Đối với bạn đọc Việt Nam nhiều thế hệ, Phan Quang đã trở thành một tên tuối quen thuộc. Cuộc đời ông đã gắn bó với những bài báo, trang sách, những bản dịch có sức sống mãnh liệt và truyền cảm hứng cho người đọc.
Phan Quang tên khai sinh là Phan Quang Diêu. Ông sinh năm 1928 trong một gia đình có truyền thống nho học tại làng Thượng Xá, nay thuộc xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, bên bờ sông Thạch Hãn gần Thành cổ Quảng Trị. Phan Quang đã từng khái quát về nghề cầm bút của mình trong 4 chữ “ĐỌC – ĐI – NGHĨ – VIẾT”. Khi tâm sự, ông luôn khẳng định vai trò của việc đọc trong quá trình học tập công tác, từ tuổi ấu thơ đến lúc trưởng thành và cho đến tận bây giờ, khi ông đã hơn 90 tuổi.
Tôi gặp Phan Quang lần đầu tháng 10 năm 2017 tại nhà anh Phan Hoàng – con trai ông. Khi đó anh Hoàng có nhờ tôi giúp một việc nho nhỏ: tìm lại một số tác phẩm đã được xuất bản trước đây của Phan Quang. Được gặp ông, tôi thật sự ngưỡng mộ về sự hiểu biết rộng lớn, tấm lòng yêu quê hương đất nước vô bờ bến và sự khiêm tốn lạ thường. Nụ cười thân thiện, rộng mở đã khiến cho tôi có cảm giác dường như đã thân quen với ông từ lâu. Ông hào hiệp tặng tôi bốn cuốn sách của ông vừa mới xuất bản. Về nhà, mở cuốn Thời gian không đổi sắc màu tôi đã bị cuốn hút ngay từ trang đầu tiên “Niềm đam mê đọc sách trong tôi là cái tật bẩm sinh mang tính di truyền, lại bị bội nhiễm, từ thuở ấu thơ cho đến lúc về già tôi gần như sống trong môi trường sách, làm việc ở đâu, nhìn vào phía nào cũng thấy sách và sách. Do vậy hễ có chút thời gian rảnh rỗi là tôi cầm cuốn sách. Trong công việc hằng ngày, dù lúc xắn quần lội ruộng cùng nông dân hay vi vu đến một phương trời nào đó, làm một việc được cấp trên giao, lại càng thấy không thể không đọc sách trước, trong và sau mỗi chuyến đi”. Ông đã gọi sách là “người bạn muôn đời” và khẳng định “văn minh loài người hình thành từ sách”. Từ sự ngưỡng mộ, càng đọc sách của ông, tôi càng thêm cảm kích. Và cũng xuất phát từ những ấn tượng ấy, tôi đã bắt đầu sưu tầm tư liệu để viết về một tấm gương ham đọc sách và tự học đáng để mọi người ngưỡng mộ và làm theo ấy. Nghĩ vậy, nhưng cũng đến hơn một năm sau tôi mới tạm hoàn thành được bài viết, vì càng đọc và càng tìm hiểu về Phan Quang tôi càng cảm thấy những hiểu biết của mình về ông còn quá nhỏ bé. Những trang viết, những lời kể của ông đã gợi lên cho tôi bao điểu, thôi thúc tôi đọc, tìm hiểu và suy ngẫm. Phan Quang là một người đã có cống hiến trên nhiều phương diện: một nhà báo kỳ cựu với ngàn bài báo, một nhà văn, một nhà văn hóa lỗi lạc và một dịch giả tài năng. Hơn 50 tác phẩm với nhiểu thể loại: truyện ngắn, truyện vừa, bút ký, truyện thiếu nhi, phê bình, tiểu luận… đã được xuất bản đã cho thấy sự hiểu biết rộng lớn, sức làm việc phi thường và sự tận tụy của ông với đất nước, nhân dân, với cuộc đời, với những người bạn, người đồng chí thân yêu.
