Những cuốn sách tốt cho học sinh là yếu tố quan trọng của một thư viện hoạt động hiệu quả. Để đảm bảo có được những cuốn sách tốt cho học sinh, việc lựa chọn sách của Room to Read (RtR) được dựa trên ba nguyên tắc.
I. Cung cấp những cuốn sách phù hợp, học sinh muốn đọc, chứ không phải những cuốn sách mà người lớn nghĩ rằng học sinh muốn đọc.
Những cuốn sách tốt thường thu hút được sự chú ý của học sinh do vậy các em sẽ có hứng thú đọc sách ngay từ trang bìa và muốn đọc đi đọc lại những cuốn sách đó. Đó là những cuốn truyện hấp dẫn, có nhân vật tương đồng với lứa tuổi và điều kiện/bối cảnh. Đó cũng là những truyện phù hợp với văn hóa, không phân biệt đối xử, và thúc đẩy bình đẳng giới.
Tranh minh họa cho truyện cần sống động và lôi cuốn được học sinh vào việc đọc, giúp các em hình dung được những diễn biến, tình tiết trong khi đọc, và từ đó hiểu được nội dung truyện. Cuốn sách được minh họa tốt giúp cho câu chuyện trở nên sống động với trẻ em.
Những cuốn sách tốt giúp học sinh phát triển cảm xúc tích cực và những giá trị đạo đức. Ví dụ một giá trị đạo đức được chuyển tải qua câu chuyện sẽ hiệu quả hơn so với việc giải thích bài học đạo đức trực tiếp cho các em. Học sinh không có hứng thú, thậm chí là không đọc những cuốn sách thể hiện quá rõ về những bài học đạo đức. Thay vì chỉ ra bài học đạo đức trực tiếp, những cuốn sách hay truyền tải những giá trị đạo đức thông qua hành động của các nhân vật khi đưa ra lựa chọn đúng đắn và từ đó truyền cảm hứng cho các em làm những điều tương tự.
Để hiểu rõ hơn về những cuốn sách mà học sinh thích, RtR nhiều năm trước đây đã tiến hành hoạt động “Đọc sách thử cho học sinh nghe trước khi xuất bản” ở trường học. Việc đọc thử bản thảo cho học sinh nghe vừa giúp tác giả và họa sĩ vẽ tranh minh họa xem liệu học sinh có thích thú và hiểu được những cuốn sách đó không đồng thời cũng giúp họ điều chỉnh cách tiệp cận để tạo ra những câu chuyện phù hợp với sở thích và trình độ đọc của học sinh. Việc đọc sách thử trước khi xuất bản vẫn được tiến hành ở RtR nhiều nước để đảm bảo những cuốn sách RtR xuất bản là những cuốn sách trẻ em thích đọc.
II. Cung cấp đa dạng sách đáp ứng nhu cầu đọc của TẤT CẢ học sinh
Nếu có nhiều sách và sách ở nhiểu thể loại khác nhau để học sinh đọc thì sẽ giúp các em thấy hứng thú đọc và đọc nhiều hơn. Để giúp tất cả các học sinh có thể đọc, RtR lựa chọn hai loại sách tạo nền tảng của một thư viện tốt đó là những cuốn sách “gần gũi” và những cuốn sách “mở rộng”.
Cuốn sách “mở rộng” còn giới thiệu đến học sinh những tình huống tưởng tượng cho học sinh, làm các em cảm thấy thích thú khi đọc những câu chuyện này vì được kích thích trí tưởng tượng, phát triển sự sáng tạo, khả năng giải quyết vấn đề. Đồng thời những giá trị đạo đức cũng được truyền tải một cách hấp dẫn. Vì vậy, những cuốn sách loại này cũng có thể là lựa chọn thay thế để đọc cho những học sinh không thích thú với những câu chuyện thực tế.
Sự phong phú về thể loại sách bao gồm sự cân đối và đa dạng sách trong một thư viện, giúp học sinh có thể lựa chọn đọc được một loạt các cuốn sách hay, chứa đựng nhiều bối cảnh, ý tưởng và quan điểm khác nhau. Hệ thống sách phong phú trong thư viện mà RtR hỗ trợ đảm bảo sự đa dạng của các thể loại sách được bán trên thị trường và những cuốn sách trẻ em trên toàn thế giới những năm vừa qua.
