Năm 2019 là năm đặc biệt có ý nghĩa với ngành thư viện khi đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật về mọi mặt. Dưới đây bài tổng hợp sẽ điểm lại 10 sự kiện nổi bật của ngành trong năm qua.
- Tổng kết 5 năm thực hiện Ngày Sách Việt Nam.
Hội nghị toàn quốc tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định số 284/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về ngày Sách Việt Nam được Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì tổ chức vào ngày 18/4/2019 tại Hà Nội. Sự kiện đánh dấu chặng đường 5 năm thực hiện Ngày sách Việt Nam với nhiều kết quả đáng khích lệ trong duy trì, phát triển văn hóa đọc; Hệ thống thư viện, đặc biệt là thư viện công cộng đã tổ chức nhiều hoạt động đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, lồng ghép vào trong các phong trào văn hóa, khuyến công, khuyến nông nhằm tôn vinh tác phẩm, tác giả, những tấm gương vì cộng đồng đã đưa sách, văn hóa đọc đến mọi người, mọi nhà. Nỗ lực và kết quả đạt được trong 05 năm qua đã khẳng định việc thực hiện Ngày sách Việt Nam là chiến lược đúng đắn của Đảng và Nhà nước, góp phần thúc đẩy, lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng, là nền tảng để toàn xã hội tiếp tục phấn đấu để văn hóa đọc phát triển, lan tỏa đến mọi ngành, mọi cấp, toàn xã hội, nhất là đến giới trẻ, cán bộ, công chức, viên chức.
- Liên hoan cán bộ thư viện tuyên truyền giới thiệu sách Chào mừng Kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5.1954 -7.5.2019)
Liên hoan cán bộ thư viện tuyên truyền giới thiệu sách “Chào mừng Kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ” do Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên tổ chức vào ngày 25 và 26/4/2019 tại tỉnh Điện Biên. Đây là hoạt động có ý nghĩa quan trọng của ngành Thư viện nhằm tuyên truyền, phổ biến đến mọi tầng lớp nhân dân những tác phẩm, tư liệu về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, kết thúc 9 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp; về vị Đại tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp; về lòng quả cảm của nhân dân và Quân đội nhân dân Việt Nam… từ đó khơi dậy tinh thần tự hào dân tộc, bồi dưỡng tình yêu quê hương đất nước đối với mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
- Cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc năm 2019”
Năm 2019, lần đầu tiên cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc” được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức trên phạm vi toàn quốc nhằm triển khai Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Phát động từ tháng 2 năm 2019, sau hơn 2 tháng, Cuộc thi đã thu hút hơn 536.557 học sinh, sinh viên với gần 4.400 trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, đại học và học viện tham gia. Tại Lễ trao giải cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc năm 2019” vào ngày 19/5/2019 tại Khu di tích Phủ Chủ tịch Ban Tổ chức đã trao 01 Danh hiệu Đại sứ Văn hóa đọc tiêu biểu cho em Hoàng Thị Anh Thư (Đại học Huế) cùng nhiều giải thưởng cho các Đại sứ văn hóa đọc khác.
Cuộc thi đã góp phần lan tỏa tình yêu đọc sách, phát huy trí tưởng tượng, sự sáng tạo và chia sẻ các phương pháp đọc hiệu quả, các biện pháp phát triển văn hóa đọc phù hợp với các vùng miền, lứa tuổi và các đối tượng khác nhau, đặc biệt là trong giới trẻ, học sinh, sinh viên. Cuộc thi cũng khẳng định vị trí, vai trò to lớn của văn hóa đọc trong việc góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo và đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam. Cuộc thi đã thực sự trở thành một sự kiện văn hóa nổi bật có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng
Ngay sau Lễ trao giải cuộc thi, các Đại sứ Văn hóa đọc đã có chương trình giao lưu với học sinh khuyết tật tại trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội). Tại đây, Vụ Thư viện đã phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ Trí tuệ Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm, hướng dẫn các em học sinh về phương pháp đọc sách, phát động Chương trình “Cùng bạn đọc sách- Nâng tầm trí tuệ Việt”.
