Chiều 14.8, tại Nhà Quốc hội, trong khuôn khổ phiên họp lần thứ 36, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Thư viện. Cùng dự còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Ngọc Thiện, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành…
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày báo cáo thẩm tra đã khẳng định dự án Luật đã được chỉnh lý, tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ VII, Quốc hội khoá XIV.
Thường trực Uỷ ban đã cùng với Ban soạn thảo tổ chức các buổi làm việc để thống nhất về các nội dung tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật. Ba buổi tọa đàm, hội nghị tham vấn chuyên gia đã được tổ chức tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh với sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia, nhà khoa học và người làm công tác thư viện tại nhiều thư viện trong cả nước.
Một trong những nội dung đáng chú ý là dự thảo Luật quy định Thư viện Quốc gia Việt Nam là thư viện trung tâm của cả nước (khoản 1 Điều 9). Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có một thư viện cấp tỉnh giữ vai trò thư viện trung tâm trên địa bàn (khoản 2, Điều 10). Báo cáo thẩm tra đề xuất: Thư viện Quốc gia và thư viện cấp tỉnh sẽ do Nhà nước chịu trách nhiệm đầu tư. Đối với thư viện cấp huyện, xã, chính quyền địa phương quyết định mô hình tổ chức và hoạt động, bảo đảm điều kiện hoạt động phù hợp với tình hình kinh tế – xã hội, nhu cầu người sử dụng thư viện ở địa phương, quán triệt theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Nghị quyết 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay. Đồng thời báo cáo cũng xin ý kiến UBTVQH về ba vấn đề còn có ý kiến khác nhau.
Đánh giá về dự án Luật, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đã nhận xét: “Sau kỳ họp thứ 7, tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, đặc biệt với sự chỉ đạo và thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp trước, Ủy ban thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã phối hợp để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật. Đặc biệt, có sự tham gia trực tiếp chỉ đạo của đồng chí Phó Thủ tướng, chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng trực tiếp để hoàn thiện dự án luật này, cho đến nay có những điều mới nhưng được hoàn thiện rất nhanh chóng mà rất khoa học”. Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng cũng đề nghị các đại biểu đóng góp ý kiến vào 3 điểm còn chưa thống nhất cao về trách nhiệm của Nhà nước đối với thư viện quốc gia Việt Nam và thư viện cấp tỉnh; về xếp hạng thư viện và về Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam.
Sau phiên thảo luận sôi nổi, hầu hết các ý kiến đều thống nhất rằng nhà nước cần có trách nhiệm đầu tư cho Thư viện Quốc gia, thư viện tỉnh; nên đưa qui định về Ngày sách và văn hoá đọc Việt Nam vào dự án Luật. Tuy nhiên không đưa vào Luật qui định việc xếp hạng thư viện.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã phát biểu thể hiện sự đồng thuận cao với các ý kiến phát biểu của các đại biểu. Ông nhấn mạnh: “Thực sự thư viện đang đứng trước một thời kỳ có rất nhiều thách thức về sự thay đổi. Ngày xưa thư viện gần như là biểu trưng của văn hóa, của khoa học của nhiều quốc gia. Bây giờ vai trò của thư viện chắc chắn không thay đổi, nhưng mô hình tổ chức, phương thức hoạt động đang thay đổi rất nhanh chóng. Có những thứ phải nói thật đến bây giờ chúng ta cũng chưa lường hết được. Vì thế khi soạn Luật Thư viện lần này, mong muốn của Bộ, của Chính phủ, đặc biệt là của anh chị em cán bộ làm trong ngành thư viện chỉ muốn làm sao Luật tạo ra một khuôn khổ pháp lý để sứ mệnh của thư viện tiếp tục được khẳng định, mở ra cái khung để sau này tùy theo sự phát triển khoa học công nghệ, của kinh tế – xã hội có thể thay đổi. Chúng tôi thấy đến giờ phút này các yêu cầu này đã đạt được”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại phiên họp (Nguồn ảnh: TTXVN)
Phát biểu kết luận, Phó chủ tịch Tòng Thị Phóng khẳng định, phiên thảo luận về dự án Luật đã diễn ra sôi nổi, cơ quan chủ trì và cơ quan thẩm tra sẽ tiếp tục phối hợp rà soát lại một lần nữa tính thống nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam để hoàn thiện dự thảo Luật đảm bảo chất lượng và tiến độ.
Tuệ Lâm