Văn hóa đọc có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của quốc gia và sự hình thành nên thế hệ công dân có trí tuệ, có khả năng sáng tạo, có đạo đức và lối sống lành mạnh. Chính vì điều đó, ngày 15 tháng 3 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển Văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (ban hành theo Quyết định 329/QĐ-TTg ngày 15/3/2017). Mục tiêu của đề án được xác định là: “Xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc (xuất bản phẩm in và điện tử) trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là trong thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên và chú trọng tới người dân ở vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn; cải thiện môi trường đọc; góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, hình thành lối sống lành mạnh trong con người, xã hội Việt Nam, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập”.
(Ảnh: nguồn internet)
Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia, dân tộc. Sự phát triển của Khoa học và Công nghệ nói chung đã tác động nhiều mặt đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đến sự phát triển đất nước. Trong thư viện, công nghệ thông tin đã tác động đến kể cả nhận thức và hành vi liên quan đến đọc, viết và sử dụng thông tin của người sử dụng thư viện. Văn hóa đọc trong kỷ nguyên số có những thay đổi quan trọng. Đó là tất yếu – bởi sự phát triển nhanh chóng của công nghệ mới, hỗ trợ thuận tiện cho người sử dụng các thư viện, các nhà xuất bản điện tử, các nhà tạo nội dung số với các công nghệ đi kèm như: internet, thiết bị kỹ thuật số, công nghệ mạng không dây, công nghệ web, công nghệ phần mềm, công nghệ lưu trữ…
Trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin và phương tiện truyền thông kỹ thuật số, bài viết nhìn nhận tác động của CNTT&TT với thói quen đọc của người dân; tác động CNTT&TT trong việc ứng dụng phần mềm chuyên dụng cho việc quản lý nghiệp vụ thư viện và xây dựng các cơ sở dữ liệu, bộ sưu tập số; tác động CNTT&TT đối với hoạt động bổ sung nguồn lực điện tử; kết nối tập hợp/chia sẻ hệ thống tài nguyên số giữa các đơn vị và bạn đọc thư viện; tác động CNTT&TT vào việc mở rộng, đổi mới các dịch vụ trong thư viện; tác động của CNTT&TT đối với hoạt động phát triển kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cho nhân viên thư viện; tác động CNTT&TT đến công tác phục vụ thông tin cho người khuyết tật… Nhận diện được tầm quan trọng của việc ứng dụng CNTT&TT vào các lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực thư viện, các thư viện thực hiện việc chuyển đổi số nhanh, mạnh và hiệu quả nhằm thiết lập mạng lưới thư viện hiện đại với các thủ thư chuyên nghiệp phục vụ nhu cầu đọc và tìm kiếm thông tin cho mọi người dân, giúp nâng cao văn hóa đọc trong cộng đồng, trong đó đặc biệt quan tâm đến tuyên truyền, phát triển văn hóa đọc cho thanh thiếu niên – thế hệ rường cột của nước nhà.
Toàn văn bài trình bày của ThS. Vĩnh Quốc Bảo – Phó Giám đốc Thư viện KHTH Tp. Hồ Chí Minh (tại đây).
HT. VTV.