Mối quan hệ giữa xuất bản và văn hóa đọc là mối quan hệ biện chứng: khi ngành xuất bản phát triển, nhiều sách hay, sách đẹp với nhiều định dạng khác nhau: sách in, sách điện tử, sách nói, sách đa phương tiện được phát hành đến tay người đọc, sẽ tạo sự hứng thú, say mê đọc sách, làm tiền đề thúc đẩy văn hóa đọc phát triển.
Trong các yếu tố tác động đến sự phát triển của văn hóa đọc, hoạt động xuất bản đóng một vai trò quan trọng. Trong các giai đoạn đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và xây dựng phát triển đất nước, các xuất bản phẩm đã góp phần không nhỏ vào việc hình thành lý tưởng sống cho bao thế hệ bạn đọc. Những Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc cùng bao chàng trai, cô gái ra mặt trận với quyển sách trong ba lô vững niềm tin đi vào cuộc chiến không quản ngại hy sinh. Năm 2015, khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng kết về chặng đường xây dựng và phát triển của ngành Văn hóa Việt Nam đã khẳng định: có 2 phong trào góp phần quan trọng vào chiến thắng Đế quốc Mỹ phải kể đến là phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” và “Đọc sách có hướng dẫn”. Từ những cuốn sách được xuất bản, các thư viện đã tích cực giới thiệu đến bạn đọc để hình thành nên nền tảng tri thức và lý tưởng cách mạng.
Một số giải pháp tăng cường vai trò của ngành xuất bản trong xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc và phát triển văn hóa đọc
Nâng cao chất lượng công tác xuất bản
Đây là một giải pháp rất quan trọng. Để làm được điều đó các nhà xuất bản, đơn vị làm sách cần chú trọng và quan tâm một số nội dung sau:
- Đào tạo đội ngũ dịch giả, biên tập để đảm bảo chất lượng cả về nội dung và hình thức, phù hợp với văn hóa Việt. Để nâng cao chất lượng công tác xuất bản, trước cần nâng cao năng lực của biên tập viên các NXB, của chuyên viên đọc kiểm tra xuất bản phẩm lưu chiểu, cộng tác viên đọc kiểm tra xuất bản phẩm lưu chiểu thuộc Cục Xuất bản (Bộ Thông tin và Truyền thông), Sở Thông tin và Truyền thông của các tỉnh, thành phố.
- Chú trọng truyền thông, quảng bá sách, giúp bạn đọc có được thông tin đúng đắn về tác phẩm.
- Chú trọng công tác khai thác bản quyền để có được đầu tư sách tốt, phù hợp, có ý nghĩa nhân văn, giáo dục hoặc giải trí lành mạnh.
Nâng cao hiệu lực quản lí Nhà nước trong lĩnh vực xuất bản
- Có biện pháp để ngăn chặn tình trạng xuất bản truyện tranh không có bản quyền, đem lại sự công bằng cho những người làm sách nghiêm túc, cũng như giúp đảm bảo chất lượng ấn phẩm đối với người tiêu dùng
- Phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết triệt để nạn in lậu sách, bảo vệ quyền lợi của tác giả, dịch giả, nhà xuất bản cũng như bạn đọc.
- Rà soát, xây dựng, ban hành và sửa đổi những cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động xuất bản phù hợp với các quy định Luật Xuất bản năm 2012, tinh thần của Hiến pháp năm 2013 và yêu cầu của thực tiễn cuộc sống.
- Cần có cơ chế cạnh tranh, đấu thầu việc in ấn các loại sách có nguồn vốn in ấn từ ngân sách nhà nước để giảm giá thành sách.
Tăng cường sự phối hợp giữa Bộ VHTTDL và Bộ Thông tin và truyền thông
-
Đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá các xuất bản phẩm và phối hợp tổ chức các sự kiện trọng đại của dân tộc gắn với việc đọc và tôn vinh văn hóa đọc.
-
Tăng cường các sách đặt hàng đối với các nhà xuất bản thuộc Bộ VHTTDL.
-
Bộ Thông tin và Truyền thông có văn bản hưởng dẫn cụ thể để đảm bảo lưu chiểu cho Thư viện Quốc gia, chuyển giao các xuất bản phẩm địa phương cho các thư viện tỉnh, thành phố để đảm bảo lưu giữ lâu dài các di sản văn hóa thành văn của dân tộc và của các địa phương.
Phương Linh st.