Người Nghệ An nói riêng và người xứ Nghệ nói chung trong lịch sử đã có nhiều công lao đóng góp bảo vệ biên cương và biển đảo đất nước, đồng thời cũng gắn bó chung lưng đấu cật vượt khó khăn thiên tai, địch họa để ổn định đời sống, vươn mình đấu tranh xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp. Góp phần vào bảo tồn những kết quả đó cho đời sau, Thư viện tỉnh Nghệ An từ nhiều năm đã chăm lo việc sưu tầm, bảo vệ, phát huy vốn sách địa chí quí hiếm, xây dựng được một kho tư liệu Địa chí viết về và liên quan đến địa phương khá phong phú, trong đó có các tài liệu như sách Hán Nôm, lịch sử, địa dư chí có liên quan đến việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của nước ta.
Dựa vào các tài liệu Hán Nôm, lịch sử – địa chí nhà nước và các gia phả các dòng họ có trong kho Địa chí Thư viện tỉnh Nghệ An, chúng tôi thấy cần thiết phải giới thiệu với bạn đọc về các tài liệu biên giới, hải đảo, cùng như các nhân vật đi tiên phong trong việc ghi chép, viết sách, vẽ bản đồ về biển đảo nước ta, đặc biệt là Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Việc giới thiệu tài liệu biển đảo và tôn vinh những nhân vật lịch sử, danh nhân văn hóa có công trong sự nghiệp bảo vệ biên giới và biển đảo là góp phần chung tay vào việc bảo vệ chủ quyền đất nước và đấu tranh với kẻ thù xâm chiếm biển đảo nước ta, để cả thế giới hiểu rõ về chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam, đồng thời giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ thêm yêu quê hương, đất nước, kế tục sự nghiệp của cha ông bảo vệ vững chắc chủ quyền biên cương, biển đảo đất nước.
Xứ Nghệ có bờ biển dài 230 km, có các cửa biển và cảng biển lớn như Cửa Cờn, Cửa Quèn, Cửa Thơi, Cửa Vạn, Cửa Lò, Cửa Hội, Cửa Sót, Cửa Nhượng, Vũng Áng… Các đảo như Hòn Mắt, Song Ngư, đảo Én… Vùng biển đảo xứ Nghệ có rất nhiều di tích thờ các vị thần sông biển, tiêu biểu như: Tứ vị Thánh Nương; Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn; Chiêu Trưng Vương Lê Khôi, Đô đốc Nguyễn Sư Hồi; Chế Thắng phu nhân, v,v…
Người Nghệ An ở các nơi vùng cửa bể cũng đều thuần thục với nghề đóng tàu thuyền đi biển: Áng Độ, Trung Kiên (Nghi Lộc); Vạn Lộc, Lộc Châu (Cửa Lò); Châu Hưng, Do Lễ (Hưng Nguyên); An Bình, Phú Nghĩa, Văn Thai (Quỳnh Lưu); Thanh Bích, Trang Thung (Diễn Châu)… Trong đó, làng đóng thuyền Trung Kiên, xã Nghi Thiết được dân biển cả nước biết tiếng đặt đóng tàu thuyền đi bể và đánh bắt cá; được nhà vua giao đóng tàu thuyền cho triều đình phục vụ các hạm đội canh giữ bảo vệ đất nước từ thời vua Lê Thánh Tông và suốt cả các triều Lê, triều Nguyễn. Làng Trung Kiên còn có đền thờ ông Tổ đóng tàu thuyền cho triều đình nhà Lê là Nguyễn Quý Công. Bia đá 4 mặt ở đây ghi rõ chiến công của ông Tổ, cũng ghi về quy ước hoạt động, sinh hoạt của dân làng nghề truyền thống này. Nghề đánh bắt hải sản của dân sông nước xứ Nghệ cũng nổi tiếng xưa nay, như Vạn Xuân (Nghi Lộc); Vạn Lộc (Cửa Lò); Quỳnh Long (Quỳnh Lưu); Nhượng Bạn (Cẩm Xuyên); Hội Thống (Nghi Xuân)… từng nhiều năm là lá cờ đầu của Miền Bắc và cả nước về đánh bắt hải sản biển.
Vùng đất sông nước, biển khơi đó đã hun đúc ra những nhân vật xuất chúng, có tài trên sông nước, có tài đi biển và đánh bắt hải sản. Từ xưa đã nổi tiếng có nhiều vị tướng tài là đô đốc chỉ huy hải đội tàu thuyền và trấn thủ các vùng biển nước ta. Tiêu biểu như các tướng: Thời nhà Trần có Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn, người xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu, Nghệ An, có công lớn đánh thắng giặc xâm lược Nguyên Mông. Thời nhà Lê có: Nguyễn Sư Hồi, con trai cả của Cương Quốc công Nguyễn Xý là Phò Mã, Đô úy, Trấn thủ thập nhị hải môn (Trấn thủ 12 cửa biển từ Sầm Sơn đến Cửa Tùng); Đoan Quận công Bùi Thế Đạt, người xã (X.) Diễn Ngọc, huyện (H.) Diên Châu; Mỹ Quận công Trương Đắc Phủ, người X. Quỳnh Nghĩa, H. Quỳnh Lưu, Nghệ An; Bằng Quận công Nguyễn Hữu Chỉnh, người X. Phúc Thọ, H. Nghi Lộc, chỉ huy đội tiên phong của vua Quang Trung trong cuộc “Phù Lê, diệt Trịnh”, đi trên biển như đi trên đất liền, được ví như chim Cắt ở biển Đông; Đô đốc Phùng Phúc Kiều, người ở Phường Nghi Thu, Thị xã Cửa Lò, thời Lê Trung Hưng được cử trấn thủ vùng biển Cửa Lò, Cửa Hội, v.v… Hiện trên đất Nghệ An còn lưu giữ được các sắc phong của các triều đại phong kiến cho những người có công bảo vệ biển đảo của nước ta. Tiêu biểu như:
Mỹ Quận công Trương Đắc Phủ được ban sắc nhận lệnh của triều đình, dưới sự chỉ huy của Sùng Quốc công Thống Quốc chính Đại nguyên soái (Trịnh Kiều) đốc suất các đội thuỷ binh hợp thành đội quân thuỷ chiến vào đánh quân chúa Nguyễn Đàng Trong ở Thuận Hoá, Quảng Nam. Ông đã lập được nhiều chiến công xuất sắc nên được triều đình thăng chức tước tới Tả Đô đốc, Kim tử Vinh lộc đại phu, Bắc quân Đô đốc phủ Hữu Đô đốc, Mỹ Quận công .
