Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định số 3819/QĐ-BVHTTDL ngày 30/12/2022 ban hành Kế hoạch phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo ngành VHTTDL đến năm 2030, trong đó có lĩnh vực thư viện
Theo kế hoạch, mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực, góp phần quan trọng trong phát triển toàn diện ngành văn hóa, thể thao và du lịch gắn với nhiệm vụ quản lý nhà nước, tạo điều kiện phát huy sự sáng tạo, nâng cao năng suất lao động dựa vào hoạt động ứng dụng công nghệ; nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm, dịch vụ văn hóa, thể thao và du lịch; gia tăng số lượng, chất lượng và hiệu quả khai thác tài sản trí tuệ; gắn nghiên cứu, ứng dụng và phát triển KHCN và đổi mới sáng tạovới đào tạo phát triển nguồn nhân lực nhằm phục vụ các mục tiêu chung của Chiến lược quốc gia về phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 và các chiến lược, kế hoạch phát triển của ngành văn hoá, thể thao và du lịch. Phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo góp phần xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo hướng toàn diện, nâng cao chỉ số phát triển con người (HDI); cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách phát triển đất nước.
Thuộc nhóm văn hóa gia đình, phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực thư viện được xác định với những định hướng sau:
Về nghiên cứu: hướng tới nghiên cứu các vấn đề nhằm phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, công nghiệp văn hóa số, hiệu quả kinh tế trong hoạt động cung cấp dịch vụ, sản phẩm văn hóa trên không gian mạng; việc khởi nghiệp, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; công nghệ phát triển hệ thống phần mềm thư viện điện tử hiện đại, công nghệ lập trình ứng dụng, sử dụng dịch vụ thư viện trên các thiết bị di động, công nghệ thư viện lưu động, thư viện tự động; các vấn đề quản trị cho các tổ chức nghệ thuật; an ninh văn hóa trong xu hướng phát triển mạnh mẽ của phương tiện, công nghệ truyền thông mới; nghiên cứu quy trình, ứng dụng công nghệ trong tuyển chọn tài năng văn hóa nghệ thuật.
Về ứng dụng công nghệ: tập trung xây dựng thư viện số, liên thông thư viện số với các nội dung sau: Thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm và mục tiêu đề ra theo Quyết định số 206/QĐ-TTg ngày 11/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Xây dựng thư viện số: Ứng dụng công nghệ số và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc gia/quốc tế để xây dựng và phát triển công nghiệp nội dung cho thư viện số, tự động hóa thư viện.
Xây dựng cơ sở dữ liệu số: Xây dựng cơ sở dữ liệu thư viện Việt Nam; Tích hợp cơ sở dữ liệu gồm cơ sở dữ liệu toàn văn, cơ sở dữ liệu thư mục các xuất bản phẩm ở Việt Nam, các bài báo, tạp chí khoa học, các công trình nghiên cứu khoa học, các loại tài liệu có giá trị (tài liệu tham khảo, tài liệu quý hiếm, tài liệu có hàm lượng tri thức cao…) từ các thư viện trong cả nước, từ các tổ chức, đơn vị, cá nhân khác có tiềm lực (các nhà xuất bản, các tổ chức trong và ngoài nước, hiệp hội nghề nghiệp,… các cá nhân có cung cấp sản phẩm thông tin số).
Kết nối, liên thông thư viện: Liên kết nguồn lực thông tin dữ liệu số, nguồn lực thông tin dùng chung của các thư viện, các trung tâm thông tin trong cùng hệ 9 thống hoặc theo khu vực địa lý, xây dựng và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ thông tin thư viện hiện đại qua môi trường số và các ứng dụng thông minh.
Tham gia xây dựng quy trình xử lý, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích: Ứng dụng công nghệ mới như GIS, GPS, Lidar trong khảo sát, công nghệ sinh học, công nghệ Nano trong bảo quản hiện vật và vật liệu cấu thành di tích; quy trình xử lý, bảo tồn, bảo quản tài liệu (di sản thành văn) trong thư viện, bảo tàng…
Về định hướng xây dựng và từng bước hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia: Thúc đẩy nghiên cứu và xây dựng tiêu chuẩn quốc gia gắn với hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo. Nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn cho phát triển xanh và bền vững; hệ thống tiêu chuẩn đối với hoạt động xây dựng sản phẩm chủ lực của ngành văn hóa, thể thao và du lịch.
Bên cạnh đó, định hướng nâng cao tiềm lực nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ (Phát triển nguồn nhân lực, phát triển cơ sở hạ tầng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo) và đổi mới sáng tạo, hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ ngành văn hóa, thể thao, du lịch.
04 giải pháp được ra tập trung: (1) Đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức về vai trò KHCN và đổi mới sáng tạo đối với sự nghiệp phát triển ngành VHTTDL; (2) Tổ chức, cơ chế quản lý, hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo ngànhVHTTDL; (3) Phát triển nguồn lực KHCN và đổi mới sáng tạo; (4) Ứng dụng công nghệ và an toàn thông tin số.
Phương Linh