Với chiếc xe đa phương tiện, cả một thư viện lưu động đã đến với những ngôi trường xa xôi, đem lại niềm vui đọc sách cùng đam mê khám phá cho các em nhỏ ở các địa bàn khó khăn của Thái Nguyên.
Một cách khơi gợi hứng thú đọc sách
Được Bộ VH,TT&DL và Quỹ Thiện tâm trao tặng, Thư viện tỉnh Thái Nguyên đang vận hành chiếc xe thư viện lưu động duy nhất của tỉnh. Trên thùng chiếc xe tải này xếp 4.500 bản sách, trang bị 1 máy chủ và 6 máy tính xách tay kết nối Internet, tích hợp phần mềm quản lí thư viện, tài liệu điện tử, sách nói, cùng 1 tivi màn hình lớn và 1 bộ máy chiếu, 1 máy phát điện.
Ảnh: Xe thư viện lưu động đến với các ngôi trường vùng khó
Mỗi chương trình, chỉ cần 2 nhân viên thư viện tổ chức sắp xếp và hướng dẫn, các em học sinh được tiếp cận, tìm hiểu nguồn tri thức qua các đầu sách phong phú, trải nghiệm tra cứu, tìm kiếm thông thông tin, xem phim, tương tác các trò chơi phát triển trí tuệ.
Cùng với việc đọc sách và khám phá thông tin từ thư viện lưu động, các em học sinh còn được tham gia các trò chơi lí thú và hấp dẫn qua hình thức game show. Tùy vào mỗi điều kiện thực tế cụ thể và theo từng dịp, các trò chơi sẽ được tổ chức theo chủ đề phù hợp, như: Ánh sáng tri thức; Khơi nguồn sáng tạo; Em yêu biển đảo quê hương… Các em được hòa mình vào không khí giàu tính trí tuệ và khơi gợi sáng tạo, qua những câu đố vui về tri thức cuộc sống, nhận diện tác giả tác phẩm, các trò chơi vẽ tranh và kể chuyện theo sách…
“Rất nhiều sách hay và thiết thực. Cả thầy và trò đều đón nhận rất hứng thú, chương trình thực sự bổ ích và lôi cuốn. Chúng tôi chỉ mong muốn xe thư viện ở lại với nhà trường khoảng một tuần thì tốt quá, để các em học sinh có cơ hội được khám phá nhiều hơn, chỉ có một ngày như thế này thì nhanh quá” – cô giáo Lưu Thị Nguyên, Trường THCS Phú Đình (huyện Định Hóa) bày tỏ mong muốn và cả sự tiếc nuối sau khi tham gia chương trình.
“Ở trường thì tuần nào em cũng tham gia giờ đọc sách trên thư viện, nhưng chưa bao giờ em được xem nhiều sách lạ và hay như hôm nay. Nhiều cuốn thú vị lắm, em thích truyện cổ tích, sách hướng dẫn thực hành kĩ năng, sách giải thích tâm lí lứa tuổi. Giá mà có nhiều hôm có chương trình như thế này nữa thì hay quá” – em Đặng Bùi Trúc Linh, học sinh lớp 5B Trường Tiểu học thị trấn Đình Cả (huyện Võ Nhai) hào hứng.
Cô giáo Đàm Thị Lý, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Đình Cả chia sẻ: “Các em được thụ hưởng một ngày vui chơi và học tập bổ ích. Không chỉ được tìm hiểu, lựa chọn và đọc rất nhiều đầu sách, các em còn được cán bộ Thư viện tỉnh hướng dẫn cách đọc sách hiệu quả, cách tương tác cùng sách và thực hành từ sách, cách tra cứu và học tập trên Internet”. Cô Lý cũng cho biết, qua hiệu ứng từ chương trình, nhà trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thư viện, đưa công tác phát triển văn hóa đọc thành một nhiệm vụ quan trọng của năm học. Trước mắt, nhà trường sẽ lên kế hoạch tổ chức một số hoạt động như phong trào “Mỗi ngày 10 trang sách”, phong trào “Góp một quyển – đọc nhiều quyển”…
Bắt đầu triển khai chương trình năm 2020, xe thư viện lưu động đa phương tiện đã đến với khoảng 30 trường học trên khắp các địa bàn sâu xa của tỉnh Thái Nguyên. Có thể cảm nhận, mỗi chuyến xe lăn bánh của xe thư viện lưu động đa phương tiện đã khởi động một hành trình, thôi thúc một đam mê, khơi gợi một hứng thú với sách và niềm vui đọc sách.
Để đọc sách không là câu chuyện nhất thời
Chương trình thư viện lưu động đa phương tiện đã một lần nữa khẳng định sự hữu ích của sách và văn hóa đọc trong nhà trường, khơi dậy tình yêu đối với sách, niềm đam mê đọc và làm theo sách trong mỗi bạn nhỏ. Tuy nhiên, trong bối cảnh phải “cạnh tranh” với giải trí nghe – nhìn – xem và mạng xã hội như hiện nay, làm thế nào để văn hóa đọc thực sự thấm sâu vào nhận thức của từng em, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của học sinh, thì có lẽ vẫn là một câu chuyện dài.
“Đây là một loại hình thư viện mới, phù hợp với nhu cầu của học sinh. Các nhà trường đón nhận chương trình một cách rất tích cực với nhiều hứng thú. Tuy nhiên, do điều kiện chưa cho phép, hiện nay chúng tôi mới chỉ ưu tiên các trường vùng cao, vùng sâu, và mỗi trường cũng mới chỉ tổ chức được trong một ngày. Vấn đề quan trọng là, sau mỗi chương trình đó, từng nhà trường sẽ tiếp tục làm gì, làm thế nào để có thể tạo chuyển biến trong nhận thức của mỗi học sinh, làm sao để truyền cảm hứng đọc sách cho các em” – ông Đỗ Bình Nguyên, Giám đốc Thư viện tỉnh Thái Nguyên chia sẻ trong say sưa lẫn trăn trở.
Đứng trước câu hỏi làm thế nào việc đọc sách không là câu chuyện nhất thời, ông Đỗ Bình Nguyên cho rằng cần có sự chung tay vào cuộc đồng bộ từ nhiều phía. Đối với từng nhà trường, có thể thành lập CLB những người bạn thư viện; hình thành tủ sách tại lớp học; xây dựng thư viện thân thiện; thi kể chuyện theo sách hoặc cảm nhận về sách; tổ chức chương trình giao lưu tác giả – tác phẩm với bạn đọc; tổ chức nói chuyện chuyên đề Sách và Văn hóa đọc với cuộc sống…
Ảnh: Cô và trò trường Tiểu học thị trấn Đình Cả (huyện Võ Nhai) say sưa với sách từ thư viện lưu động
Về phía Thư viện tỉnh Thái Nguyên, đơn vị khẳng định sẽ tiếp tục tư vấn, hướng dẫn các trường về chuyên môn, nghiệp vụ tổ chức hoạt động thư viện và phát triển văn hóa đọc; Hỗ trợ xây dựng thư viện trường đạt chuẩn, tiên tiến; Luân chuyển sách từ thư viện tỉnh về thư viện trường; Liên hệ mời diễn giả để tổ chức chương trình giao lưu, nói chuyện chuyên đề tại các trường học.
Thanh An
(Báo Giáo dục và Thời đại)