Họ Hồ còn lưu bằng cấp của triều Tự Đức ban cho Hồ Sư Noãn làm Thủy sư Đội trưởng, vì ông rất giỏi thuỷ trình (thông thuộc đường thuỷ), là người dẫn đường đi biển cho tàu của triều đình, thực hiện những nhiệm vụ đặc biệt trên sông nước và lập được nhiều công cho triều nguyễn.
Người xứ Nghệ không chỉ giỏi việc đi biển và làm nghề trên biển mà còn có công đi tiên phong trong việc viết lịch sử, vẽ bản đồ, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Vấn đề chủ quyền biển đảo Việt Nam, nhất là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa luôn luôn là mối quan tâm hàng đầu của nhà nước ta từ thời phong kiến cho đến ngày nay. Không những nhà nước đặt thành đơn vị hành chính, dựng bia cắm mốc, xây dựng đội hải thuyền, hàng năm cử người quản lý trông coi… mà còn cho vẽ bản đồ, định danh, ghi chép lại trong sử sách, xác lập chắc chắn chủ quyền biển đảo của nước ta. Thật tự hào khi có những người xứ Nghệ đi tiên phong có công lớn trong việc xác lập chủ quyền biển đảo, đặc biệt là Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Hai quần đảo lớn ở biển Đông được người dân Đàng Trong gọi tên nôm na theo dân gian là Bãi Cát Vàng, sau đó được Hán hóa để ghi tên là Hoàng Sa Chử, Đại Trường Sa, Vạn Lý Hoàng Sa hay Vạn Lý Trường Sa. Đến thế kỷ XVIII, ngành khoa học hàng hải và ngành đo đạc bản đồ tiến triển, người phương Tây mới tách bạch Bãi Cát Vàng thành hai quần đảo riêng biệt. Quần đảo Hoàng Sa ở phía Bắc trên bản đồ phương Tây có tên là Parasels Islands; quần đảo Trường Sa ở phía Nam được đặt tên là Spratly Islands. Trên nhiều bản đồ hàng hải của phương Tây còn được lưu giữ đến ngày nay đều ghi chép hai cái tên Parasels Islands và Spratly Islands và đã được các giáo sĩ, nhà hàng hải công nhận là … Quần đảo thuộc về vương quốc An Nam. Khi nhà cầm quyền Trung Quốc cho quân xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa và một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã ngang nhiên ngụy tạo đặt tên cho hai quần đảo này là Tây Sa, Nam Sa, rồi Tam Sa với mưu đồ chiếm đóng lâu dài và độc chiếm Biển Đông. Hành động xây dựng trái phép các đảo nhân tạo và quân sự hóa ở Biển Đông của Trung quốc là hành động sai trái với luật pháp Quốc tế nên đã bị cả thế giới lên án.
Bãi Cát Vàng (Hoàng Sa và Trường Sa) đã được ghi chép khá đầy đủ trong các bộ lịch sử, thư tịch nhà nước và các sách địa chí địa phương, giáo khoa thư, cũng như được vẽ trong hàng trăm tấm bản đồ trong nước và thế giới… Đây đều là những tư liệu gốc có giá trị lớn về mặt khoa học, lịch sử và pháp lý góp phần vào việc ghi nhận và khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Hiện nay đã phát hiện thêm một số tư liệu ngoài 9 bộ thư tịch cổ của nước ta có ghi về Hoàng Sa và Trường Sa, trong đó đáng kể chiếm đa số tác giả, soạn giả là các danh nhân, nhân sĩ người xứ Nghệ (Nghệ An và Hà Tĩnh).
Theo dòng chảy của lịch sử nước ta qua các thư tịch cổ, chúng ta có thể biết được các triều đại phong kiến đã quan tâm rất lớn đến việc khảo sát và ghi chép chi tiết, cụ thể, có thể hiện trên bản đồ về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường sa. Đặc biệt từ thế kỷ XVII, thời Lê – Trịnh ở Đàng Ngoài và các chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã đầu tư công sức để khảo sát và vẽ bàn đồ vùng biển đảo, mà người đi tiên phong là một danh nhân người Nghệ An – Ông Đỗ Bá Công Đạo.
