Singapore là đất nước có sự nghiệp thư viện phát triển. Chính phủ Singapore đã dành sự quan tâm và đầu tư ngân sách đáng kể cho hoạt động thư viện. Nhân chuyến công tác của Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tại Singapore từ ngày 10/12 – 13/12/2019, đoàn đã thăm và trao đổi, học tập kinh nghiệm tại một số thư viện tiêu biểu như: Thư viện Quốc gia Singapore, Thư viện công cộng trung tâm, Thư viện cộng đồng Harbourfront và Thư viện trường Đại học Công nghệ Nanyang Singapore (NTU).
Thư viện Quốc gia Singapore
Thư viện Quốc gia Singapore được thành lập vào những năm hai mươi của thế kỉ XIX, khi đó với tên gọi là Thư viện Raffles, đến năm 1960 chính thức lấy tên là Thư viện Quốc gia Singapore, do Hội đồng Thư viện Quốc gia Singapore quản lý. Thư viện có tổng số vốn tài liệu trên 600.000 tên thuộc mọi loại hình khác nhau. Thư viện cung cấp các dịch vụ tham khảo tại chỗ hoặc qua email, tin nhắn, điện thoại và fax. Thư viện được trang bị nhiều phương tiện hiện đại giúp truy cập vào cơ sở dữ liệu điện tử, dịch vụ chuyển phát tài liệu, microfilm, sao chụp và sử dụng tài liệu nghe-nhìn. Thư viện còn có không gian triển lãm và Trung tâm Kịch cho các buổi biểu diễn. Ngoài tổ chức phục vụ tại chỗ, cho mượn về nhà (theo phương thức tự động hóa rất cao), Thư viện Quốc gia còn tổ chức đào tạo, tập huấn cho người sử dụng thư viện, cán bộ thư viện trong nước và một số nước khác trong khu vực Đông Nam Á.
Ảnh: Khu vực phục vụ bạn đọc của Thư viện Quốc gia Singapore
Thư viện công cộng trung tâm
Thư viện công cộng trung tâm mở cửa cho mọi lứa tuổi đến sử dụng vốn tài liệu thư viện và tham gia vào các chương trình đa dạng do thư viện cung cấp từ các câu lạc bộ sách đến các buổi nói chuyện vào giờ ăn trưa và các buổi kể chuyện.
Thư viện được biết đến là nơi đầu tiên trên thế giới có thư viện xanh dành cho trẻ em, với tên gọi My Tree House, bởi mọi vật liệu trang trí trong thư viện đều làm từ vật liệu tái chế. Thư viện này tự hào có một bộ sưu tập lớn các tài liệu khoa học viễn tưởng dành cho trẻ em. Bao gồm các dịch vụ cơ bản như người mượn tự kiểm tra tình trạng mượn trên website, dịch vụ trả sách 24 giờ, trạm đa phương tiện, thư mục trực tuyến. Thư viện còn cung cấp dịch vụ tư vấn cho người sử dụng lời khuyên về các tiêu đề tiểu thuyết dựa trên sở thích của họ, thiết bị trợ giúp đọc và ki-ốt điện tử. Thư viện có trên 134.000 tên tài liệu in. Ngoài ra, thư viện thường tổ chức các chương trình giới thiệu sách mới, triển lãm, thảo luận về sách và giao lưu tác giả-tác phẩm.
Ảnh: Thư viện thiếu nhi thuộc Thư viện công cộng trung tâm Singapore
Thư viện cộng đồng Harbourfront
Thư viện đặt tại Vivo city – là thư viện công cộng trong trung tâm thương mại sầm uất nhất Singapore. Đây là điểm đến đọc và học mới được khánh thành tháng 01/2019, với vốn tài liệu hơn 200.000 bản. Thư viện được thiết kế với hai khối riêng biệt: khu vực dành cho người lớn và thanh thiếu niên (yên tĩnh) và khu vực dành cho trẻ em (sôi động, hấp dẫn) nhằm tạo không gian thuận lợi và các dịch vụ nâng cao phù hợp với mọi nhu cầu đọc và học của mỗi nhóm đối tượng.
Ảnh: Khu vực sách dành cho thiếu nhi tại Thư viện cộng đồng Harbourfront
Thư viện trường Đại học Công nghệ Nanyang Singapore (NTU)
Thư viện trường Đại học Công nghệ Nanyang có lịch sử gần 70 năm xây dựng và phát triển, đến nay đã phục vụ hơn 33.500 sinh viên, 10.000 giảng viên và cán bộ, viên chức của trường. Ngoài thư viện trung tâm – Lee Wee Nam, còn có 6 thư viện trong khuôn viên NTU được bố trí theo chuyên ngành (Kinh doanh, Trung Quốc học, Thông tin và Truyền thông, Khoa học xã hội và Nhân văn, Nghệ thuật học, Trạm thư viện 24/7) và thư viện Y học trong thành phố.
Thư viện mở cửa từ thứ 2 đến thứ 7, nghỉ chủ nhật và chia ra các bộ phận phục vụ đặc biệt, có bộ phận phục vụ bạn đọc 24/24 giờ; đặt ra các chính sách và quy định về việc phục vụ các đối tượng khác nhau, cũng như bố trí thành các khu vực đặc thù như: khu vực học nhóm, khu vực yên tĩnh và khu vực mở.
Ảnh: Thư viện trung tâm của Đại học Công nghệ Nanyang Singapore
Thu Phượng