Sáng 27/5, tại Hà Nội, Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam đã ký kết chương trình phối hợp công tác nhằm phát triển văn hóa đọc và học tập suốt đời cho phụ nữ, trẻ em, gia đình và cộng đồng.
Bà Vũ Dương Thúy Ngà và bà Khúc Thị Hoa Phượng đã thực hiện ký kết chương trình phối hợp công tác.
Phát biểu tại buổi lễ ký kết, bà Vũ Dương Thúy Ngà – Vụ trưởng Vụ Thư viện nhấn mạnh: Việc phối hợp chương trình công tác này nhằm thực hiện thúc đẩy phát triển văn hóa đọc suốt đời cho trẻ em, phụ nữ, gia đình, và cộng đồng. Cũng là các hoạt động cụ thể để chúng ta triển khai thực hiện hai Đề án mà Chính phủ đã phê duyệt “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” và Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ”.
Đồng thời đây cũng là hoạt động hết sức có ý nghĩa sau khi Luật Thư viện đã được Quốc hội phê duyệt vào ngày 21/11/2019 và sẽ có hiệu lực vào ngày 1/7 tới đây. Trong Luật Thư viện rất khuyến khích phát triển văn hóa đọc, giao cho ngành Thư viện phối hợp với các ngành để thúc đẩy văn hóa đọc, góp phần nâng cao dân trí. Vì vậy, việc ký kết hợp tác này rất có ý nghĩa, bà Vũ Dương Thúy Ngà khẳng định.
Bà Ngà kỳ vọng, thông qua Chương trình ký kết hợp tác lần này với NXB Phụ nữ Việt Nam sẽ mở ra một chương mới, hứa hẹn nhiều thành công trong việc xây dựng và duy trì thói quen đọc sách, thúc đẩy nhu cầu và phát triển văn hóa đọc trong gia đình, cộng đồng, đặc biệt cho đối tượng giới nữ (bao gồm phụ nữ, trẻ em gái, học sinh, sinh viên nữ…); Tăng cường nguồn tài liệu và các dịch vụ thư viện hình thành môi trường đọc thân thiện góp phần nâng cao dân trí, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, chú trọng người dân vùng nông thôn, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn; Tạo cơ hội và khả năng tiếp cận thông tin, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của phụ nữ, trẻ em nói riêng và nhân dân nói chung.
“Từ lễ ký kết này, tôi hy vọng sẽ có nhiều hoạt động để thúc đẩy cho những mục tiêu chúng ta đặt ra là làm sao cho mọi người có nhiều cơ hội tiếp cận thông tin tri thức hơn, biết chọn được nhiều cuốn sách hay hơn, đồng thời có nhiều cơ hội để học tập suốt đời hơn”, bà Ngà nhấn mạnh.
Bà Vũ Dương Thúy Ngà – Vụ trưởng Vụ Thư viện phát biểu tại buổi lễ ký kết hợp tác.
Phát biểu tại lễ ký kết, bà Khúc Thị Hoa Phượng – Giám đốc – Tổng Biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ cho biết: Một thực tế đáng buồn cho ngành xuất bản cũng như ngành thư viện nói chung, theo thống kê của Cục Xuất bản, hàng năm, chúng ta xuất bản được trên 400 triệu bản bản sách, nhưng thực tế trong đó trên 300 triệu bản là sách giáo khoa, chỉ còn chưa đến 100 triệu bản là sách tham khảo. Vậy chia trên đầu dân, mỗi người trung bình 1 năm chưa đọc đến 1 cuốn sách tham khảo. Việc đọc sách cũng chỉ tập trung ở các thành phố lớn. Còn ở các vùng sâu, vùng xa cơ hội để người dân tiếp cận với sách còn nhiều khó khăn.
Bà Phượng khẳng định: Nếu chúng ta quan tâm đúng mức, đầu tư đúng mức thì văn hóa đọc sẽ xây dựng nền tảng văn hóa trong một đất nước, một quốc gia tốt đẹp hơn và phát triển hơn. Chính vì vậy, ý nghĩa của việc chúng ta phát triển văn hóa đọc, xây dựng được Luật Thư viện là cực kỳ quan trọng đối với Việt Nam. Trong đó có sự đóng góp không nhỏ của Vụ Thư viện.