Theo gia phả họ Đậu (Đỗ) xã Thanh Mai, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, Đỗ Bá, còn có tên là Đỗ Công Luận, tự Công Đạo và Đạo Phủ, người ở làng Bích Triều, xã Thanh Giang, huyện Thanh Chương. Theo sách Thanh Chương huyện chí(1) của Hoàng giáp, Đốc học Nghệ An Bùi Dương Lịch thì họ Đỗ ở đây thường gọi là họ Đậu, nay đã thành một họ lớn ở Nghệ An. Đỗ Bá Công Đạo là người thích giao du, ít học theo khuôn khổ của trường Giám, mà tìm học các thầy giỏi trong dân gian. Khi đi thi Hội vẫn vào được hai trường và được người đời khen là người hay chữ, tuy chưa đậu Tiến sĩ. Ngoài khiếu cầm, kỳ, thi, họa (đàn, cờ, thơ, họa), ông còn giỏi và tinh thông môn địa lý, phong thủy, thường truyền dạy cho thân nhân. Tương truyền dòng dõi của ông có Giám sinh Đỗ Bá Công Bàn rất giỏi địa lý, phong thủy, từng được bố của Nguyễn Hữu Chỉnh mời chọn cho huyệt đất. Công Bàn đã điểm cho huyệt đất ở núi Côn Bằng (vùng Cửa Sót, Thạch Hà, Hà Tĩnh). Đặc biệt, gần cuối gia phả, phần phụ lục chép các kỳ tích của tổ tiên, có đoạn chép rõ hơn về Đỗ Bá Công Đạo:
Họ ta xưa có Đỗ Bá, tự Công Luận hoặc Công Đạo, tuổi trẻ đã đậu Hương giải, triều đình gia ơn cho làm Giám sinh (được học ở Quốc Tử Giám), nhưng ông không lấy làm mừng. Ông lại là ấm tử, được bổ làm Tri huyện huyện Thạch Hà. Ông cũng không muốn làm quan. Ông thường than rằng: Nước ta liền cõi Chiêm Thành, trước kia hàng năm bị xâm lấn, có lần giặc đã vào chợ Phuống, giết người, cướp của, thậm khổ.
Vào khoảng thời Chính Hòa (1680-1705), ông từ quan, giả dạng người buôn sông Lam, vượt biển Thuận Quảng (nay là dải đất từ Quảng Bình đến Phú Yên), qua các nước Chiêm Thành, Chân Lạp, xem xét núi sông, đường biển xa gần, vẽ bản đồ mang ra Bắc, hiến kế Nam chinh mở rộng biên cương. Chúa Trịnh Căn rất mừng, mang bản đồ cất đi. Lại trưng dụng ông soạn vẽ cho Tứ chí lộ đồ.
Hiện nay, trong kho sách Hán Nôm của Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam còn lưu mấy tập bản đồ ghi tên Đỗ Bá Công Đạo. Thường trên 4 chữ Tứ chí lộ đồ có thêm 2 chữ An Nam hoặc Toản tập, Thiên Nam… gồm 4 quyển vẽ lộ trình từ Thăng Long đi ra bốn phía. Một trong 4 quyển đó là quyển “Đường từ phủ Phụng Thiên đến Chiêm Thành” có vẽ và chú giải:
Ở khu vực phủ Thăng Hoa và phủ Quảng Ngãi, phía ngoài biển hình bãi cát kéo dài từ cửa Đại Chiêm đến cửa Sa Kỳ với tên gọi là Bãi Cát Vàng bằng chữ Nôm. Lại ghi rõ:
Bãi Cát Vàng phỏng dài 400 dặm, rộng 20 dặm ở giữa biển, từ cửa biển Đại Chiêm đến cửa biển Quyết Mông (bản đồ ghi Sa Mông, do viết nhầm Sa thành Quyết). Gió tây nam, thuyền đi phía trong sẽ dạt lại đó; gió đông bắc, thuyền đi cũng dạt lại đó, đều bị chết đói, của cải bỏ lại đó. Mỗi năm đến tháng cuối đông, chúa Nguyễn đưa 18 chiếc thuyền đến đó lấy vàng bạc… Từ cửa Đại Chiêm đến đó một ngày rưỡi; từ cửa Canh Sa đến đó cũng một ngày rưỡi, ở đó cũng sinh sản loại đồi mồi.
Như vậy là tập bản đồ “Thiên Nam tứ chí lộ đồ” do Đỗ Bá Công Đạo vẽ theo lệnh của chúa Trịnh vào thời niên hiệu Chính Hòa (1680-1705) là một tài liệu/văn kiện chính thức của quốc gia, của Nhà nước Đại Việt. Ông đã thể hiện Bãi Cát Vàng trên bộ Tứ chí lộ đồ nằm trong cương giới xứ Đằng Trong do chúa Nguyễn quản lý từ cuối thế kỷ XVI đã mở rộng ra vùng quần đảo ở biển Đông. Bãi Cát Vàng là tên gọi nôm na mà nhân dân xứ Đằng Trong cho hai quần đảo san hô, rồi chuyển sang âm Hán Việt là Hoàng Sa và được ghi là Hoàng Sa Chử (tên gọi Hoàng Sa). Hoàng Sa chử được thông dụng trong các văn kiện, sách địa chí, lịch sử nhà nước thời Lê và thời Nguyễn, như Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam nhất thống toàn đồ. Hoàng Sa Chử chỉ chung cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ngày nay. Tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ đã thể hiện đầy đủ chủ quyền đất liến và vùng biển đảo của Việt Nam. Phần mô tả bản đồ được đưa vào Gia phả họ Đỗ Việt Nam như sau:
“… Hai núi, mỗi núi đều có mỏ vàng, có cơ quan tuần sát. Giữa biển có một dải cát dài, gọi là Bãi Cát Vàng, dài độ 400 dặm, rộng 20 dặm, đứng dựng giữa biển. Từ cửa biển Đại Chiêm đến cửa Sa Vinh, mỗi lần có gió Tây Nam, thì thương thuyền các nước đi phía trong trôi dạt ở đấy; gió Đông Bắc thì thương thuyền chạy ở ngoài cũng trôi dạt ở đấy, đều cùng chết đói hết cả. Hàng hóa thì đều để nơi đó. Họ Nguyễn mỗi năm vào tháng cuối mùa đông đưa 18 chiếc thuyền đến đấy lấy hàng hóa, được phần nhiều là vàng bạc, tiền tệ, súng đạn. Từ cửa Đại Chiêm vượt biển đến đấy thì phải một ngày rưỡi. Từ cửa Sa Kỳ đến đấy thì phải nửa ngày.
Chỗ bãi cát dài ấy cũng có đồi mồi. Ngoài cửa biển Sa Kỳ có một hòn núi, trên núi sản xuất phần nhiều là cây dầu, gọi là Trường dầu, có đặt quan tuần sát.
Trên sông ở cửa Mỹ Trùng, có một hòn núi đá, trên núi có mỏ sắt ở phía trên lò thổi sắt.
