Sáng ngày 07 tháng 3 năm 2021, tại Đại sứ quán, Đại sứ quán Cộng hoà Pháp tại Việt Nam và Thư viện Quốc gia Việt Nam tổ chức khai trương Cổng thông tin Pháp – Việt Nam/ Thư viện số Hoa Phượng Vỹ.
Tham dự buổi lễ, về phía Việt Nam có bà Trịnh Thị Thủy – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Phạm Quốc Hùng – Vụ trưởng Vụ Thư viện; bà Nguyễn Phương Hòa – Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế; bà Kiều Thúy Nga – Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam và các công chức, viên chức; về phía Pháp có Ngài Nicolas Warnery – Đại sứ Cộng hoà Pháp tại Việt Nam, ông Etienne Rolland-Piègue, Tham tán Văn hóa và Hợp tác, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam; ông Philippe Le Failler, Trưởng đại diện Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp tại Việt Nam và các cộng sự tại Đại sứ quán.
Cổng thông tin Pháp – Việt/ Thư viện số Hoa Phượng Vỹ là kết quả hợp tác giữa Thư viện Quốc gia Việt Nam và Thư viện Quốc gia Pháp. Sau gần 2 năm (2019-2020) hợp tác tích cực của Thư viện Quốc gia hai nước để huy động nguồn tài nguyên thông tin, Cổng thông tin Pháp – Việt/ Thư viện số Hoa Phượng Vỹ chính thức mở cửa phục vụ công chúng tại Pháp từ ngày 12 tháng 02 năm 2021.
Với 2146 tài liệu toàn văn, tiêu biểu từ các bộ sưu tập của hai thư viện quốc gia và các đối tác tái hiện những mối tương tác về văn hoá, lịch sử và khoa học giữa Pháp và Việt Nam từ thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XX, được lựa chọn hài hoà về số lượng, chủ đề, đa dạng về hình thức (gồm bản in, bản viết tay, tranh vẽ, ảnh) và bằng hai ngôn ngữ (tiếng Việt, tiếng Pháp), được bố cục thành 8 mục chính:
Lưu chuyển: Là những câu chuyện thám hiểm, hướng dẫn du lịch và bộ sưu tập phong phú các bản đồ và nghiên cứu về đất nước và con người Việt Nam.
Truyền thống: Được thể hiện ở các khía cạnh khác nhau trong văn hóa Việt Nam như: Phong tục, kỹ nghệ và lễ hội.
Tư tưởng và tâm linh: Giới thiệu những luồng tư tưởng tôn giáo và triết học chính của xã hội Việt Nam thời bấy giờ gồm nguồn gốc phương Đông (Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo…) hay nguồn gốc phương Tây (Thiên Chúa giáo và các triết lý đương thời).
Văn học: Bộ sưu tập các tác phẩm văn học kinh điển được xuất bản tại Việt Nam, bằng chữ Hán, chữ quốc ngữ hoặc tiếng Pháp.
Chuyển giao văn hóa: Là sự diễn giải, thích ứng và chuyển đổi ở Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực nghệ thuật, giáo dục và thông qua quá trình hình thành chữ quốc ngữ.
Các triều đại và chính quyền: Gồm tài liệu về việc trao đổi ngoại giao và thay đổi về các triều đại phong kiến, chính quyền thuộc địa… tại Việt Nam.
Khoa học và Xã hội: Là tập hợp số lượng lớn tài liệu về khoa học – kỹ thuật thuộc các lĩnh vực từ thực vật học, nông học và kỹ thuật.
Đời sống kinh tế: Gồm các tài liệu phân tích những khía cạnh kinh tế của xã hội thuộc địa Việt.
Hiện Cổng thông tin Pháp – Việt/ Thư viện Hoa Phượng Vỹ có 5.313 lượt truy cập, trong đó 4.350 lượt diễn ra trên phiên bản tiếng Pháp; 1.528 lượt trên phiên bản tiếng Việt (bao gồm 1.254 lượt truy cập từ Việt Nam). Đây là tín hiệu đáng mừng, phản ánh sự quan tâm của công chúng đối với bộ sưu tập số Pháp – Việt sau hơn một tháng ra mắt.
Cổng thông tin Pháp – Việt/ Thư viện số Hoa Phượng Vỹ sẽ là địa chỉ giúp cho các nguồn tư liệu về giai đoạn lịch sử chung của hai nước mà hai thư viện đang lưu trữ trở nên dễ tiếp cận hơn và được phổ biến rộng rãi đến các nhà nghiên cứu, học giả nói riêng và công chúng nói chung.
Truy cập Cổng thông tin Pháp – Việt/ Thư viện số Hoa Phượng Vỹ tại địa chỉ https://heritage.bnf.fr/france-vietnam/vi.
Hình ảnh cùng sự kiện:
Toàn cảnh buổi lễ khai trương Cổng thông tin Pháp – Việt Nam/ Thư viện số Hoa Phượng Vỹ
Ngài Nicolas Warnery – Đại sứ Cộng hoà Pháp tại Việt Nam; ông Philippe Le Failler – Trưởng đại diện Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp tại Việt Nam; Bà Kiều Thúy Nga – Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam chủ trì buổi lễ
Đại biểu và các nhà nghiên cứu trả lời báo chí
Hình ảnh mô phỏng tài liệu thuộc Cổng thông tin Pháp – Việt/ Thư viện số Hoa Phượng Vỹ
Hình ảnh mô phỏng Kim Vân Kiều truyện thuộc Cổng thông tin Pháp – Việt/ Thư viện số Hoa Phượng Vỹ
hiện đang lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Việt Nam
Hoài Thu