Đẩy mạnh hoạt động phục vụ người dân học tập suốt đời trong các thư viện là một nội dung quan trọng trong Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ” được Thủ tướng chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 27 tháng 01 năm 2014.
Thực hiện định hướng và các mục tiêu được đặt ra trong Đề án, những năm qua cùng với hệ thống thư viện trên cả nước, Thư viện tỉnh Đồng Tháp đã không ngừng đổi mới, tăng cường tổ chức các hoạt động giáo dục, phục vụ học tập trong thư viện phù hợp với các đối tượng người sử dụng, làm cho thư viện trở thành điểm sáng văn hóa thực sự hấp dẫn, thân thiện với cộng đồng, đặc biệt là với các em thanh thiếu niên và nhi đồng.
* Mô hình “Chuyến xe tri thức” và “Trao tủ sách khuyến học”
Mô hình đã được Thư viện tỉnh Đồng Tháp xây dựng và triển khai hiệu quả trong nhiều năm qua. Bình quân mỗi năm thư viện phục vụ từ 10 đến 12 chuyến, mỗi chuyến phục vụ từ 200 đến 500 học sinh và người dân, kết hợp việc phục vụ sách, báo với việc hướng dẫn kỹ năng đọc sách, tổ chức các hoạt động đọc sách. Ngoài việc phục vụ lưu động, thư viện vận động các đơn vị tài trợ trao “Tủ sách khuyến học” cho các Nhà Văn hóa khóm, ấp, Trung tâm Văn hóa – Học tập cộng đồng, Hội quán nông dân, Câu Lạc bộ gia đình phát triển bền vững. Các tủ sách được cán bộ thư viện tỉnh xử lý kỹ thuật, hướng dẫn quản lý và khai thác, sử dụng tủ sách cho cán bộ phụ trách tủ sách tại địa phương. Đồng thời, giới thiệu sách và tổ chức các buổi sinh hoạt, chia sẻ về nội dung sách vào định kỳ hàng tháng. Thực hiện luân chuyển sách giữa các Tủ sách nhằm phát huy tối đa hiệu quả của Tủ sách khuyến học.
Mô hình được triển khai, phối hợp với Đoàn Thanh niên khối các cơ quan tỉnh và Hội Khuyến học tổ chức thực hiện phục vụ lưu động, kết hợp trao tủ sách khuyến học để phục vụ cho nhân dân, đặc biệt là các em thanh thiếu nhi ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, ít được tiếp cận với thông tin.
Ảnh: Hoạt động của “chuyến xe tri thức” phục vụ nhân dân các xã biên giới, xã nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp
* Mô hình “Sinh hoạt ngoại khóa ngoài nhà trường” và “Hè vui đọc sách”
Thư viện tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo tiến hành khảo sát nhu cầu của học sinh các trường, thống nhất phương thức thực hiện, phân chia nhiệm vụ giữa Thư viện tỉnh với Phòng Giáo dục và Đào tạo trên nguyên tắc phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và phát huy vai trò, trách nhiệm của từng đơn vị.
Các trường học xây dựng kế hoạch, đăng ký lịch tổ chức hoạt động ngoại khóa và gửi thông tin về nhu cầu đọc của học sinh về thư viện tỉnh. Đồng thời, phân công các giáo viên chủ nhiệm các lớp phối hợp triển khai thực hiện.
Thư viện tỉnh chịu trách nhiệm bố trí địa điểm, không gian hoạt động, hướng dẫn sử dụng thư viện, phục vụ tài liệu, hướng dẫn kỹ năng đọc sách và tổ chức các hoạt động đọc sách theo chuyên đề cho học sinh. Mỗi buổi sinh hoạt ngoại khóa thường có thời lượng từ 2 đến 3 tiếng, trong đó có 30 phút dành cho các em đọc sách tại phòng đọc thiếu nhi, tham gia 01 hoạt động về sách và 01 hoạt động hỗ trợ việc đọc sách. Ngoài ra, tùy theo từng đối tượng, có thể chọn tổ chức hoạt động vận động hoặc hướng dẫn thực hành từ sách phù hợp với lứa tuổi học sinh.
Ảnh: Hoạt động ngoại khóa ngoài nhà trường tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp
Các hoạt động bổ trợ cho việc đọc sách thường được tổ chức như: nghe đọc sách trả lời câu hỏi, đọc sách giải ô chữ, đọc sách viết cảm nhận, ghép bìa sách, thiết kế bìa sách, …; các trò chơi vận động về sách như: truy tìm kho báu, giao báo, đưa thư, ném bóng vào rổ…; hoạt động hướng dẫn thực hành từ sách như: hướng dẫn làm sản phẩm từ giấy màu, que, chai nhựa, từ các vật dụng tái chế….
Tương tự như Chương trình “Sinh hoạt ngoại khóa ngoài nhà trường”, mỗi dịp hè Thư viện tỉnh phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức Chương trình “Hè vui đọc sách” với nhiều hoạt động vui học, vui đọc bổ ích cho thanh thiếu niên. Ngoài việc phục vụ đọc sách, các trò chơi trí tuệ, Thư viện tỉnh còn huy động lực lượng cộng tác viên của các trường đại học trên địa bàn tổ chức các lớp hướng dẫn kỹ năng cho thanh thiếu nhi như: Giới thiệu sách, kể chuyện sách, đọc sách sáng tác truyện tranh, vẽ tranh theo sách, cờ vua, tin học căn bản và kỹ năng tìm tin trên Internet, tiếng Anh cộng đồng, hướng dẫn tra tìm tin, tiết học thư viện, hoạt động STEM: lắp ghép Lego Robotics, khoa học vui, hướng dẫn hoạt động thực hành từ sách… tổ chức các hội thi: vẽ tranh, cờ vua, giới thiệu quyển sách tôi yêu, kể chuyện sách.