Trọ ở quán Thì Lại, ăn thì ở Mục Dưỡng. Trọ ở Hà Kỳ, ăn thì ở Ông Bối. Trọ ở quán Ốc, ăn thì ở Chu Ổ. Trọ ở Trà Khúc, ăn thì ở Ông Vệ. Trọ ở quán Lò Phiêu, ăn thì ở Đề Thi. Trọ ở đèo Bầu Đê, ăn thì ở Bợt Đá. Trọ ở quán Lai Dương, ăn thì ở Phú Bối. Trọ ở Trà Ổ…”
Tóm lại, Tứ chí lộ đồ do Đỗ Bá Công Đạo sưu tập, soạn vẽ theo lệnh của chúa Trịnh những năm niên hiệu Chính Hòa (1680-1705) là văn kiện của nhà nước, một tài liệu chính thức của quốc gia. Trong tập bản đồ có ghi rõ Bãi Cát Vàng, tên gọi nôm na của người xứ Đàng Trong thuộc quyền quản lý của các chúa Nguyễn từ cuối thế kỷ XVI, đã mở rộng hải phận của nước ta ra biển Đông. Tên Bãi Cát Vàng dần được chuyển san âm Hán – Việt là Hoàng Sa, hay Hoàng Sa Chử (bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) và được thông dụng trong các văn kiện chính thức, quan trọng của nhà nước thời Lê, thời Nguyễn, như trong Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam nhất thống toàn đồ. Ngày nay Hoàng Sa, Trường Sa nằm trong bản đồ Việt Nam được cả thế giới công nhận.
Cũng như sách Thiên Nam tứ chí lộ đồ, còn có sách Giáp Ngọ niên bình Nam đồ (cùng nằm trong tập Hồng Đức bản đồ, ký hiệu A. 2499 ở Viện Hán Nôm) cũng có ghi về tên Bãi Cát Vàng. Trang đầu sách này ghi: Giáp Ngọ niên bình Nam đồ, Đoan Quận công họa tiến. Đoan Quận công tức Bùi Thế Đạt, một người con của quê hương Nghệ An lại nối tiếp Đỗ Bá Công Đạo đã vẽ bản đồ phương Nam có Bãi Cát Vàng, tức Hoàng Sa và Trường Sa để đánh dấu mốc chủ quyền biển đảo của nước ta thời Lê Trung Hưng.
Bùi Thế Đạt (1704 – 1783), quê ở làng Tiên Lý, nay thuộc xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ông có công bình Trấn Ninh, nhận chức Đại tư đồ, được gia phong công thần và ban Kim bài. Năm Cảnh Hưng thứ 37 (1777) Đặc mệnh bình Chiêm Đại tướng quân, kiêm Trấn thủ Thuận – Quảng; thăng Chướng phủ sự, Tổng đốc Trấn thủ Kinh Bắc. Năm 38 (1778) trí sĩ, rồi khởi phục tiến phong Đại Vương. Năm 43, Tân Sửu, tháng giêng, mồng tám mất. Sắc vua giao châu lý sở tại dựng đền để tế, ban thụy là Trung Thuần, bao phong làm Phúc thần, gia tặng Đức lượng du liệt khuông vận dụy khánh hoà giải trang túc nhân nghị Đại vương; Sai quan chủ tế, ban câu đối:
Tam công thượng phẩm triều Nguyên lão;
Thất tự huy xưng quốc Phúc thần.
Năm Giáp Ngọ (1774), ông được lệnh cùng Hoàng Ngũ Phúc vào Phú Xuân ngăn chống quân khởi nghĩa nông dân Tây Sơn. Hai năm sau, Hoàng Ngũ Phúc mất, ông làm Nam thùy Đại tướng quân, kiêm Trấn thủ Thuận Hoá. Ông được lệnh của triều đình cho lập trường đúc tiền, thu vét các vật dụng bằng đồng để đúc tiền Cảnh Hưng thuận bảo (3) phục vụ cho quân đội.
Bùi Thế Đạt là tướng có biệt tài thủy chiến, nên được giao cầm quân tiên phong, đưa đại đội binh thuyền đi trước đóng ở cửa biển Đồng Hới. Ông chỉ huy thủy quân dong buồm thẳng tiến vào phương Nam, đi đến đâu đều cho vẽ bản đồ ghi lại đường đi và đánh dấu những nơi hiểm yếu vào bản đồ, tất cả gồm 17 bức. Ở trang 143 sách Giáp Ngọ niên bình Nam đồ vễ về đường đi ở trấn Quảng Nam có ghi địa danh Bãi Cát Vàng bằng chữ Nôm. Tập bản đồ này đã giúp cho triều đình vua Lê, chúa Trịnh hoàn thành sứ mạng bình định phương Nam. Trong đợt bình định phương Nam này, ngoài danh tướng Bùi Thế Đạt, còn có một số danh tướng, quan chức khác cùng binh lính người xứ Nghệ đã đóng góp quan trọng cho chiến thắng, như Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm, Tiến sĩ Nguyễn Huy Quýnh, Hoàng giáp Đốc đồng Phạm Nguyễn Du và đều để lại trước tác ghi dấu ấn lịch sử.
