Thực hiện Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 27-1-2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án ‘Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ’, gần 7 năm qua, có thể thấy rõ sự chuyển mình của hệ thống văn hóa tại các địa phương. Bên cạnh thư viện, các bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ đang trở thành những điểm tiếp cận tri thức quan trọng, hấp dẫn, thu hút đông đảo người dân tiếp cận tri thức, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa đọc.
Học sinh Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Newton 5 (huyện Thanh Oai) trải nghiệm thực tế tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Phát triển về số lượng và nội dung hoạt động
Gần 500 học sinh Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Newton 5 (huyện Thanh Oai) vừa có chuyến trải nghiệm thực tế hấp dẫn tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (quận Ba Đình). Cô Trần Thanh Hiên, giáo viên nhà trường, chia sẻ: “Được biết Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có chương trình “Tìm hiểu về truyền thống hiếu học và những giá trị di sản mỹ thuật, nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc dân tộc”, nhà trường tổ chức cho các em học sinh tham gia. Tại đây, các em đã được thưởng lãm nhiều tác phẩm giá trị, bồi đắp kiến thức mỹ thuật, văn hóa, lịch sử, khơi gợi sáng tạo”. Em Vũ Bảo Ngọc, học sinh lớp 4G, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Newton 5 kể: “Em thích đến học tập ở bảo tàng, vì được nhìn thấy hiện vật, nên dễ nhớ, dễ học hơn trong sách…”.
Ở một điểm đến khác, mỗi dịp cuối tuần, Câu lạc bộ đọc sách cùng con (phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng) thu hút rất nhiều trẻ em. Ngoài thư viện sách phong phú cho các em tự do đọc, nơi đây còn có các buổi giới thiệu sách, giao lưu tác giả, tác phẩm, các khóa rèn luyện kỹ năng nói và viết… để tạo hứng thú học tập và đọc sách cho các em. Theo Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh, người sáng lập Câu lạc bộ đọc sách cùng con, đọc sách là hoạt động cá nhân, nhưng muốn có niềm đam mê phải hình thành cộng đồng đọc sách như các câu lạc bộ để khơi gợi, kích thích lẫn nhau.
Còn theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Bùi Thị Thu Hiền, Hà Nội có hệ thống thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa và các câu lạc bộ phát triển đa dạng, phục vụ nhu cầu học tập suốt đời của nhân dân. Những năm qua, các cơ sở này liên tục đổi mới và mở rộng hoạt động để thu hút công chúng. Các thư viện giờ đây không chỉ là nơi đọc và mượn sách, mà trở thành không gian văn hóa với nhiều hoạt động giao lưu, thi tài kiến thức, tiếp cận tri thức số… Trong khi đó, các bảo tàng, di tích lịch sử có nhiều hoạt động giáo dục cộng đồng, tổ chức triển lãm, trưng bày, hội thảo hấp dẫn. Hệ thống nhà văn hóa thôn đều có tủ sách pháp luật và tủ sách chi bộ. Ngoài ra, nhiều mô hình thư viện, bảo tàng, câu lạc bộ văn hóa ra đời từ nguồn xã hội hóa, như: Thư viện Dương Liễu (huyện Hoài Đức), các câu lạc bộ: Đọc sách cùng con, Sách ơi mở ra…
Cùng với Hà Nội, theo Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), gần 7 năm qua, hệ thống thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ trên cả nước đã mở rộng, phát triển cả về số lượng và nội dung hoạt động. Cả nước đã có hơn 24.000 thư viện công cộng (tăng 36% so với năm 2014), với 44 triệu bản sách, phục vụ trên 47 triệu lượt bạn đọc mỗi năm (tăng 96% so với năm 2014). Nhờ những hoạt động trải nghiệm phong phú, lượng khách đến các bảo tàng mỗi năm đạt từ 15 đến 17 triệu lượt người. Hệ thống nhà văn hóa, câu lạc bộ tại các địa phương đang được đầu tư, tạo không gian văn hóa lành mạnh cho nhân dân sinh hoạt, tiếp cận tri thức.
Thúc đẩy học tập, nâng cao tri thức
Câu lạc bộ Đọc sách cùng con (phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng) đã và đang thu hút học sinh nhiều lứa tuổi tham gia sinh hoạt.
Tuy có những bước chuyển đáng khích lệ, song việc triển khai Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ” còn chưa đồng bộ, thiếu quyết liệt. Theo Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Phạm Định Phong, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn lực về tư liệu đáp ứng hoạt động học tập chưa bảo đảm. Các địa phương còn chậm đổi mới hoạt động trưng bày, chưa có nhiều chương trình hấp dẫn, phù hợp với từng đối tượng, đặc biệt là trẻ em.
Còn theo Vụ trưởng Vụ Thư viện Vũ Dương Thúy Ngà, việc thiếu đầu tư, luân chuyển sách trong các thư viện; cách thức trưng bày, thuyết minh tại bảo tàng giống nhau với mọi đối tượng và thiếu phong phú, sáng tạo trong tổ chức hoạt động tại các nhà văn hóa, câu lạc bộ, khiến người dân thấy nhàm chán…
Để thúc đẩy người dân đến các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Bùi Thị Thu Hiền cho rằng, các địa điểm này phải có cơ sở vật chất khang trang, nguồn tư liệu dồi dào, hoạt động sáng tạo, cán bộ thân thiện, nhiệt tình. Bên cạnh sự quan tâm của Trung ương và thành phố, chính quyền các cấp và cơ quan quản lý các cơ sở này phải dành nguồn lực đầu tư và khuyến khích hoạt động xã hội hóa.
Liên quan đến vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy khẳng định, con người là nhân tố quyết định, do đó cần bồi dưỡng chuyên môn, chăm lo đời sống của những người làm công tác thư viện, bảo tàng, quản lý thiết chế văn hóa, để họ nêu cao trách nhiệm, trở thành những “ngôi sao” dẫn đường cho hoạt động học tập suốt đời của người dân thông qua sự sáng tạo, tổ chức phục vụ chu đáo, hiệu quả…
Có sự chuyển động đồng bộ từ các cấp, ngành đến cơ sở, người dân sẽ có cơ hội tiếp cận tri thức, nâng cao dân trí, đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội.
Yên Nga
Nguồn: hanoimoi.com.vn