Sau này, đến thăm nhà Phan Quang tôi thực sự mới hiểu hết nguồn cội sức mạnh và niềm đam mê và yêu đọc sách của ông lớn đến chừng nào. Bước vào phòng khách của ông, chúng ta bắt gặp những tủ sách được xếp gần như chật cứng. Dường như người bạn đồng hành này đã luôn là điểm tựa và đem đến cho ông niềm vui khám phá và giúp ông có thể học suốt đời.
Theo lời ông kể lại, ngay từ nhỏ, Phan Quang đã thích đọc sách. Khi mới lên sáu tuổi, nhân trọ tại nhà người anh có thư viện với nhiều sách được xuất bản bằng tiếng Pháp, ông đã có điều kiện tiếp cận với văn học Pháp. Ngay từ những năm tháng học tiểu học, với vốn tiếng Pháp của mình ông đã đọc nhiều tác phẩm từ nguyên bản. Tên tuổi và tác phẩm của Victor Hugo, Honoré de Balzac, Alfred de Vigny, Alphonse de Lamartine, Hector Malot, Alexandre Dumas, Gustave Flaubert… đã đi vào tâm trí của cậu bé ham đọc và nuôi dưỡng trong ông một tình yêu văn học. Do hoàn cảnh, dù chưa đến tuổi thành niên, học chưa hết phổ thông trung học, Phan Quang đã xếp bút nghiên, lên đường theo lời kêu gọi của Mặt trận Việt Minh. 17 tuổi, ông tham gia giành chính quyền ở huyện Hải Lăng ngay từ Cách mạng tháng Tám. Tuổi trẻ của ông gắn liền với hoạt động Đoàn Thanh niên, phong trào Bình dân học vụ sôi nổi. Năm 1948, Phan Quang đã được đồng chí Nguyễn Chí Thanh, lúc đó là Bí thư Phân khu ủy Bình Trị Thiên lựa chọn để đào tạo lâu dài. Từ vùng địch hậu Bình Trị Thiên, ông đã được điều chuyển ra vùng tự do Liên khu IV Thanh Nghệ Tĩnh và làm việc tại báo Cứu quốc. Công việc đó thoạt đầu ông không thích vì ông thích viết văn hơn, nhưng phân công của tổ chức không thể từ chối. Và thế là với tâm thế khiêm nhường của người học việc, ngay sau khi nhận công tác ông đã bắt đầu viết.
Không có điều kiện được đào tạo căn bản, ông đã bắt đầu cầm bút từ việc tự học và trong tự học, sách với ông là người thày và người bạn muôn đời thủy chung. Ông đã trở thành phóng viên báo Cứu quốc năm 20 tuổi và được mọi người yêu mến với những bài viết đầu tay. Năm 1949, ông được cử trở lại chiến trường Bình Trị Thiên làm phóng viên mặt trận. Năm 1954, Phan Quang được điều động về báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Ông đã làm ở đây 28 năm liền. Với lý tưởng cao đẹp, luôn sẵn sàng dấn thân, không quản ngại gian khổ hy sinh và sự nỗ lực học hỏi không ngừng Phan Quang được nhìn nhận là người đi nhiều nhất, viết nhiều nhất. Bài viết của ông có nhiều thể loại: xã luận, bình luận, phóng sự điều tra, bút ký… mang hơi thở của cuộc sống và tầm vóc của thời đại. Cùng với các nhà báo đương thời như Hoàng Tùng, Thép Mới, Quang Đạm, Hồng Hà, Hữu Thọ, Hà Đăng… Phan Quang góp phần hình thành nên một thế hệ vàng cho nền báo chí cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.