Nguyễn Huy Quýnh (1734-1786), sau đổi tên là Nguyễn Trực, hiệu Dần Phong, người làng Trường Lưu, nay thuộc xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Ông là con trai của Tham chính Nguyễn Huy Tựu, em của Thám hoa Nguyễn Huy Oánh. Thi Hương đậu Giải nguyên. 39 tuổi đậu Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Nhâm Thìn – Cảnh Hưng 33 (1772) đời Lê Hiển Tông. Ông làm quan tới chức Giám sát Ngự sử xứ Sơn Nam. Năm 1774, giữ chức Kiêm lý lương hướng Nhung vụ coi việc quân nhu cho đoàn quân chúa Trịnh bình định phương Nam. Sau được phong Hàn lâm thị chế, điều đi Đốc thị Thuận Quảng và chết ở trong quân. Trong thời gian ở xứ Đàng Trong, ông tập hợp tư liệu, sử liệu, cùng với quan sát trực tiếp đã soạn nên bộ Quảng Thuận đạo sử tập. Sách ghi chép về địa lý, lịch sử vùng đất Thuận Hóa, Quảng Nam, trong đó đề cập rõ về Hoàng Sa. Sách có ghi:
… Có dân làng An Vãng (Vĩnh), sản nhiều dầu phụng, dệt vải, lập riêng đội Hoàng Sa nhị, hàng năm 8 chiếc thuyền ra biển nhặt của quý về nộp tại Phú Xuân… (5)
Sách Quảng Thuận đạo sử tập có chú thích về vùng biển Cù Lao Ré của Hải đội Hoàng Sa và có ghi chú thích về Trường Sa Chử .
Các tư liệu Bãi Cát Vàng ở sách Thiên Nam tứ chí lộ đồ của Đỗ Bá Công Đạo; Giáp Ngọ niên Bình Nam đồ Bùi Thế Đạt và Quảng Thuận đạo sử tập của Nguyễn Huy Quýnh cũng được Lê Quý Đôn khai thác ghi vào sách Phủ Biên tạp lục (năm 1776).
Người Nghệ An tiếp theo có tham gia biên soạn lịch sử, có viết về Hoàng Sa, Trường sa là Đốc đồng Nghệ An Phạm Nguyễn Du.
Phạm Nguyễn Du (1739-1786), vốn có tên gọi Vỹ Khiêm, hiệu là Thạch Động và Đạm Hiên, đỗ Giải nguyễn (1773), đậu Hội nguyên – Hoàng giáp. ễng làm quan trải nhiều chức vụ, thăng Đông các Đại học sĩ, rồi cử làm Đốc đồng Nghệ An, ốm chết ở trong quân, trên núi rừng Thanh Chương khi chống nhau với quân của Nguyễn Huệ đánh ra Nghệ An. Phạm Nguyễn Du được chúa Trịnh Sâm tin tưởng giao cụ thể cho cùng nhóm Ngô Thì Sĩ, Ninh Tốn và Nguyễn Sá làm đồng biên tập, dưới quyền Tổng tài của nhóm Nguyễn Hoãn, Lê Quý Đôn và Vũ Miên, biên soạn bộ sử Đại Việt sử ký tục biên. Bộ sử này có ghi chép về Hoàng Sa, Trường Sa như sau:
… Tám người thuộc đội Hoàng Sa, xã An Vĩnh, huyện Bình sơn, phủ Quảng Ngãi đi thuyền nhỏ vào bãi Hoàng Sa giữa hai đảo tìm lấy hóa vật… Ngoài biển xã An Vĩnh có các đảo lớn gồm hơn 130 cái, cách nhau hoặc một ngày đi thuyền, hoặc vài trống canh. Trong đảo có Bãi Cát Vàng (Hoàng Sa) dài ước hơn 30 dặm, nước trong. Đảo ấy có vô số tổ yến, ở bãi cát lại có ốc vằn, tục gọi là ốc tai voi, ốc xà cừ, ốc hương và hải trùng, hải sâm, đồi mồi… Đặt đội Hoàng Sa gồm 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào đội ấy, cắt lượt nhau đi thuyền đến đảo mò tìm sản vật. Mỗi năm cứ tháng ba ra đi, mang lương ăn sáu tháng đi thuyền ra biển ba ngày ba đêm mới đến đảo ấy. Ở đấy tha hồ tìm nhặt, được sản vật gì, bao nhiêu, đến kì tháng tám thuyền về cửa Eo, đem đến Phú Xuân nộp. Trong khoảng ấy cũng có người mò được tiền, bạc, chì, thiếc và nồi đồng, súng, khí giới, ngà voi, bát bằng đá vân vân. (Giáp Tuất, Cảnh Hưng, năm thứ 15-1754). (6)
Đến thời Nguyễn, triều đình đặc biệt quan tâm tới biển đảo, nhất là về Hoàng Sa và Trường Sa đã được biên chép đầy đủ, chi tiết hơn. Người xứ Nghệ lại có thêm đóng góp thể hiện được tinh thần dân tộc, tinh yêu đất nước qua việc trực tiếp chú ý đến biên soạn sách, ghi chép về biển đảo và Hoàng Sa – Trường Sa nước Việt. Bộ sách được nhiều người quan tâm đầu triều Nguyễn là Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú.
Phan Huy Chú (1782-1840), nhà bác học, nhà thơ, hiệu là Mai Phong, con thứ 3 của Phan Huy Ích, sinh ra và lớn lên ở xã Thụy Khuê (làng Thầy), huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây, nay thuộc Hà Nội. Quê gốc của họ Phan ở làng Gia Thiện, nay thuộc xã Thạch Châu, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Ông hai lần thi Hương chỉ đậu Tú tài, đương thời vẫn gọi là Tú Thầy. Vua Minh Mệnh biết tiếng triệu vào Kinh đô Huế (1821) làm Biên tu ở Viện Hàn lâm, Phủ thừa phủ Thừa Thiên, Hiệp trấn Quảng Nam, giáng làm Thị độc Hàn lâm, rồi được cử đi sứ nhà Thanh hai lần với chức Phó sứ. Cuối 1832, ông được cử đi công cán ở Inđônêxia, trở về làm ở bộ Công. Ông chán cảnh quan trường, viện cớ đau chân, xin về quê dạy học và viết sách. Trước tác để lại có Lịch triều hiến chương loại chí, Hoàng Việt dư địa chí, Hoa thiều ngâm lục, Dương trình kí kiến.
