Ảnh minh họa: Xây dựng thói quen đọc cho trẻ trong thời đại công nghệ số (nguồn internet)
Đọc là một trong những thói quen quan trọng nhất của học tập suốt đời. Văn hóa Đọc có mối quan hệ mật thiết với sự phát triển của một quốc gia. Vai trò to lớn của việc đọc đối với sự phát triển nhân cách, với sự hình thành tri thức và văn hóa đã luôn luôn được khẳng định. Trong thế giới truyền thông thị giác và truyền thông xã hội phát triển như vũ bão, làm thay đổi cả các hình thái kinh tế và vô số thói quen của con người, đặc biệt là con người đô thị; đọc – như một thói quen, như một hành vi, như một nhu cầu nội tại đã thay đổi ra sao.
Theo thống kê, số lượng người Việt Nam sử dụng các mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, ngày càng tăng nhanh. Đầu năm 2018, Việt Nam xếp vị trí thứ 7 với 58 triệu người dùng, trong đó, thành phố Hồ Chí Minh nằm trong top 6 thành phố có người dùng Facebook nhiều nhất với 14 triệu người dùng. Cuối năm 2018, theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, số tài khoản Facebook đã lên đến 60 triệu trên tổng số dân xấp xỉ 95 triệu, chiếm 60% dân số. Hơn thế nữa, thời gian sử dụng internet của người Việt cũng rất cao. Đáng chú ý, số người dùng thường xuyên mạng xã hội Facebook là 60 triệu người; thứ hai là YouTube có số lượng 45 triệu người/tháng; tiếp theo là mạng Zalo của Việt Nam có 40 triệu người/tháng và thời gian sử dụng trung bình của người Việt khoảng 2,12 giờ [1]. Điều đáng nói thêm, tỉ lệ người trẻ dùng mạng xã hội ngày càng tăng cao về số lượng và giảm về độ tuổi, đa số thanh thiếu niên từ 12 tuổi trở lên ở thành phố đều đã có tài khoản trên mạng xã hội.
Truyền thông và cơ chế thị trường làm thay đổi rất nhiều cấu trúc tinh thần của con người hiện đại. Giờ đây, người người đều sử dụng smartphone, rất nhiều app quản lý, trao đổi thông tin được tạo ra trên nền tảng smatphone khiến người ta không thể không dùng. Xu hướng làm sách trên nền tảng smarphone cũng bắt đầu nở rộ, đặc biệt phổ biến là các app sách tiếng Anh. Các công ty phần mềm, các kênh youtube liên tục sáng tạo ra các ứng dụng mới khiến con người càng ngày càng phụ thuộc vào công nghệ nói chung và smartphone nói riêng. Điều này dẫn đến người lớn và trẻ em đều có thời gian sử dụng smartphone ngày càng nhiều, nhất là ở các thành phố lớn. Điều này sẽ dần tạo nên các hành vi đọc mới trong thế giới công nghệ, đọc sách trên máy tính hoặc smartphone.
Bên cạnh đó, thời gian đọc của trẻ em ngày càng hạn hẹp. Nguyên nhân là do áp lực học ngày càng cao với trẻ em dẫn đến sự eo hẹp thời gian cho việc đọc, các em phải dành nhiều thời gian cho việc học trên lớp, học bổ trợ và làm bài tập về nhà, vì vậy, trẻ em ngày càng mất thói quen đọc và khi lớn lên sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tự học, tự đọc và tự nghiên cứu. Ngoài ra, việc hạn chế khuyến đọc trong chương trình học phổ thông, đặc biệt là chương trình Tiếng Việt ở tiểu học và Ngữ văn ở cấp 2 và cấp 3, gần như không khuyến khích trẻ đọc như một thú vui, như một hình thức giải trí tự thân. Các bài tập đọc đều quá nhiều câu hỏi mà mang tính áp đặt. Mặt khác, hiện nay chỉ có sách theo độ tuổi mà không có sách hay ứng dụng đọc sách theo trình độ đọc (căn cứ vào số lượng từ ngữ, nội dung đọc và tốc độ đọc của người đọc) khiến cho việc đọc của trẻ em dễ nhàm chán và gặp khó khăn vì không biết chọn sách phù hợp.
Tuyên truyền, gây dựng và phát triển thói quen đọc sách cho trẻ em trong thời đại số cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành, từ trung ương đến địa phương và cần có sự chung tay của cả cộng đồng. Một số đề xuất để phát triển kỹ năng đọc cho thanh thiếu niên cụ thể như sau:
- Về mặt nhận thức:
Trong thời đại phát triển của công nghệ và các thiết bị điện tử, chúng ta cần thay đổi quan niệm về sách: Sách không chỉ là sách giấy mà ebook cũng là một dạng sách. Vì vậy, việc ebook hóa và xây dựng nội dung ebook lành mạch, tích cực trên không gian mạng, trên các thiết bị điện tử là vô cùng cần thiết trong thời đại số hóa.
