa phương còn lưu nhiều mộc bản, kinh sách in ván khắc, như Chỉ Thiện Đàn (xã Nam Cát, huyện Nam Đàn); Lạc Thiện Đàn trong Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên (do họ Lê lập ra); đềnchùa Nậm sơn, Nam Đàn, v.v…
Hai cha con cụ Phạm Căn, Phạm Huy đã khắc hai bộ kinh Cứu sinh thuyền chân kinh và Trần Đại Vương chính kinh hiện lưu tại Kho Hán Nôm, Thư viện tỉnh Nghệ An đã thể hiện được tài hoa của nghề khắc ván mộc bản. Cụ Phạm Huy còn được Đảng và chính quyền tỉnh trong phong trào yêu nước cách mạng (Xô Viết 30-31) và kháng chiến chống Pháp mời tham gia khắc các con dấu của Pháp để đóng vào các giấy tờ dùng cho cán bộ hoạt động trong lòng địch và các loại dấu khác dùng cho chính quyền đóng. Làng Phượng Lịch có các di tích nhà thờ họ Phạm là nơi khắc in các tài liệu cách mạng, Thiện đàn là nơi cất dấu tài liệu và đình làng là nơi đấu tranh với Pháp. Đình Phượng Lịch đã được xếp hạng là Di tích Lịch sử – Cách mạng quốc gia.
III. Di sản mộc bản quý hiếm của xứ Nghệ
Do nghề khắc ván in mộc bản công phu, có các công đoạn kỹ thuật yêu cầu tay nghề của người thợ cao, không phải bất cứ ai cũng có thể làm được, việc tổ chức in sách cũng rất tốn kém, nên chỉ những bộ sách quý cần thiết mới được tổ chức khắc ván in để lưu và sử dụng. Có những bộ sách các tác giả viết xong sau nhiều năm mới được in và được tổ chức in trong nhiều năm mới hoàn thành. Bộ sách Hải Thượng y tông tâm lĩnh của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720-1791) gồm 66 quyển, sau khi viết xong phải 109 năm sau mới được tổ chức in (sau khi tác giả đã mất). Bộ sách này viết xong năm 1770, đến 1879 mới được ông Vũ Xuân Hiên và nhà sư Thanh Cao trụ trì ở chùa Đồng Nhân, huyện Võ Giàng, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh quyên góp tiền tổ chức khắc in và đến năm Hàm Nghi nguyên niên (1885) mới in xong 55 quyển. Bộ sách vẫn còn nhiều chỗ phải bỏ trống để chờ đính chính và bổ sung sau. Đến nay, bộ mộc bản Hải Thượng y tông tâm lĩnh cũng đã mất mát, không còn lưu giữ được.
Vốn sách được in mộc bản còn lại đến nay đều rất quý hiểm. Đó là các bộ sử ký của quốc gia; các bộ kinh Phật; các sách về Nho, Y, Lý, Số; kho tư liệu Ngự chế của triều Nguyễn, v.v…Vốn di sản mộc bản lại càng quý hơn, do khó bảo quản, dễ hư hỏng, mất mát, nên còn lại đến ngày nay là rất ít, trở thành vốn di sản quý của nhân loại.
Hiện Mộc bản ở Việt Nam đã được vinh danh là di sản tài liệu quý hiếm của nhân loại. Di sản loại này hiện chỉ có ở một số nơi trong nước ta:
– Kho Mộc bản triều Nguyễn được cất giữ ở Cục lưu trữ TW 4 tại Đà Lạt (Đã được UNETSCO công nhận là di sản tài liệu của nhân loại);
– Kho Mộc bản của chùa Vĩnh Nghiêm, Bắc Giang gồm: 2.000 tấm đã được Chính phủ công nhận là Di sản tài liệu Quốc gia đặc biệt và sẽ trình UNESCO công nhận;
– Hà Tĩnh, tại kho Phúc giang Thư viện của Thám hoa Nguyễn Huy Oánh (họ Nguyễn Huy), xã Trường Lộc, huyện Can Lộc còn lưu giữ trên 370 tấm mộc bản (gồm trên 20 tên sách);
– Tại Nghệ An, hiện cũng có trên 450 tấm mộc bản: Đền và chùa Vân Sơn, Vân Diên, thị trấn Nam Đàn còn lưu trên 300 tấm (chưa rõ có bao nhiêu tên sách?); Thiện đàn xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu còn lưu giữ 95 tấm mộc bản; Thư viện tỉnh Nghệ An có lưu trên 50 tấm Mộc bản ( trong đó có 2 tên sách đầy đủ); đền Chỉ Thiện, xã Nam Cát, huyện Nam Đàn có 10 tấm Mộc bản khổ lớn…
UBND tỉnh Hà Tĩnh đón nhận bằng bằng công nhận “Mộc bản Trường học Phúc Giang” (Nguồn: baophapluat.vn)
Vốn di sản Mộc bản của Nghệ An và Hà Tĩnh là khá lớn và quan trọng, vì chùa Vĩnh Nghiêm chỉ toàn là sách Kinh Phật, còn ở xứ Nghệ là sách về Giáo dục, khoa bảng, Kinh Phật, Thần tích, Thiện kinh.
Bộ Mộc bản Trần Đại Vương chính kinh viết về Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, được lấy từ bản gốc ở đền Ngọc Sơn, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Bộ mộc bản này gồm 18 tấm, 1 tấm khắc 4 trang cả hai mặt, khổ trang sách (11 x 20 cm). Chúng tôi đã tổ chức in ra giấy dó, cụ Bùi Văn Chất Phó Chủ nhiệm CLB Hán Nôm Nghệ An đã phiên âm, dịch thuật. Ván khắc và sách in, bản dịch đã được trưng bày trong Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội (năm 2010) tại Văn Miếu Quốc Tử Giám và Thư viện Quốc gia Việt Nam; Mộc bản đền Nậm Sơn có bộ Thần tích của đền, mà đền này là nơi thờ Mai Hắc Đế và các tướng lĩnh của vua Mai, sẽ là nguồn tư liệu rất quý cần khai thác tìm hiểu rõ; Mộc bản ở Trường Lưu là 20 tên sách phục vụ cho việc dạy và học tập của Nho sinh xứ Nghệ, là vốn di sản đặc biệt không ở đâu có được.
Hiện CLB Hán Nôm Nghệ An đã phối hợp với dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu tổ chức in ấn, phiên âm số mộc bản trên để nghành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh thực hiện Đề án bảo tồn, phát huy di sản mộc bản “Phúc Giang Thư viện” làng Trường Lưu, xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.
Việc bảo tồn và phát huy vốn di sản mộc bản như trên là rất cần thiết đối với dân tộc ta. Đó là những chứng tích của một dân tộc có văn hiến. Nhiều nội dung còn giá trị cho đến ngày hôm nay. Công việc này đang được thực hiện ở tỉnh Nghệ An và cần có sự quan tâm đầu tư của Nhà nước.
Đào Tam Tỉnh