Lịch triều hiến chương loại chí là một công trình biên khảo lớn, được đánh giá là một tập bách khoa thư đương thời, gồm 49 quyển và hoàn thành trong 10 năm liên tục (1809-1819). Bộ sách này phân làm 10 bộ môn: Địa dư chí, nhân vật chí, Quan chức chí, Khoa mục chí, Quốc dụng chí, Hình luật chí, Binh Chế chí, Lễ nghi chí, Văn tịch chí, Bang giao chí. Ở quyển Địa dư chí, phần mục viết về phủ Tư Nghĩa [về sau đổi làm Hòa Nghĩa, rồi Quảng Nghĩa] có viết về Hoàng Sa và Trường Sa như sau:
Xã An Vĩnh, huyện Bình Dương ở gần biển. Ngoài biển phía đông bắc có đảo [Hoàng Sa], nhiều núi linh tinh, đến hơn 130 ngọn núi. Đi từ chỗ núi [chính] ra biển [sang các đảo khác] ước chường hoặc một ngày, hoặc vài trống canh. Trên núi có suối nước ngọt. Trong đảo có Bãi Cát Vàng, dài ước 30 dặm, bằng phẳng rộng rãi. Trong bãi có dòng nước trong suốt đến đáy. Sườn đảo có vô số yến sào, các thứ chim có đến hàng nghìn vạn con, thấy người vẫn cứ đỗ quanh, không bay tránh. Bên bãi cát, vật lạ rất nhiều, có thứ ốc có vằn gọi là ốc tai voi to như cái chiếu, trong bụng có hột châu to bằng ngón tay cái, nhưng sắc nó đục, không bằng ngọc châu ở trong con trai, vỏ nó đẽo đi làm bia được, lại có thể nung làm vôi để xây tường. Có thứ ốc gọi là ốc sà cừ, có thể khảm vào các đồ vật; có thứ gọi là ốc hương. Thịt các con trai, con hến đều có thể làm mắm hoặc nấu ăn được. Có thứ đồi mồi rất lớn, gọi là hải ba, mai nó mỏng, có thể ghép làm đồ vật; trứng nó như đầu ngón tay cái. Lại có thứ gọi là hải sâm, tục gọi là con đột đột, nó bơi lội ở bên bãi cát, bắt về, xát vôi qua, rồi bỏ ruột đi phơi khô. Khi nào ăn, lấy nước cua đồng mà ngâm, nấu với tôm và thịt lợn, ngon lắm. Các thuyền buôn khi gặp gió thường nấp vào đảo này.
Các đời chúa [Nguyễn] đặt đội Hoàng Sa 70 người, người làng An Vĩnh thay phiên nhau đi lấy những hải vật. Hằng năm cứ đến tháng 3, khi nhận được mệnh lệnh sai đi, phải đem đủ 6 tháng lương, chở 5 chiếc thuyền nhỏ ra biển, 3 ngày, 3 đêm mới đến đảo ấy. Ở đấy tha hồ tìm kiếm các thứ, bắt cá ăn, tìm được những thứ của quý của bọn Tàu Ô rất nhiều và lấy được hải vật rất nhiều. Đến tháng 8 thì đội ấy lại về, vào cửa Yêu Môn đến thành Phú xuân, đưa nộp. (7)
Nhà bác học Phan Huy Chú, người gốc xứ Nghệ đã để nhiều công phu thực địa, nghiên cứu để viết về Hoàng Sa và Trường Sa kỹ càng hơn, kể cả đường đi, lối về của Hải đội Hoàng Sa và các đặc sản, hải sản hiếm có ở đấy.
Triều Nguyễn đã cho biên soạn một bộ lịch sử đồ sộ gọi là Đại Nam thực lục, gồm 2 phần: Phần đầu 13 quyển (Q), gọi là Tiền biên với 13 Q. chép sự kiện lịch sử 9 đời chúa Nguyễn. Phần sau, gọi là Chính biên, gồm 587 Q. chép sự kiện lịch sử từ năm 1778 đến hết đời vua Khải Định. Đội ngũ biên soạn bộ sử này gồm hàng chục vị quan đại thần có thực tài, trong đó có các sử quan người xứ Nghệ rất nổi tiếng, như Trương Đăng Quế (gốc quê Thạch Hà), Nguyễn Trung Mậu (Diễn Châu), Phan Bá Đạt (Đức Thọ) biên soạn phần Tiền biên; Trương Quốc Dụng và Đặng Văn Kiều (Thạch Hà), Phạm Hữu Nghi, Trương Quang Đán (con của Đăng Quế), Cao Xuân Dục và con trai Cao Xuân Tiếu (Diễn Châu) biên soạn phần Chính biên. Đáng chú ý là hai vị Tổng tài Quốc sử quán (người trực tiếp chỉ đạo chính biên soạn bộ sử này) từ Trương Đăng Quế đến Cao Xuân Dục đều là người xứ Nghệ. Phó Tổng tài của bộ sử này, ông Nguyễn Trung Mậu cũng lại là người Diên Châu, cùng quê với Cao Xuân Dục.
