Thế hệ Alpha (tiếng Anh: Generation Alpha, viết tắt: Gen Alpha) là nhóm nhân khẩu học nằm sau thế hệ Z. Nhóm nhân khẩu này được sinh ra trong khoảng thời gian từ đầu thập niên 2010 đến giữa thập niên 2020, là thế hệ đầu tiên được sinh ra hoàn toàn trong thế kỷ 21 và thiên niên kỷ 3.
(Ảnh minh họa: nguồn internet)
Thế hệ Alpha có hành vi, thói quen tiếp cận, thu nhận kiến thức, tri thức đóng gói theo cách rất khác so với trước đây. Điều này đặt ra thách thức lớn đối với xuất bản, đòi hỏi cách tiếp cận mới trong đóng gói và cung cấp tri thức đã đóng gói. Câu hỏi là thế hệ người đọc mới cần “sách” như thế nào, với kiểu cung cấp và tiếp nhận nào? Bước đầu tìm hiểu, khảo sát và quan sát, tác giả đưa ra một số câu trả lời như sau:
+ Thế hệ Alpha có xu hướng tiếp nhận thông tin tức thời, trên nền công nghệ, có nhiều lối truy xuất mở rộng thông tin một cách tức thời.
+ Thế hệ Alpha có nhu cầu tiếp cận bản rút gọn trước khi tiếp nhận bản đầy đủ.
+ Thế hệ Alpha hình thành thói quen tiếp cận thông tin, tri thức qua hình ảnh động.
+ Thế hệ Alpha là những cá nhân giàu bản sắc, nhu cầu thể hiện bản sắc, sự hiểu biết, quan điểm riêng thông qua chia sẻ trên các mạng xã hội và công cụ giao tiếp, kết nối trực tiếp là vô cùng lớn. Họ cần ở một “cuốn sách” mà họ yêu thích những tính năng đa đạng, độc đáo, cập nhật công nghệ để có thể dễ dàng chia sẻ.
+ Tính sở hữu và ý thức về quyền sở hữu rất cao, thế hệ Alpha cần phiên bản công nghệ của sách cũng phải đáp ứng được điều đó. Thế hệ Alpha có thể yêu cầu sách số cũng có tính năng sở hữu cao như tiền số.
Những năm gần đây, văn hoá đọc đã được quan tâm phát triển, đặc biệt là tuyên truyền, phát triển văn hóa đọc cho đối tượng thanh thiếu nhi trong bối cảnh các thành tựu công nghệ số tác động mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống. Mặc dù, số bản sách trên đầu người của Việt Nam tăng nhưng vẫn vô cùng khiêm tốn. Việt Nam vẫn là quốc gia đọc sách ít.
Có thể kể ra rất nhiều nguyên nhân của tình trạng “ít đọc và đọc ít”. Trong đó phải kể đến yếu tố mức sống, tiện nghi đời sống. Ví dụ, việc tham gia giao thông bằng xe máy thì không thể đọc sách trong lúc di chuyển; mức chi cho nhu cầu sống, chi cho thực phẩm, y tế, giáo dục chiếm tỷ trọng lớn, gần như phần tiền dành để chi cho việc mua và đọc sách là vô cùng ít ỏi. Ngoài ra, hệ thống thư viện còn thưa, tài nguyên thông tin và điều kiện phục vụ người đọc cũng hạn chế. Một trong những nguyên nhân nữa là chương trình giáo dục phổ thông còn nặng. Ngoài học chính khóa, thời gian làm bài tập, học bổ trợ kín thời gian biểu, khiến cho thời gian dành cho việc đọc sách là rất ít.
Từ cách tiếp cận trên, tác giả chia sẻ một số đề xuất theo ba nhóm vấn đề là: chính sách, thời gian, không gian và công cụ số góc nhìn riêng để góp phần thúc đẩy việc xây dựng văn hoá tiếp nhận tri thức cho thanh thiếu niên trong kỷ nguyên số.
+ Xây dựng chính sách khuyến đọc quốc gia theo hướng tiếp cận là nâng cao, mở rộng việc tiếp nhận tri thức phù hợp với thời đại số. Không chỉ dừng lại, gói gọn trong câu chuyện đọc sách in, đọc thông tin, tri thức, sáng tác, sáng tạo được đóng gói theo cách truyền thống.
+ Tiếp tục giảm tải chương trình giáo dục phổ thông. Học sinh phổ thông cần có nhiều thời gian hơn để tự tìm kiếm, tiếp cận, tự phát triển kỹ năng tiếp nhận tri thức thông qua sách, các dạng thông tin, tri thức, sáng tác, sáng tạo… được đóng gói và cung cấp theo nhiều phương tiện, trên nhiều nền tảng khác nhau.
+ Đầu tư, bảo trợ, hỗ trợ cho những sản phẩm công nghệ ứng dụng thành tựu mới nhất trong nghiên cứu, phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo… để tiếp cận, hỗ trợ phát triển cá nhân thông qua các đề xuất, gợi ý về nhóm sách nên đọc cho từng độc giả hay từng nhóm độc giả.
Cùng với sự phát triển của đất nước, thói quen đọc sách, văn hóa tiếp cận, tiếp nhận tri thức sẽ dần được cải thiện. Những gì đã làm và đang làm hiện nay dù rất nỗ lực nhưng vẫn còn khá khiêm tốn, đôi khi dùng cách rất cũ để mong thúc đẩy một việc quá mới. Một trong những điều đầu tiên cần làm ngay là tập trung đầu tư trí tuệ làm chính sách, cơ chế, thúc đẩy ứng dụng công nghệ để đi cùng đối tượng độc giả trẻ. Đặc biệt là hỗ trợ, tạo điều kiện, đồng thời có phương pháp phù hợp xu thế thời đại giúp cho thế hệ trẻ em hiện tại rèn luyện thói quen đọc, tiếp nhận tri thức, trước khi sa vào bể cám dỗ thụ động hưởng thụ thông tin và đánh mất hoàn toàn khả năng tiếp nhận tri thức, phản biện, tư duy, đồng thời cũng đánh mất luôn khả năng tự hình thành thế giới nội tâm và lòng trắc ẩn./.
Trích Kỷ yếu Hội thảo “Tuyên truyền, phát triển văn hóa đọc đối với thanh thiếu niên trong kỷ nguyên số”.
Lê Thanh Hà
Nhà xuất bản Thanh Niên