- Về phía nhà trường:
Hoạt động đọc trong trường học cần có những việc làm cụ thể như sau:
+ Trong Kế hoạch giảng dạy, kế hoạch học tập có thời lượng nhất định dành cho việc đọc sách (ví dụ mỗi tuần 2 tiết). Trong thời lượng bài tập ở nhà, giáo viên và nhà trường cũng nên mặc định Đọc sách cũng là học, là một dạng bài tập để phân chia thời gian của trẻ phù hợp.
+ Đầu mỗi kỳ học giáo viên (cụ thể nên phân công cho giáo viên dạy Ngữ văn) và Nhà trường cần lên Danh sách sách bắt buộc đọc cho học sinh. Danh sách này cần vừa sức và khả thi đối với từng khối lớp (thường từ 4-8 cuốn còn tùy dung lượng). Để tạo điều kiện cho học sinh, thư viện trường cần trang bị đầy đủ những đầu sách đã đề xuất.
+ Đối với giáo viên, cán bộ nhân viên trong trường; Nhà trường cũng cần có Danh sách những cuốn sách cần đọc và đương nhiên thầy cô giáo cần là những người gương mẫu nhất trong hoạt động này.
+ Nếu các môn văn, toán có kiểm tra đánh giá; thì Đọc cũng cần có hoạt động tương tự. Hoạt động này có thể là tuyên dương định kỳ, có thể tính điểm vào môn Ngữ văn, vào thành tích thi đua của lớp….
- Về phía gia đình:
Mỗi gia đình là cái nôi nuôi dưỡng, hình thành thói quen đọc, khơi dậy sở thích đọc và phát triển kỹ năng đọc sách cho trẻ em:
+ Bố mẹ cũng thực hành việc đọc. Thời lượng không cần quá nhiều nhưng tối thiểu là mỗi ngày cần dành ra 20-30 phút.
+ Đọc sách cho trẻ càng sớm càng tốt. Bạn có thể bắt đầu ngay từ khi con đang trọng bụng mẹ. Tuy vậy, nếu bạn đã lỡ bỏ qua một giai đoạn nào đó, thì hãy nhớ rằng sẽ không bao giờ là quá muộn. Hãy bắt đầu từ những cuốn sách vui nhộn và bắt đầu từ sở thích của trẻ để chọn sách.
+ Đọc sách là việc làm cần kiên trì hàng ngày. Vì vậy, nếu gia đình bạn chưa thể dành quá nhiều thời gian, thì mỗi ngày hãy dành 20-30 phút để thực hành việc đọc sách cùng nhau. Sau thời gian “bắt buộc”, các thành viên có thể sẽ tiến đến khoảng trời tự do và thực sự có thói quen, hứng thú với việc đọc sách.
+ Chọn sách phù hợp: Việc chọn sách bố mẹ hãy tham khảo ý kiến chuyên gia; xin ý kiến của giáo viên; hoặc có thể căn cứ vào những gợi ý sau:Một, con bạn thích lĩnh vực nào trước tiên hãy cố gắng chọn sách lĩnh vực ấy; hai, căn cứ theo gợi ý về độ tuổi trên sách của nhà xuất bản; ba, đọc giới thiệu và mục lục cuốn sách; bốn, đọc giới thiệu, phản hồi về cuốn sách định mua trên mạng; năm, tham khảo ý kiến của con; sáu, quan sát khả năng đọc của con để có thể dự đoán về số lượng chữ phù hợp.
Việc đọc, khi được thiết lập trên một lộ trình phù hợp sẽ giúp tất cả mọi đứa trẻ có thể hình thành thói quen dễ dàng. Trong năm 2018, các nghiên cứu mới nhất đã cho thấy rằng: hư vậy, chỉ cần duy trì thói quen đọc 20 phút mỗi ngày, trẻ đã thu nhận được một lượng từ rất lớn và rất có lợi cho sự phát triển tư duy ngôn ngữ cũng như sự phát triển của bộ não. Vì vậy, phát triển kỹ năng đọc nên là một mục tiêu cụ thể mà cộng đồng, nhà trường cũng như các bậc phụ huynh cần quan tâm./.
Trích Kỷ yếu Hội thảo “Tuyên truyền, phát triển văn hóa đọc đối với thanh thiếu niên trong kỷ nguyên số”.
HT. – Diêu Lan Phương
Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn
Tài liệu tham khảo
- Công ty Nghiên cứu thị trường W&S. Thói quen sử dụng mạng xã hội của người Việt Nam năm 2018. https://www.brandsvietnam.com/congdong/topic/10074-Thoi-Quen-Su-Dung-Mang-Xa-Hoi-Cua-Nguoi-Viet-Nam-2018
2.John S. Hutton (2018), Differences in functional brain network connectivity during stories presented in audio, illustrated, and animated format in preschool-age children
https://link.springer.com/article/10.1007/s11682-018-9985-y?fbclid=IwAR2zaRyeXp-KpsJtc83pEXLYu4f8-tbUN8WE13_-8BWaupJCM9ifno93Ipk
- Nagy W, Herman P, & Anderson R.C (1985), Learning word from context, Reading Research Quarterly. 20(2), 233-253.