Phần Tiền biên của bộ sử Đại Nam thực lục có ghi về Hoàng Sa – Trường Sa như sau:
Mùa thu, tháng 7, dân đội Hoàng Sa ở Quảng Ngãi đi thuyền ra đảo Hoàng Sa… Ở ngoài biển, về xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, tỉnh quảng Ngãi, có hơn 130 bãi cát cách nhau hoặc đi một ngày đường, hoặc vài trống canh, kéo dài không biết mấy nghìn dặm, tục gọi là “Vạn lý Trường Sa”. Trên bãi có giếng nước ngọt, sản vật có hải sâm, đồi mồi, ốc hoa, vích, ba ba v.v… Buổi quốc sơ đặt đội Hoàng Sa 70 người, lấy dân xã An Vĩnh sung vào, hàng năm, đến tháng 3 thì đi thuyền ra, độ ba đêm ngày thì đến bãi, tìm lượm hóa vật, đến tháng 8 thì về nộp. Lại có đội Bắc Hải, mộ người ở thôn Tứ Chánh thuộc Bình Thuận hoặc xã Cảnh Dương sung vào, sai đi thuyền nhỏ đến các xứ Bắc hải, Côn Lôn, để tìm lượm hóa vật; đội này cũng do đội Hoàng Sa kiêm quản. (8)
Cao Xuân Dục (1842-1923), tự Tử Phát, hiệu Long Cương, quê ở làng Thịnh Mỹ, tổng Cao Xá, huyện Đông Thành, nay thuộc xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ông thi đậu Cử nhân khoa Bính Tý – Tự Đức 29 (1876). Ông làm quan trải nhiều chức tước ở triều và các tỉnh, Chánh chủ khảo trường thi Hương Hà Nam, rồi được thăng hàm Thự Hiệp biện Đại học sĩ, lãnh Tổng tài Quốc sử quán. Năm 1901, được cử làm Chánh chủ khảo khoa thi Hội ở Huế, rồi làm quyền quản Quốc Tử Giám. Tháng 11 năm 1907, ông được thăng Thượng thư bộ Học, sung Phụ chính phủ Đại thần. Năm 1908 được phong hàm Thái tử Thiếu bảo, tiếp 1909 lại thăng tước An Xuân tử. Năm 1913, Cao Xuân Dục xin về hưu và được ban hàm Đông các Đại học sĩ. Ông là tác gia lớn của đất nước với nhiều công trình chủ biên, biên soạn và các sáng tác thơ, văn, câu đối, tiêu biểu như: Quốc triều tiền biên toát yếu, Đại Nam thực lục (Đệ ngũ kỷ và Đệ lục ký), Quốc triều chính biên toát yếu, Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam dư địa chí ước biên thông quốc thổ sản, Viêm giao trung cổ ký, Đại Nam quốc sử quán tàng thư mục, Quốc triều luật lệ toát yếu, Đại Nam chính biên liệt truyện nhị tập, Quốc triều Hương khoa lục, Quốc triều khoa bảng lục…
Sách Đại Nam nhất thống chí do Cao Xuân Dục làm chủ biên và một số vị làm toản tu, biên tu, khảo hiệu, đăng lục, trong đó có người Nghệ An là Trương Tuấn Nhiếp (Cử nhân, người làng Lý Trai, nay là xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu), Phạm Khắc Doãn, cũng chép rất tường tận về Hoàng Sa – Trường Sa ở mục Đảo Hoàng Sa của quyển viết về tỉnh Quảng Ngãi:
Đảo Hoàng Sa: Ở phía đông Cù Lao Ré. Từ bờ biển Sa Kỳ chạy thuyền ra khơi, thuận gió thì ba, bốn ngày đến nơi. Trên đảo có núi đá la liệt, hơn 130 hòn, cách nhau hoặc một ngày đường, hoặc vài canh giờ, trên đảo có Bãi Cát Vàng kéo dài khống mấy ngàn dặm, tục gọi là Vạn Lý Trường Sa. Trên bãi cát có giếng nước ngọt chảy ra, loài chim quần tụ ở đấy không biết bao nhiêu mà kể. Lại có các loại hải sản như hải sâm, đồi mồi, ốc vân và rùa. Thuyền bè chở hàng hóa gặp bão phải đến tụ hội ở đấy. Hồi đầu triều ta, đặt đội Hoàng Sa 70 người, lấy dân xã Vĩnh An sung vào. Hàng năm, vào độ tháng ba, cho ra biển khai thác hải sản, tháng tám trở về cửa biển Tư Hiền đem nộp. Lại đặt đội Bắc Hải, do đội Hoàng Sa kiểm quản, đến đảo Bắc hải và đảo Côn Lôn tìm bắt hải sản.
Phía đông đảo này là phủ Quỳnh Châu, Hải Nam nước Thanh. Đầu năm Gia Long, cũng phỏng theo quy chế cũ, đặt đội Hoàng Sa, sau thì triệt bỏ. Đầu năm Minh Mạng, từng sai thuyền công đến đó do xét hải trình, thấy có một gò cát trắng chu vi 1070 trượng, cây cối xanh rậm. Trong gò ấy có cái giếng, phía tây nam có cái miếu cổ, không biết dựng từ đời nào, có bia khắc bốn chữ: Vạn lí ba bình (Vạn dặm sóng yên). Nguyên tên cũ gọi là núi Phật Tự, hai bên đều rải đá san hô, ra đến mặt trước. Phía tây bắc nổi lên một cái gò, chu vi 340 trượng 2 thước, cao cũng bằng gò nói trên, tên là núi Bàn Than. Năm Minh Mạng thứ 16 (1835), sai đội quan thuyền chở gạch đá ra đấy dựng chùa. Phía bên tả có dựng bia đá làm dấu tích. Thủa ấy phu lính ứng dịch trên đảo đào được 200 cân đồng lá và ganh sắt. (9)
Như vậy là qua Đại Nam nhất thống chí của Tổng tài Quốc sử quán Cao Xuân Dục, 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được cụ thể hóa rõ ràng hơn: Về địa danh tên gọi rõ ràng có Hoàng Sa và Vạn Lí Trường Sa, về hải trình đi về đến đảo, vào đất liền, về các đặc sản, hải sản, có lập Hải đội Hoàng Sa – Trường Sa do triều đình nhà Nguyễn quản lý, có các di tích chùa miếu của người Việt và đặc biệt là dựng bia cắm mốc chủ quyền của Đại Nam (tức nước Việt Nam).
NHỮNG TÀI LIỆU MỚI PHÁT HIỆN
VỀ HOÀNG SA – TRƯỜNG SA TẠI NGHỆ AN
1. Bản đồ nước ta có vẽ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với tên gọi “Hoàng Sa chử” trong sách: Khải Đồng thuyết ước.