- Tổng kết 10 năm hoạt động thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng
Ngày 30/5/2019, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị Tổng kết đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Nghị định 02/2009/NĐ-CP ngày 06/01/2009 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng. Sau Hội nghị, số lượng loại hình thư viện này đã có sự phát triển vượt bậc: từ 102 thư viện tư nhân và 17.385 Phòng đọc sách xã và cơ sở (làng, thôn, bản) tại thời điểm tổng kết, đến tháng 12/2019, cả nước có 178 thư viện tư nhân và 19.881 Phòng đọc sách xã và cơ sở. Các thư viện và phòng đọc này tiếp tục được vận hành, duy trì, phát triển bởi tấm lòng và những hoạt động thiện nguyện của các cán bộ hưu trí, cựu chiến binh, người cao tuổi. Điều đáng ghi nhận là cả những người khuyết tật cũng rất tích cực tham gia vào việc xây dựng thư viện và không gian đọc cho cộng đồng.
Thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng, thư viện, phòng đọc cơ sở đã trở thành một thiết chế văn hóa góp phần không nhỏ vào việc phát triển văn hóa đọc, vào chương trình xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo. Không chỉ đơn thuần là nơi phục vụ cho công chúng đọc sách báo, nơi đây đã trang bị cho người đọc, nhất là trẻ em kỹ năng sống, ý thức bảo vệ môi trường, tuân thủ pháp luật, hình thành lối sống lành mạnh, thân ái, biết yêu thương chia sẻ…; có thư viện đã trở thành “cánh tay nối dài” của chính quyền cơ sở, phổ biến kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân; là trung tâm sinh hoạt văn hóa, trung tâm học tập cộng đồng, tạo môi trường thuận lợi cho người dân được đọc sách, báo, tự học tại nơi sinh sống.
- Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Liên hoan tuyên truyền, giới thiệu sách “Công an nhân dân khắc ghi lời Bác dặn”
Thực hiện Công văn số 1460 /BVHTTDL-TV ngày 17/4/2019 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hệ thống thư viện cả nước đã triển khai tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cao điểm từ tháng 5 đến tháng 9/2019, các thư viện, đặc biệt hệ thống thư viện công cộng đã chủ động và phối hợp với cơ quan, đơn vị trên địa bàn đa dạng hóa các loại hình giới thiệu sách, báo, tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Di chúc của Người tới người dân như: tổ chức trưng bày, triển lãm, tọa đàm, thi tìm hiểu, tuyên truyền giới thiệu sách, nói chuyện chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh và việc thực hiện Di chúc của Người.
Nằm trong chuỗi hoạt động của toàn ngành, Liên hoan tuyên truyền, giới thiệu sách với chủ đề “Công an Nhân dân khắc ghi lời Bác dặn” trong hệ thống thư viện lực lượng công an nhân dân (CAND) diễn ra trong 02 ngày (ngày 07 và 08/ 8/2019) với nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ, chiến sĩ những sách, báo, tư liệu quý về giá trị tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 6 điều Bác dạy CAND và thực hiện Di chúc của Người; về truyền thống xây dựng, chiến đấu trưởng thành của CAND; về đề tài bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, khơi gợi tinh thần tự hào truyền thống CAND làm theo lời Bác; nâng cao nhận thức của cấp ủy, lãnh đạo các đơn vị về vị trí, vai trò của văn hóa đọc đối với sự phát triển của lực lượng CAND và xã hội. Trong dịp này nhiều hoạt động như: trưng bày, triển lãm, nói chuyện chuyên đề… được tổ chức nhằm giúp cán bộ, chiến sĩ có điều kiện tiếp xúc với tác giả, tác phẩm. Liên hoan đã góp phần phát triển phong trào đọc sách, xây dựng văn hóa đọc, đẩy mạnh việc học tập suốt đời trong mỗi cán bộ, chiến sĩ CAND.
