Ngày 29/11, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội tổ chức Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dự và phát biểu chỉ đạo Hội thảo.
Hội thảo nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Hội thảo được tổ chức bằng hình thức trực tiếp tại Hà Nội và 2 điểm cầu trực tuyến tại Thành phố Hồ Chí Minh và Thừa Thiên Huế.
Hội thảo được chia làm hai phiên. Phiên thứ nhất diễn ra trong buổi sáng với chủ đề “Hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”. Phiên thứ hai “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới” được tổ chức trong buổi chiều cùng ngày.
Tại Hội thảo, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh một trong những quan điểm chỉ đạo cốt lõi và xuyên suốt là: Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nền văn hóa và con người Việt Nam… kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất. Để thực hiện quan điểm đó, Đại hội XIII đã xác định một trong các nhiệm vụ trọng yếu là xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam. Trong đó, việc “tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới” có vai trò đặc biệt quan trọng.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa – Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương
phát biểu khai mạc và chỉ đạo Hội thảo (ảnh: tuyengiao.vn)
phát biểu khai mạc và chỉ đạo Hội thảo (ảnh: tuyengiao.vn)
Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cách đây đúng một năm, ngày 24/11/2022 tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, một nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng… Để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc, chúng ta cần tập trung thực hiện thật tốt một số nhiệm vụ trọng tâm”. Trong 6 nhiệm vụ trọng tâm, ở nhiệm vụ trọng tâm thứ 2, Tổng Bí thư đã định hướng: “Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia – dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc”.
Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa có vai trò quan trọng, cấp thiết trong bối cảnh hiện nay, là nền tảng để phát triển xã hội. Những hệ giá trị này vừa có ý nghĩa soi chiếu nhằm điều chỉnh những hành vi văn hóa, đạo đức ứng xử và nhiều hành vi khác trong đời sống văn hóa, khắc phục hạn chế và tăng cường mạnh mẽ, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước. Việc xây dựng các hệ giá trị này là sự nghiệp rất lớn, rất quan trọng và không đơn giản của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa là nền tảng để phát triển xã hội, phát huy sức mạnh của văn hóa, con người Việt Nam, vì vậy, đầu tiên rất cần có vai trò điều tiết của các cơ quan quản lý văn hóa, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, PGS.TS Tạ Quang Đông nhấn mạnh. Trong thời gian qua cùng với việc triển khai, thực hiện các Nghị quyết của Đảng, đặc biệt là triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Bộ VHTTDL đã triển khai nhiều hoạt động xây dựng các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa. Chủ đề công tác năm 2022 của ngành VHTTDL được lựa chọn là “Năm văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ”, đây là hai lĩnh vực trọng điểm được lãnh đạo Bộ xác định để tạo hệ giá trị cốt lõi. Bộ VHTTDL trong năm đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền dưới nhiều hình thức để thực hiện chủ đề năm đạt hiệu quả thực chất; hiện thực hóa các quan điểm, hoàn thiện thể chế, tháo nút thắt trong quản lý các lĩnh vực VHTTDL, đồng thời tham mưu Chính phủ, Quốc hội ban hành nhiều Chiến lược phát triển văn hóa, các luật chuyên ngành. “Bộ cũng đã và sẽ tiếp tục triển khai ký kết với các Bộ, Ban ngành…. để cùng xây dựng nền tảng văn hóa, củng cố chuẩn mực đạo đức, văn hóa, khơi dậy khát vọng cống hiến, tăng cường các thành tố về hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới”- Thứ trưởng Tạ Quang Đông chia sẻ.
Với hơn 80 tham luận gửi đến Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, quản lý và văn nghệ sĩ đã tập trung phân tích, làm rõ các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam và mối quan hệ biện chứng giữa các hệ giá trị đó.
Các đại biểu thảo luận tại điểm cầu Hà Nội (ảnh: tuyengiao.vn)
Từ những kết quả được Hội thảo thống nhất, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh 5 nhóm giải pháp trọng tâm thực hiện trong thời gian tới. Theo đó, các cấp uỷ Đảng, cơ quan Nhà nước, các đoàn thể chính trị – xã hội, các cơ quan nghiên cứu lý luận, các phương tiện truyền thông đại chúng, các cơ quan, đơn vị hoạt động văn hoá, nghệ thuật… cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và toàn diện hơn nữa những nội dung về xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế theo phát biểu định hướng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.
Tập trung nghiên cứu, xây dựng, cụ thể hóa các hệ giá trị cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của từng lĩnh vực, từng địa phương nhằm khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, góp phần xây dựng nhân cách, con người, xây dựng gia đình, phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực hiện mục tiêu cao cả phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ, các nhà hoạt động văn hóa – xã hội, các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh và truyền hình ở Trung ương và địa phương trong việc sáng tạo, xây dựng, hiện thực hóa các hệ giá trị vào trong đời sống xã hội; khẳng định những mặt tích cực, lên án, phê phán cái xấu, cái ác, cái giả, khẳng định cái đúng, cái tốt, cái đẹp, lan tỏa các tấm gương tích cực trong xã hội để xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, truyền cảm hứng tích cực cho xã hội, đặc biệt là với thanh thiếu niên.
Cấp ủy và chính quyền các cấp cần lồng ghép thực hiện các hệ giá trị trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của mỗi địa phương, của mỗi lĩnh vực, nhất là gắn kết việc hiện thực hóa các giá trị này với nhiệm vụ xây dựng Đảng, phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, củng cố quốc phòng an ninh và đối ngoại.
Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Khoa học và Công nghệ và cơ quan liên quan tiếp tục phối hợp nghiên cứu, tham mưu trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về những vấn đề nghiên cứu, xây dựng và triển khai hiện thực hóa các hệ giá trị đã được đề cập tại Hội thảo này. Đồng thời, đề nghị các cơ quan, đơn vị chức năng trong hệ thống chính trị phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách, bố trí nguồn lực hợp lý, cần thiết để tạo nên những đột phá mới trong việc triển khai, thực hiện các hệ giá trị trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và hạnh phúc.
Về nội dung của các hệ giá trị, từ nhiều bình diện khác nhau, các đại biểu tiếp tục phân tích làm rõ hơn các nội dung trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021.Hệ giá trị con người Việt Nam cần xây dựng gồm 8 giá trị chủ yếu là: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo.Hệ giá trị gia đình gồm 4 giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh.Hệ giá trị văn hóa gồm 4 giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học.Hệ giá trị quốc gia gồm 9 giá trị: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc. Nội dung của các hệ giá trị này vừa đảm bảo được tính khái quát, cô đọng, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, vừa phù hợp với yêu cầu của thực tiễn xây dựng và phát triển đất nước, vừa đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân hiện nay.
Lan Hương (tổng hợp)