Năm 1987, Bộ Thông tin được thành lập, Phan Quang được bổ nhiệm Thứ trưởng phụ trách mảng báo chí, phát thanh, truyền hình, xuất nhập khẩu sách báo… và công tác đối ngoại. Ông đã có những đóng góp tích cực để thực hiện chủ trương mở cửa, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ với nước ngoài của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ năm 1988 đến hết năm 1997, ông là Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập, Bí thư Ban Cán sự Đảng Đài Tiếng nói Việt Nam, kiêm nhiệm Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam hai nhiệm kỳ V và VI (1989-2000), đồng thời được bầu làm Đại biểu Quốc hội, làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội ba nhiệm kỳ liền, từ năm 1987 đến 2002, góp sức thực hiện dường lối, chính sách đối ngoại đổi mới của Đảng và Nhà nước ta.
Ông đã có công xây dựng và phát triển Đài Tiếng nói Việt Nam với cơ sở hạ tầng hiện đại; đội ngũ phóng viên có trình độ tác nghiệp chuẩn hóa, năng động, đổi mới các hệ phát thanh của Đài tạo bước khởi đầu để các nhiệm kỳ lãnh đạo kế tiếp dần dà hình thành nên hệ thống hùng hậu các kênh từ VOV1 đến VOV 6, VOV Giao thông, VOVTV… ngày nay.
Phan Quang đã có nhiều cống hiến cho công tác Hội Nhà báo Việt Nam. Từ năm 1991, ông đề xuất và được cấp trên chấp nhận thành lập Giải báo chí toàn quốc, tiền thân của Giải Báo chí quốc gia Việt Nam hiện nay góp phần nhân rộng tài năng, khích lệ đam mê nghề nghiệp báo giới. Ông là người du nhập Quy ước đạo đức nghề nghiệp báo chí đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện và Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) khuyến khích thúc đẩy. Qua nhiều lần trao đổi, hội thảo, đặc biệt là sau Hội thảo toàn quốc về chủ đề này năm 1993 tại Hà Nội, ông khởi thảo Quy ước đạo đức báo chí Việt Nam gồm 10 điều, được Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Hội thông qua năm 1995. Không ít công việc do ông khởi xướng đã được Hội Nhà báo Việt Nam nhiều nhiệm kỳ kế tiếp tiếp tục thực hiện, đổi mới, nâng cao.
Nhìn lại hơn 70 năm cống hiến, ở bất cứ cương vị nào, Phan Quang cũng tâm huyết làm tròn trách nhiệm của mình. Chiếc chìa khóa vạn năng khiến ông có thể thích ứng được vào mọi hoàn cảnh là tự học không ngừng. Khi chia sẻ những điểu khắc cốt ghi tâm trong những lời chúc, đồng thời cũng là lời nhắn nhủ của Bác Hồ từ Tết Bính Thân (1956), “Chú là phóng viên, là nhà báo. Năm mới, Bác chúc nhà báo viết cho đúng, cho hay, có nhiều người đọc”. Từ những tâm niệm ấy, người cầm bút Phan Quang đã nỗ lực suốt một đời. Thực hiện lời dạy của Bác, nhà báo Phan Quang đã xác định: Một tác phẩm báo chí muốn có chỗ đứng trong lòng người đọc phải “đúng, trúng, nhanh, hay”.
Với Phan Quang, tài năng là một sự tích lũy lâu dài. Học rộng trong quan niệm của ông là phải đọc nhiều. Ông đã từng rất thán phục Bernard Pivot, người phụ trách chuyên mục văn hóa, văn học của Đài Truyền hình Pháp, đã được mệnh danh là Vua đọc. Theo Phan Quang: để có thể viết ra được các bài báo hay, nhà báo phải có tri thức xã hội tổng hợp, đồng thời phải có hiểu biết chuyên ngành. Khi được phân công về Ban Nông nghiệp, cùng với việc học Ngữ văn, Phan Quang đã dành thời gian tham gia các chương trình học tại Đại học Nông nghiệp và Đại học Kinh tế Kế hoạch để có kiến thức viết bài. Học ở trường, lấy dữ liệu từ cuộc sống và từ sách vở. Trước khi đi, viết, ông luôn có thói quen đọc để tìm hiểu về vấn đề phải viết. Ông chân tình chia sẻ: “Về sở thích, tôi say mê đọc nhất. Nhà tôi có nhiều sách. Tôi học ở trường thật sự không bao nhiêu. Có lẽ kiến thức tích lũy được phần lớn từ sách”. Với Phan Quang, đọc để học, học những điều hay và rút kinh nghiệm cho cả những điều còn chưa hay. Muốn học phải biết rõ tác phẩm của các bậc tiền bối.
