Ngày 15/6, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động thư viện cấp huyện, cấp xã và Hội thảo Thư viện cấp huyện, cấp xã ở Việt Nam- Thực trạng hoạt động và mô hình quản lý.
Hơn 200 đại biểu là cán bộ thư viện cấp huyện, xã trên cả nước đã đến dự và đóng góp ý kiến tại Hội thảo với mong muốn nhìn nhận và đánh giá về những khó khăn, đưa ra giải pháp khắc phục, phát triển hệ thống thư viện cấp huyện, xã và đề xuất mô hình phù hợp với thực tiễn để Chính phủ ban hành quy định về vấn đề này.
Khó khăn chồng chất
Theo báo cáo của Vụ Thư viện, hiện cả nước có 663 thư viện cấp huyện và 2716 thư viện cấp xã. Số lượng huyện trên cả nước có thư viện chiếm 91%, số xã có thư viện chiếm 23,4%. Nhờ đó, người dân ở địa phương có điều kiện đến đọc sách, báo tại địa bàn. Thư viện cấp huyện, xã đã trở thành một thiết chế văn hóa quen thuộc với người dân. Trong giai đoạn từ 2011- 2016, hệ thống thư viện cấp huyện, xã đã phục vụ hơn 42 triệu lượt bạn đọc. Bình quân mỗi năm, 1 thư viện cấp huyện, xã phục vụ hơn 10 nghìn lượt bạn đọc.
Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái: Việc thống nhất mô hình quản lý thư viện cấp huyện, xã là rất cần thiết
Phương thức hoạt động của các thư viện cũng được đổi mới. Số thư viện cấp huyện áp dụng công nghệ thông tin lên tới 65%, 20% số thư viện xã cũng được trang bị máy tính. Điều này giúp cho người dân có điều kiện tiếp cận với máy tính và internet tại thư viện.
Tuy nhiên, theo bà Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện, dù các thư viện đã có nhiều đổi mới và triển khai nhiều nội dung khác nhau nhưng hiệu quả hoạt động còn chưa cao. Các thư viện cấp huyện, xã nhìn chung chưa thu hút được đông đảo người dân sử dụng. Môi trường đọc tại thư viện chưa thật sự đáp ứng nhu cầu đọc đa dạng, luôn thay đổi của cộng đồng, đặc biệt là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo- nơi trình độ dân trí còn thấp. Hệ thống sách cho đồng bào dân tộc thiểu số còn ít, sách cho người khiếm thị chưa được quan tâm… Bên cạnh đó, dù đã được trang bị máy tính nhưng hệ thống thư viện cấp huyện, xã vẫn vận hành theo mô hình truyền thống, số lượng tài liệu điện tử trong thư viện còn chưa nhiều.
Đặc biệt, mô hình quản lý thư viện cấp huyện, xã chưa thống nhất. Có nơi, thư viện huyện thuộc UBND, có nơi lại thuộc Trung tâm văn hóa. Ở cấp xã, nhiều nơi cán bộ thư viện phải kiêm nhiệm, trụ sở phải ghép chung, rất ít thư viện được cấp kinh phí. Điều này gây khó khăn cho việc quản lý, cơ chế chính sách đãi ngộ cho đội ngũ cán bộ làm công tác thư viện.
Bà Phạm Thị Bích Liên, Thư viện tỉnh Yên Bái cho biết: “Yên Bái có 9 thư viện huyện, trong đó 7 thư viện thuộc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao; 2 thư viện thuộc Phòng Văn hóa và Thông tin. Biên chế làm công tác thư viện của các huyện từ 1-2 người nhưng hầu như phải kiêm nhiệm công việc khác của Phòng hoặc Trung tâm Văn hóa, điều này ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả của công tác thư viện”.