Sách Khải Đồng thuyết ước mà chúng tôi mới sưu tầm được đã bị mất trang tên sách. Sách in mộc bản, bằng giấy dó, có khổ 14,5 x 24,5 cm, còn lại 28 tờ kép (55 trang), đã mất trang tên sách, nhưng vẫn đọc được tên sách cùng số trang ở đuôi cá của sách. Quyển thượng còn 7 tờ (1 tờ là 2 trang). Quyển hạ còn 20 tờ và còn có 2 trang bản đồ, trong đó có hình vẽ và chú thích rõ bằng chữ Hán về Hoàng Sa chử (tức hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam).
Chúng tôi tra cứu thấy cuốn Khải Đồng thuyết ước này giống với quyển của các nhà sưu tầm ở Huế. Sách do Trần Văn Quyến, giảng viên khoa XH-NV Đại học Phú Xuân, Huế giới thiệu và được nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn thẩm định.
Hiện sách này còn lưu trong các cơ quan lưu trữ: Viện nghiên cứu Hán Nôm có 6 bản in, 5 bản viết tay; Thư viện Quốc gia có 5 bản và còn lưu trong nhân dân ở các làng quê tỉnh, thành nước ta, nhưng cũng chỉ là đếm trên đầu ngón tay.
Qua tìm hiểu được biết, sách Khải Đồng thuyết ước có 2 quyển: Q. thượng, Q. hạ, do Phạm Vọng, tự Phục Trai, hiệu Kim Giang, Trúc Đường, người làng Kim Đô, huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh, đậu Cử nhân Ân khoa Thiệu Trị 1 (1841) và Ngô Thế Vinh, hiệu Trúc Giang biên soạn; Dương Đình (1802-1856), người xã Bái Dương, huyện Nam Chân (nay là Nam Trực, Nam Định) nhuận sắc. Sách được soạn xong vào cuối xuân, năm Tự Đức – Quý Sửu (1853) và in lần đầu vào đầu hạ, năm Tân Tỵ – Tự Đức (1881). Sau đó sách được in và chép tay nhiều lần, được dùng để dạy học cho học trò trẻ em từ tiểu học trong trường học từ thời Tự Đức. Sách tổng hợp về địa chí, địa lý, thiên văn, địa danh, điền thổ, làng xã, nhân đinh, nhân vật lịch sử, Quốc hiệu nước ta và bản đồ toàn quốc… Về bản đồ kèm theo sách có ghi chữ: Bản quốc địa đồ, có chú thích các tỉnh, ngọn núi lớn từ cửa Nam Quan đến Biên Hòa, Vĩnh Long… Phần ngoài biển, đối diện với địa phận Thuận Thiên, Quảng Nam, trong bản đồ có ghi chú về quần đảo Hoàng Sa với 3 chữ: Hoàng Sa chử (Bãi, quần đảo Hoàng Sa). Với ghi chú về Hoàng Sa chử trên bản đồ, tức là triều đình Nhà Nguyễn, nước ta, đã ý thức và xác nhận vững chắc chủ quyền về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc lãnh hải nước ta – Việt Nam.
2. Chúng tôi sưu tầm được một cuốn sách chữ Hán viết tay, chữ viết rất đẹp, thể hiện chữ của một nhà khoa bảng, ở trang tên sách chỉ còn 2 chữ … thuyết ước. Qua đọc nội dung sách thì sách chép về địa dư nước ta qua các triều đại phong kiến. Chúng tôi đồ rằng tên sách có thể là Địa dư thuyết ước? Sách có 61 tờ (1 tờ 2 trang), khố 14,5 x 28,5 cm. Ơ phần ghi chép về các cửa biển, các đảo có ghi về Hoàng Sa như sau:
Quảng Nghĩa lục: Thái Nghi, Sa Kỳ, Cổ [Lý ?], Mỹ Ý, Hoàng Sa, Tiểu Yếm.
Như vậy là địa danh biển đảo ở tỉnh Quảng Ngãi có 6 tên là các cửa biển và các đảo, trong đó có Hoàng Sa và nhiều đảo nhỏ (tiểu yếm) áp vào, tức quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Chú thích:
1. Bùi Dương Lịch. Thanh Chương huyện chí/ Bùi Văn Chất dịch.- Nghệ An, 2008.- Tr. 97-98.
2. Họ Đỗ Việt Nam. Gia phả. T.2.- H., Văn hóa – Thông tin, 2004. Tr. 460-475.
3. Lê Quý Đôn. Phủ biên tạp lục.- H., KHXH, 1977.- Tr. 243.
4. Đào Tam Tỉnh. Tìm trong di sản văn hóa xứ Nghệ (Những phát hiện tiêu biểu)/ Bài thơ của Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm đề ở miếu Quan Công phố cổ Hội An.- Nghệ An, 2010.- Tr. 161-168.
5. Nguyễn Huy Quýnh cuộc đời và thơ văn/ Nguyễn Huy Mỹ, Nguyễn Thanh Tùng BS.- H., Lao động – TT Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2012/ Tiến sĩ Nguyễn Huy Quýnh trước tác. Quảng Thuận đạo sử tập.- Tr. 414.
6. Đại Việt sử ký tục biên (1676-1789).- H., Hồng Bàng – TT Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2012.- Tr. 234-235.
7. Phan Huy Chú. Lịch triều hiến chương loại chí. T.1.- H., Giáo dục, 2007.- Tr. 196-197.
8. Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục. T. 1.- H., Giáo dục, 2007.- Tr. 164.
9. Cao Xuân Dục. Đại Nam nhất thống chí. T.1.- H., Lao động – TT Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2012.- Tr. 408-409.
Bản đồ toàn quốc trong sách Khải Đồng thuyết ước.Vòng khoanh tròn trang bên phải đề là Hoàng Sa Chử (Bãi Cát Vàng)
Một số hình ảnh minh họa:
Tên sách: Khải Đồng thuyết ước hạ tập.
Đào Tam Tỉnh
Nguyên Giám đốc Thư viện tỉnh Nghệ An