Từ lời tâm sự của Phan Quang, tôi đã lần giở theo các tác phẩm của ông và thực sự khâm phục trước nguồn tư liệu phong phú mà ông đã đọc và chia sẻ với mọi người. Mọi người không chỉ thích thú theo sự dẫn dắt của Phan Quang đi từ tác giả này đến tác giả khác, cảm nhận cái hay, cái thú vị, giá trị khoa học của các tác phẩm, các công trình được ông giới thiệu mà thực sự trân quý sự hiểu biết sâu sắc và rộng lớn của Phan Quang và các tác giả và tác phẩm đó. Không chỉ giúp mọi người hiểu thêm về những nhà văn hoá lớn như Nguyễn An Ninh -Người đánh thức một thế hệ thanh niên, Đạm Phương nữ sử, Phan Quang còn giới thiệu và cống hiến cho người đọc những phát hiện và chia sẻ những suy nghĩ của mình về các tác giả, tác phẩm. Từ những trang viết của ông, chắc chắn công trình Người nông dân châu thổ Bắc Kỳ của Pierre Gourou, Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, kịch Cỏ Độc lập của Nguyễn Tuân, hồi ký Ước mơ và Hoài niệm của Nguyễn Khắc Viện, Một thế hệ vàng trong thơ Việt Nam hiện đại của Hà Minh Đức, Việt Nam trước làn sóng thời cuộc, Thời cuộc và Văn hóa của Hồ Quang Lợi, Đất quê hương của Lê Văn Hoan, Chuyện kể về một thời của Lê Hữu Thăng, Lời cuối với những nhà văn đã đi xa do Trần Thanh Phương nhà sưu tầm tư liệu văn học, báo chí thu thập… chắc chắn sẽ được nhiều người cùng tìm đọc. Cách giới thiệu sách của ông chân thực, ngắn gọn nhưng hàm chứa một lượng thông tin vô cùng phong phú, có sự khái quát, so sánh thể hiện sự am tường, trân trọng của người đọc. Có thể lấy ví dụ nho nhỏ, Phan Quang đã chia sẻ cảm nhận về Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức như sau: “là một cuốn sách bác học xứng đáng xếp bên cạnh những Kiến văn tiểu lục, Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú. Đọc nó chúng ta hình dung được núi sông, phong tục cũng như cách làm ăn của nhân dân Nam Bộ gần hai trăm năm về trước”. Đôi khi, từ giới thiệu, chia sẻ về một cuốn sách Phan Quang lại dẫn dắt mọi người đến một số cuốn khác. Chia sẻ đấy nhưng đồng thời cũng là một sự gợi mở rất thân thương và chí tình: “Sau khi xem Hồi ký Nguyễn Khắc Viện, tôi nghĩ rất nên và rất cần đọc các tác phẩm khác của ông”…
Tôi thực sự tâm đắc với cảm nhận của nhà văn Hữu Thỉnh: “Với kiến văn rộng rãi và sự trải nghiệm sâu sắc và tầm nhìn xa rộng, anh viết về bất cứ lĩnh vực nào cũng gợi lên nhiều vấn đề để suy nghĩ… Ở nước ta, Phan Quang là một trong số những tên tuổi lớn đóng góp vào sự thay đổi căn bản trong văn hóa đọc”. Khi đọc những trang viết của Phan Quang, chúng ta như bắt gặp cả một đất nước với những con người bình dị, nỗ lực vươn lên làm nên huyền thoại, một dân tộc trong giai đoạn hào hùng chuyển mình, từ lạc hậu, đói nghèo vươn lên kiêu hãnh làm người.