Các hoạt động ngoại khóa này đã góp phần tích cực trong việc trang bị kiến thức, rèn luyện kỹ năng, năng khiếu cho học sinh, hỗ trợ cho việc học tại nhà trường. Sau khi kết thúc mỗi hoạt động, Thư viện có đánh giá, khen thưởng cho các em tham gia hoạt động tích cực nhất, từ đó tạo phong trào thi đua sôi nổi, lan tỏa tinh thần đam mê đọc sách trong các em thanh thiếu nhi.
* Mô hình “Đọc sách cho con nghe” và “Thi gia đình đọc sách”
Tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp đã triển khai mô hình “Đọc sách cho con nghe”. Đây là mô hình mang ý nghĩa giáo dục cho tương lai, nhằm hình thành thói quen đọc sách cho trẻ từ khi còn nhỏ, tạo nền tảng phát triển khả năng học tập, tăng cường sự tập trung và tính kỷ luật, rèn luyện kỹ năng, tư duy logic, giúp trẻ hào hứng với những trải nghiệm mới. Đặc biệt thông qua việc đọc sách cùng con giúp phụ huynh phát hiện và định hướng những sở thích đam mê của trẻ, giúp cho tình cảm của ông bà, cha mẹ và con thêm bền chặt hơn.
Ảnh: Hoạt động đọc sách cho con nghe tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp
Để triển khai mô hình, Thư viện thiết kế không gian với các góc học tập, góc đọc sách trang trí đẹp mắt, sách được lựa chọn phù hợp, góc khám phá và vui chơi với nhiều đồ chơi và thú bông ngộ nghĩnh, góc thực hành để ông bà, cha mẹ cùng bé có thể tự tay làm những món quà xinh xắn dưới sự hướng dẫn của cán bộ thư viện, góc mỹ thuật, chơi cờ, văn nghệ… giúp các em yêu quý sách, ham đọc sách và có ý thức bảo quản sách.
Thông qua việc phát động phong trào đọc sách cùng con, Thư viện tổ chức cuộc thi “Gia đình đọc sách” với nhiều hình thức thú vị như: Thử tài khéo léo (thi làm sản phẩm thực hành từ sách), thông điệp yêu thương (cùng con thể hiện năng khiếu của mình qua những câu hát, điệu hò, bài vè, câu thơ), hiểu ý con yêu, viết cảm nhận về quyển sách gia đình yêu thích, vẽ tranh chủ đề “Gia đình yêu thương”,…. Hội thi nhằm mục đích khuyến khích các gia đình đọc sách và giúp các thành viên trong gia đình có thêm cơ hội để trò chuyện, chia sẻ hiểu nhau hơn và có thêm những giây phút hạnh phúc bên nhau.
Ảnh: Các sản phẩm trong Hội thi gia đình đọc sách tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp
* Mô hình “Thư viện dành cho người khuyết tật”
Xuất phát từ nhu cầu thực tế và nhằm tạo điều kiện cho những người kém may mắn được tiếp cận với tri thức, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội, Thư viện dành cho người khuyết tật ra đời tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp. Ngoài việc hướng dẫn và phục vụ đọc sách chữ nổi, nghe sách nói, thư viện tổ chức các lớp tập huấn, sinh hoạt chuyên đề chia sẻ cảm nhận về sách, mời chuyên gia hướng dẫn làm sách nói, sách minh họa nổi, hướng dẫn sử dụng máy tính cho người khiếm thị, làm những bộ chữ cái chữ nổi để hướng dẫn cơ bản cho những người đọc chưa thành thạo chữ nổi và kỹ năng đọc sách khi đã thành thạo chữ nổi, tổ chức các cuộc thi như: Thử tài đánh máy, sáng tác truyện tranh, thi gia đình đọc sách…, tổ chức các hoạt động khéo tay hay làm, hướng dẫn thực hành từ sách: làm hoa, sản phẩm móc khóa từ hạt cườm, sản phẩm bằng que gỗ,… hướng đến việc dạy nghề cho người khuyết tật.
Định kỳ vào thứ 5 hàng tuần tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp tổ chức các hoạt động sinh hoạt chuyên đề, chia sẻ cảm nhận về sách cho người khuyết tật. Với sự tham gia của người khiếm thị, người tàn tật, cán bộ thư viện và những tình nguyện viên, các chuyên đề được tổ chức đa dạng về nội dung, phong phú về hình thức như: kể và chia sẻ cảm nhận về một câu chuyện, giới thiệu nội dung một quyển sách yêu thích, hướng dẫn tìm kiếm thông tin hay đố vui kiến thức, đố vui về sách… Từ đó, thư viện đã huy động nhiều tập thể, cá nhân ủng hộ làm sách nói, sách minh họa nổi, đưa đón miễn phí cho người khiếm thị đến thư viện…
Với ý nghĩa cộng đồng, mang tính nhân văn sâu sắc, Thư viện dành cho người khuyết tật đã quy tụ sự tham gia của rất nhiều tổ chức, cá nhân, đơn vị cùng chung tay xây dựng xã hội học tập. Thư viện dành cho người khuyết tật là mô hình hoạt động thiết thực, nơi học hỏi, giao lưu, chia sẻ và kết nối với những người bạn mới, tiếp thêm ngọn lửa, giúp người khiếm thị có niềm tin vào cuộc sống, từ đó vươn ra cộng đồng.
Ảnh: Chương trình sinh hoạt chuyên đề dành cho người khiếm thị tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp
Lan Di