- Lễ trao tặng 31 xe ô tô thư viện lưu động và Hội thảo “Các giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa nhằm phát triển văn hóa đọc”
Công tác vận động thu hút nguồn lực của xã hội vào hoạt động thư viện được đẩy mạnh và phát triển về chiều sâu và chiều rộng. Từ hiệu quả thực tiễn đạt được trong 02 năm qua, Dự án trang bị Xe ô tô thư viện lưu động đa phương tiện “Ánh sáng tri thức” do Vụ Thư viện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Quỹ Thiện Tâm Tập đoàn Vingroup tiếp tục được triển khai, mở rộng. Ngày 20/9/2019 tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, 31 xe ô tô thư viện lưu động được trao tặng, nâng tổng số đơn vị hưởng thụ lên 44 tỉnh, thành phố. Dự án đã tạo điều kiện cho các thư viện triển khai các dịch vụ phục vụ cộng đồng hiệu quả tại vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là với đối tượng học sinh, bộ đội biên phòng và các phạm nhân. Đặc biệt chương trình phục vụ lưu động của các thư viện thuộc Dự án đã phối hợp với chương trình “Cặp lá yêu thương” Đài Truyền hình VTV24 hỗ trợ các trẻ em nghèo, có hoàn cảnh khó khăn biết vươn lên trong cuộc sống, tạo điều kiện để các em có thể tiếp cận với tri thức dễ dàng phục vụ cho việc học tập, dần trưởng thành và có cuộc sống hạnh phúc hơn.
Cùng ngày, Hội thảo “Các giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa nhằm phát triển văn hóa đọc” được tổ chức đánh giá các thành tựu đã đạt được, khẳng định vai trò của xã hội hóa trong hoạt động thư viện và phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam, giới thiệu các hoạt động thực tế cũng như đề xuất nhiều giải pháp nhằm triển khai tốt hoạt động này. Sau Hội nghị, các chương trình vận động, phối hợp, hỗ trợ xây dựng thư viện cho các thư viện trường học, thư viện tư nhân, thư viện cộng đồng, không gian đọc tại các tỉnh Điện Biên, tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Lào Cai… đã được triển khai, qua đó hàng vạn cuốn sách đã được trao tặng đến các khu vực đặc biệt khó khăn.
- Ký kết Chương trình phối hợp công tác nhằm phát triển văn hóa đọc, phục vụ học tập suốt đời cho người khiếm thị
Thực hiện phương châm của Đảng và Nhà nước “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, ngày 07/10/2019, Bộ VHTTDL (Vụ Thư viện) đã tổ chức ký kết “Chương trình phối hợp công tác với Hội Người mù Việt Nam nhằm phát triển văn hóa đọc, phục vụ học tập suốt đời cho người khiếm thị”. Chương trình hướng tới mục tiêu xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc sách, đẩy mạnh tổ chức các dịch vụ phục vụ học tập suốt đời của người khiếm thị đồng thời cải thiện môi trường đọc, tăng cường vốn tài liệu và các dịch vụ dành cho người khiếm thị góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, hình thành lối sống lành mạnh, phục vụ nhu cầu học tập suốt đời của người khiếm thị. Chương trình cũng hướng tới thực hiện mục tiêu nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người khiếm thị, thực hiện hiệu quả Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” và đề án “Đẩy mạnh hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Phát động tuần lễ học tập suốt đời năm 2019 với chủ đề “Phát triển thói quen đọc sách đề trở thành người học suốt đời”
Những năm qua, Tuần lễ học tập suốt đời đã được các địa phương tích cực tổ chức, có tác dụng lan tỏa trong xã hội. Xác định việc phát triển văn hóa đọc là một vấn đề mang ý nghĩa chiến lược của mọi quốc gia trong nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực; năng lực đọc là nền tảng của việc học tập suốt đời, nền tảng của của xã hội học tập. Ngày 07/10/2019, Tuần lễ học tập suốt đời năm 2019 với chủ đề “Phát triển thói quen đọc sách để trở thành người học suốt đời” đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về vai trò, ý nghĩa và sự cần thiết của việc học tập suốt đời đối với mỗi người dân và xây dựng xã hội học tập. Tuần lễ đã huy động được các cơ sở, ban ngành, tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp ủng hộ; mở được nhiều lớp học chuyên đề; xây dựng được nhiều thư viện, tủ sách cho các cơ sở giáo dục, lớp học và cho cộng đồng; góp phần phát triển văn hóa đọc trong toàn xã hội.