Qua những trang sách của ông, ta có thể gặp được những con người của một thời đại gắn liền với những chiến công và kỳ tích đưa Việt Nam từ một cái tên không có trên bản đồ thế giới đến một danh xưng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, những con người phần lớn đi lên từ tự học và thâu thái mọi điều từ việc đọc không ngừng, đọc nhanh và đọc rộng. Thật lý thú khi bắt gặp trong nhiều trang sách của Phan Quang, hình tượng của các lãnh tụ cách mạng, từ Tổng Bí thư Hà Huy Tập (1906-1941), Tổng Bí thư Lê Duẩn (1907-1986), Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1914-1967), đến các nhà báo, nhà văn Ngô Tất Tố (1894-1954), Hoàng Tùng (1920-2010), Nguyễn Văn Bổng (1921-2001), Tô Hoài (1920-2014), Nghệ sĩ nhân dân Bạch Diệp (1929 – 2013), nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương (1919-2002)… đã được khắc họa với tài năng, sự sáng tạo gắn liền với phong cách ham học và ham đọc không cùng.
Khi hỏi ông về phương pháp và lời khuyên cho thế hệ trẻ về đọc sách, ông nêu ba điều cần quan tâm: Thứ nhất là chọn sách, phải biết chọn sách mà đọc, không chạy theo phong trào hay số đông. Thời gian vốn hữu hạn, vì thế, chọn được sách tốt sẽ như chọn được bạn tốt, giúp người đọc đỡ mất thời gian vô bổ. Thứ hai: Đọc luôn gắn liền với ghi chép, ghi chép cảm tưởng và dữ liệu. Thứ ba: Làm nghề nào, làm việc gì cũng cần phải đọc, đặc biệt là nhà báo nhà văn.
Trò chuyện và đọc sách của Phan Quang, có thể học ở ông một thói quen và một phương pháp đọc hết sức đáng chú ý: việc đọc luôn gắn với ghi chép và lưu giữ cẩn thận. Trong quá trình đọc và đi thực tế, để thu thập tư liệu, mặc dù có trí nhớ tốt nhưng ông luôn chú trọng việc ghi chép. Trong quá trình công tác chiến trường, dù ở vùng địch tạm thời kiểm soát hay tại chiến khu, những cảm xúc, tâm tình, cảnh vật, con người, cảnh kháng chiến gặp trên đường, ông đều ghi vào nhật ký, sổ tay phóng viên để viết bài và dùng làm tư liệu sáng tác sau này. Ông chia sẻ: Ghi để khi cần, dễ tìm đọc lại và đỡ mất thời gian. Cũng chính nhờ thói quen đó ông đã hình thành một nguồn tư liệu phong phú để hình thành nên những nghiên cứu, tác phẩm có giá trị. Tập phê bình – tiểu luận Thời gian không đổi sắc màu hình thành một phần cũng nhờ những ghi chép đó.
Việc đọc và ghi chép của Phan Quang được tiến hành một cách bền bỉ. Để sưu tập tư liệu viết tập bút ký Đồng bằng sông Cửu Long ông đã dành nhiều thời gian để sưu tầm tư liệu. Ghi tặng cuốn sách cho tôi, Phan Quang cho biết: Ông đã tập hợp tư liệu từ sổ tay ghi chép trên đường, trích lục những điều tâm đắc khi tìm tư liệu từ các công trình biên khảo và báo cũ, bao gồm sách về công việc khai hoang ở Nam Bộ qua các tác phẩm của Sơn Nam, Nguyễn Văn Thoại và của nhiều tác giả khác xuất bản tại Sài Gòn trước năm 1975 và một số luận văn cao học tại Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh. Cách phân loại làng tại đồng bằng Bắc bộ từ Người nông dân châu thổ Bắc Kỳ của Pierre Gourou (1937) là một yếu tố giúp Phan Quang vững tin hơn khi hình thành cuốn Đồng bằng sông Cửu Long dày gần 500 trang để đến hôm nay người đọc vẫn tìm đến với bao điều thú vị. Cuốn sách xuất bản lần đầu năm 1981 và tái bản lần 5 vào năm 2014. Đây là một công trình nghiên cứu nghiêm túc, đầy trách nhiệm, thể hiện tình yêu của Phan Quang với vùng đất thành đồng, anh dũng.