Bà Vũ Dương Thúy Ngà: Dù các thư viện đã có nhiều đổi mới và triển khai nhiều nội dung khác nhau nhưng hiệu quả hoạt động còn chưa cao
Trong 9 thư viện cấp huyện của Yên Bái cũng chỉ có 2 thư viện có trụ sở độc lập (Thư viện huyện Văn Chấn và Văn Yên), các thư viện khác vẫn chưa có trụ sở, thuộc 1 phòng của Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao nên hoạt động phục vụ bạn đọc còn nhiều hạn chế.
Không chỉ với tỉnh miền núi Yên Bái, với thành phố phát triển sôi động như TP Hồ Chí Minh, hệ thống thư viện cấp huyện, xã cũng vẫn gặp nhiều khó khăn. Bà Nguyễn Thị Như Trang, Thư viện KHTH TP Hồ Chí Minh cho biết: Hệ thống thư viện quận, huyện tại TP Hồ Chí Minh chưa được quan tâm xứng tầm. Ngoài một số thư viện hoạt động khá tốt thì nhiều thư viện hoạt động cầm chừng. Chỉ có 9/24 thư viện có trụ sở riêng (trong đó 8 trụ sở là nhà cấp 4); 15/24 thư viện chỉ là 1 phòng đọc nằm trong khuôn viên Trung tâm Văn hóa không đủ các phòng chức năng của một thư viện cấp huyện. Trung bình mỗi thư viện có 2 nhân sự, nhưng có 9 thư viện chỉ có 1 người đảm nhiệm. Số lượng sách phân bổ về các thư viện vẫn hạn chế cả về số lượng và chất lượng.
Đề xuất thống nhất cơ quan quản lý
Theo ý kiến góp ý tại Hội thảo, các đại biểu đều đề nghị Bộ VHTTDL phối hợp với Bộ Nội vụ xem xét quyết định tách thư viện huyện thành thiết chế độc lập hoặc thống nhất cơ quan quản lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thư viện các cấp hoạt động.
Hội thảo đề xuất đưa Thư viện huyện thành cơ quan trực thuộc UBND huyện
Ông Chu Long Hiển, Thư viện tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ: “Chỉ 2/8 thư viện cấp huyện ở Vĩnh Phúc được cấp kinh phí hoạt động riêng, ngoài ra, tiền đầu tư được nằm chung trong tổng nguồn cấp cho Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao, không có danh mục riêng, vì thế, nhiều thư viện huyện gần như bị chính lãnh đạo bỏ quên do ưu tiên các hoạt động bề nổi”.
Cũng theo ông Hiển, cán bộ thư viện huyện ngoài lương thì không có khoản phụ cấp nào khác. Cán bộ thư viện xã thì chưa có căn cứ pháp lý nào để trả lương nên nhiều người làm không công (kiêm nhiệm ). Ông Hiển đề xuất: “Bộ VHTTDL xây dựng cơ chế thư viện cấp huyện nên thuộc UBND huyện, có tài khoản và con dấu riêng để chủ động trong kế hoạch hoạt động, phục vụ bạn đọc tốt hơn”.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thủy, Thư viện tỉnh Quảng Ninh cũng cho rằng, nên tách thư viện huyện ra khỏi cơ cấu của Phòng Văn hóa hoặc Trung tâm văn hóa để trở thành một đơn vị hành chính sự nghiệp độc lập thuộc UBND huyện.
Ghi nhận những ý kiến tại Hội thảo, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cho rằng việc thống nhất mô hình quản lý thư viện cấp huyện, xã là rất cần thiết. “Trong bối cảnh Đảng, Nhà nước, Quốc hội yêu cầu nâng cao văn hóa đọc, nhưng kinh tế khó khăn, làm sao để phát triển được công tác thư viện. Để đạt được điều này đòi hỏi phải củng cố, kiện toàn hệ thống thư viện huyện, xã. Những ý kiến đóng góp tại Hội thảo sẽ là căn cứ để đóng góp, xây dựng Luật Thư viện đồng thời để Bộ VHTTDL, Bộ Nội Vụ đề xuất Chính phủ ban hành những chính sách về công tác thư viện phù hợp với thực tiễn”- Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái nhấn mạnh./.