- Quốc hội thông qua Luật Thư viện
Ngày 21/11/2019, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Thư viện số 46/2019/QH14 với tỷ lệ 91,51% đại biểu Quốc hội tán thành. Luật Thư viện gồm 6 chương 52 điều quy định về thành lập, hoạt động thư viện; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thư viện; quản lý nhà nước về thư viện. Luật sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2020. Với việc mở rộng đối tượng điều chỉnh, Luật cho phép tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài thành lập, cung cấp dịch vụ thư viện; quy định về hiện đại hóa, tăng cường tính chuyên nghiệp, liên thông giữa các thư viện. Luật Thư viện được ban hành sẽ tạo hành lang pháp lý, thúc đẩy sự nghiệp thư viện và văn hóa đọc phát triển; bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, tri thức, lợi ích hưởng thụ văn hóa và học tập suốt đời của Nhân dân, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam. Với những ý nghĩa đó, việc Luật Thư viện được sự nhất trí thông qua của Quốc hội đã được bình chọn là một trong mười sự kiện nổi bật của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2019.
- Sơ kết 02 năm triển khai thực hiện Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” và Trao Giải thưởng Phát triển văn hóa đọc năm 2019
Sau 02 năm, Đề án đã được triển khai sâu rộng tại nhiều bộ, ngành, địa phương, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân, tạo môi trường giúp cho người dân có thêm cơ hội để tiếp cận với thông tin và tri thức, đặc biệt là các em học sinh, sinh viên và nhiều người ở vùng nông thôn và miền núi. Số lượng người dân đến với thư viện và số lượng sách được đưa đến phục vụ cộng đồng, đặc biệt là học sinh, sinh viên có sự gia tăng đáng kể; chỉ riêng hệ thống thư viện công cộng và thư viện trường phổ thông đã phục vụ được hơn 100 triệu lượt người sử dụng với hơn 180 triệu lượt sách, báo và tài liệu; đối tượng bạn đọc đặc biệt như trẻ em, người khuyết tật, phạm nhân cũng được quan tâm nhiều hơn. Công tác thông tin tuyên truyền được triển khai hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của văn hóa đọc. Công tác xã hội hóa được chú trọng, đẩy mạnh, đã vận động tài trợ từ nhiều nguồn lực cùng tham gia, chung tay đóng góp phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Nhiều tổ chức của Chính phủ, phi chính phủ của một số nước đã chung tay phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam; nhiều chương trình, dự án của cộng đồng với nhiều hoạt động khác nhau vẫn tiếp tục được thực hiện mang lại nhiều cơ hội đọc và tiếp cận thông tin, tri thức, nâng cao kỹ năng đọc, tạo hứng thú đọc cho trẻ em
Sự nỗ lực của toàn ngành thư viện trong việc thực hiện Đề án đã góp phần nâng cao nhận thức về văn hóa đọc, khơi dậy lòng yêu đọc sách, hình thành thói quen và kỹ năng đọc của người dân, đóng góp tích cực trong việc nâng cao dân trí, tạo nền tảng quan trọng cho việc học tập suốt đời của mọi người dân. Giải thưởng phát triển văn hóa đọc năm 2019 được trao tặng để ghi nhận và tôn vinh những cá nhân, tập thể đóng góp tiêu biểu xuất sắc trong phát triển văn hóa đọc.
VTV