Trong cuộc đời không ngừng học hỏi và đọc sách của mình, ông sử dụng nhiều nguồn khác nhau. Ông mượn sách tại thư viện, mượn bạn bè, đồng thời luôn dành tiền để mua sách thường xuyên. Bất cứ khi nào gặp sách hay, khi đi công tác ở trong và ngoài nước, ông cũng dành thời gian đến các hiệu sách, cũ và mới, để sưu tầm những cuốn sách hay. Trong tủ sách của ông có thể gặp vô số các cuốn sách ghi dấu tích của những chuyến đi. Sách đã trở thành người bạn, giúp cho cuộc hành trình bớt dài, giúp cho Phan Quang đến với thế giới, cuộc sống và sự hiểu biết vô cùng vô tận.
Hình ảnh cuốn sách đã được Phan Quang mua tại Ấn Độ
Hình ảnh cuốn sách đã được Phan Quang mua tại Pháp
Đọc Phan Quang, chúng ta không chỉ ngưỡng mộ các tác phẩm báo chí hay văn học của ông mà còn thực sự cảm ơn về những tác phẩm dịch với văn phong trong sáng, sinh động và hấp dẫn. Từ vốn ngoại ngữ uyên thâm ông đã đem đến bạn đọc Việt Nam những tác phẩm văn học dịch nổi tiếng: Hội chợ bán người, Những ngôi sao ban ngày, Trở lại với đời, Sử thi huyền thoại Đông Tây, Nghìn lẻ một đêm, Nghìn lẻ một ngày, Trà thư, Chuyện rừng châu Phi… Trong đó Nghìn lẻ một đêm đã được xuất bản tới hơn 30 lần với hơn 30.000 bản. Điều đáng kinh ngạc là ngoại ngữ mà Phan Quang có được cũng hình thành chủ yếu từ khi học tiểu học, trung học, tự học và không ngừng trau dồi qua năm tháng.
Mỗi bước đi, mỗi trang viết càng hiểu thêm đất nước. Những tác phẩm của Phan Quang, không chỉ giúp chúng ta có thêm hiểu biết mà dường như người đọc còn “lây” và học ông cách sống làm việc cẩn trọng và tràn đầy yêu thương. Đọc mỗi tác phẩm của Phan Quang, dường như mỗi chúng ta đều nhận được một lời nhắn nhủ: hãy sống trọn vẹn hết mình với đất nước, nhân dân, với cuộc sống của chính mình. Từ mỗi bài viết, trang văn của Phan Quang, có trang mộc mạc, giản dị, có trang triết lý sâu xa, chúng ta như được tiếp thêm một nguồn năng lượng trong sáng, dạt dào và niềm khát vọng vươn đến sự hiểu biết sáng tạo không ngừng để góp phần xây dựng một xã hội nhân văn, dân chủ, một đất nước đàng hoàng to đẹp như Bác Hồ hằng mơ ước.
Từ một người đọc thông tuệ, một người sẵn sàng dấn thân đi vào thực tế cuộc sống không ngại khó khăn, nguy hiểm, người nghĩ suy sâu sắc và người viết uyên bác tràn đầy năng lượng, Phan Quang đã thực sự trở thành một người bạn, một người thày, một tấm gương cho mỗi chúng ta, những ai đã từng đọc tác phẩm của ông và từng gặp ông trong cuộc đời. Biểu tượng một ngòi bút có cánh cùng bầu nhiệt huyết cháy đỏ khắc cùng hai chữ Phan Quang của ông mãi sẽ chắp cánh, thắp sáng và tiếp sức những ước mơ và khát vọng cho mọi người trong hành trình vươn tới sự hiểu biết và những điều tốt đẹp.
Vũ Dương Thúy Ngà