Sự phong phú về thể loại sách giúp học sinh thích đọc sách, hình thành tính cách của các em, điều này phù hợp và thống nhất với những nhiệm vụ của thư viện tiểu học mà Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã đề ra “…bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, hình thành lối sống lành mạnh trong con người, xã hội Việt Nam…”
Những cuốn sách tốt cần đáp ứng được nhu cầu đọc của tất cả học sinh, từ khi các em là những người bắt đầu đọc ở lớp 1 tới khi các em là những người đọc độc lập ở lớp lớn hơn. Điều này được thực hiện bằng việc phát triển “Bộ sưu tập sách lý tưởng” để hướng dẫn các nhà xuất bản và các nhà phân phối sách cung cấp cho các trường những cuốn sách phù hợp với trình độ đọc khác nhau của học sinh. Phân loại sách theo các tiêu chí như số lượng từ/câu, số câu/trang, độ khó của câu, từ… Sách được phân loại, xếp lên giá tương ứng giúp học sinh nhanh chóng tìm thấy loại sách phù hợp với trình độ đọc. Việc phân loại sách cũng giúp giáo viên kiểm tra trình độ đọc của học sinh và hướng dẫn các em tìm được những cuốn sách phù hợp để đọc.
III. Đảm bảo học sinh được tiếp cận thường xuyên với những cuốn sách tốt
Học sinh đọc thường xuyên hay là đọc với sự thích thú ở trường và ở nhà có xu hướng phát triển kỹ năng đọc tốt hơn các em khác. Học sinh cần có thời gian để đọc hết những cuốn sách hay. Đó là thời gian “rảnh” được bố trí vào giờ giải lao để các em có thể tới thư viện đọc sách và mượn sách về nhà để đọc. Đồng thời cũng cần sắp xếp thời khóa biểu một tiết đọc thư viện một tuần để mỗi lớp tới thư viện tham gia hoạt động đọc chính và các hoạt động mở rộng. Cha mẹ cũng được khuyến khích giúp con đọc bằng việc dành thời gian cho con đọc ở nhà, và hướng dẫn cách hỗ trợ con đọc tại nhà.
Trong các khóa tập huấn và các chuyến thăm trường có thư viện RtR, mục đích của việc giúp trẻ được tiếp cận với sách và phát triển thói quen đọc luôn được nhấn mạnh.
Kết quả và tác động:
Cung cấp nhiều thể loại sách thuộc nhiều trình độ đọc khác nhau của học sinh, bố trí thời gian để học sinh được tiếp cận với sách đã mang lại những kết quả và tác động tích cực đối với việc đọc của học sinh cũng như trong học tập ở trường.
Số sách học sinh mượn về nhà tăng dần hàng năm
Hiện tại tính trung bình hàng tháng, số sách học sinh mượn về nhà ở các trường có dự án của RtR Việt Nam cao gấp đôi mục tiêu mà RtR toàn cầu đề ra. Số sách trung bình một học sinh Việt Nam mượn về nhà cao nhất trong các nước mà RtR hiện nay đang hỗ trợ. Điều này chỉ rõ rằng học sinh thích các thể loại sách khác nhau, và những cuốn sách được cung cấp cho các trường là những cuốn sách mà học sinh muốn đọc.
Nâng cao thành tích học tập của học sinh.
Dựa trên kết quả đánh giá của Vụ tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, đối với các địa phương triển khai thư viện RtR năm 2018, tác động từ hiệu quả của thư viện phù hợp với mới mục tiêu chung của thư viện tiểu học. Điều này cũng cho thấy việc cung cấp sách ở nhiều thể loại, nhiều trình độ đọc cho thư viện là phù hợp với mục tiêu và bối cảnh và giáo dục ở các trường Việt Nam.
Kết luận
Những cuốn sách tốt, yếu tố nền tảng của một thư viện tốt, nên bao gồm nhiều thể loại sách khác nhau, gồm cả sách thực tế, sách huyễn tưởng và hướng tới khả năng đọc của tất cả trẻ em. Xu hướng thế giới về doanh số bán sách thiếu nhi, cùng với việc tăng tỷ lệ mượn sách về nhà tại các trường học ở Việt Nam cũng như đánh giá về hiệu quả của thư viện do Vụ tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam thực hiện năm 2018 cho thấy sự đa dạng của nguồn sách cung cấp cho trường học đáp ứng được nhu cầu và sở thích của tất cả học sinh.
David Strawbridge