Lễ ký kết chương trình phối hợp công tác hôm nay với Vụ Thư viện, Bộ VHTTDL thể hiện sự mong muốn của NXB Phụ nữ được chung tay, góp sức cùng Ngành Văn hóa làm tốt công tác phát triển văn hóa đọc, đẩy mạnh hoạt động học tập suốt đời cho người dân, bà Phượng nhấn mạnh.
Bà Khúc Thị Hoa Phượng – Giám đốc – Tổng Biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ phát biểu tại buổi lễ.
Tại buổi lễ, bà Vũ Dương Thúy Ngà và bà Khúc Thị Hoa Phượng đã thực hiện ký kết chương trình phối hợp công tác.
Theo mục tiêu cụ thể của chương trình hợp tác nhằm tăng cường chất lượng các xuất bản phẩm và hỗ trợ các thư viện trong xây dựng vốn tài liệu và hoạt động phục vụ nhằm đáp ứng nhu cầu bạn đọc; Phát triển văn hóa đọc trong giới nữ, gia đình, trẻ em và nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn thông qua các cấp hội phụ nữ, hệ thống thư viện công cộng; hướng dẫn cha mẹ, phát huy vai trò của người phụ nữ trong gia đình nhằm khơi dậy niềm đam mê và lòng yêu đọc sách từ sớm của trẻ em; trang bị kỹ năng, phương pháp đọc cho trẻ em, học sinh, sinh viên, phụ nữ và người dân nói chung trong cộng đồng;
Ngoài ra, trên cơ sở nắm bắt nhu cầu bạn đọc phối hợp cung cấp và hỗ trợ xây dựng thư viện, chú trọng phát triển nguồn tài nguyên thông tin (sách, báo, các ấn phẩm xuất bản khác) chất lượng, phong phú phục vụ việc đọc và học tập suốt đời của nhân dân, đặc biệt các đối tượng là phụ nữ và trẻ em; học sinh, sinh viên nữ; tăng cường công tác xuất bản góp phần giúp bạn đọc có kỹ năng tiếp nhận và sử dụng thông tin, tri thức, định hướng đọc lành mạnh, phù hợp nhu cầu và điều kiện của từng loại đối tượng;
Bên cạnh đó, huy động mọi nguồn lực xã hội để hỗ trợ xây dựng và phát triển các mô hình tủ sách, các loại thư viện phù hợp với điều kiện vùng, miền và phong tục tập quán địa phương để phụ nữ, trẻ em nói riêng và nhân dân nói chung được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức tại các thư viện công cộng, trung tâm học tập cộng đồng, điểm bưu điện – văn hóa xã, tủ sách các cấp hội phụ nữ, cơ quan xuất bản và phát hành.
Chương trình phối hợp công tác nhằm phát triển văn hóa đọc và học tập suốt đời cho phụ nữ, trẻ em, gia đình và cộng đồng.
Nội dung phối hợp giữa Vụ Thư viện và NXB Phụ nữ Việt Nam gồm: Phối hợp, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động khuyến đọc trong nhân dân; xây dựng và thúc đẩy việc hình thành môi trường đọc thân thiện và tiện ích, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em nói riêng và nhân dân nói chung tiếp cận thông tin và tri thức, thực hiện việc học tập suốt đời; Phối hợp triển khai các hoạt động nhằm khuyến khích phát triển văn hóa đọc trong các cấp hội phụ nữ, gia đình và cộng đồng…, các hoạt động nhằm tăng cường cơ sở vật chất, phát triển nguồn tài liệu và tổ chức các hoạt động phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập và giải trí của nhân dân, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, nữ học sinh, sinh viên; Đồng thời, phối hợp tổ chức các hoạt động khuyến đọc trong cộng đồng, các cuộc thi, sự kiện, giải thưởng về văn hóa đọc…; có các hình thức động viên, hỗ trợ các cấp hội phụ nữ, cộng đồng, thư viện tư nhân, không gian đọc, điểm đọc và các cá nhân làm tốt việc phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
Xây dựng kế hoạch hằng năm, triển khai và hướng dẫn các thư viện và các cấp hội phụ nữ triển khai thực hiện Chương trình.
Lan Anh
Nguồn: toquoc.vn/