Ngày 01 tháng 8 năm 2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 96/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10 tháng 02 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
(Ảnh minh họa)
Mục tiêu đến năm 2030, vùng trung du và miền núi phía Bắc là vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện, trên cơ sở tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng liên kết nội vùng và vùng kinh tế xung quanh. Bản sắc văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện và nâng cao, quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc… Bên cạnh những nhiệm vụ quan trọng về kinh tế, đối với lĩnh vực văn hóa, Nghị quyết đã đặt ra nhiều nhiệm vụ cụ thể, trong đó có nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phù hợp với phát triển kinh tế – xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đồng thời phải kiện toàn, đổi mới hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa nhằm xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, tạo ra các không gian văn hóa đa dạng phục vụ người dân giải trí, hưởng thụ, sáng tạo và làm chủ.
Để thực hiện thành công mục tiêu của Nghị quyết số 11-NQ/TW, đối với công tác nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân vùng miền núi phía Bắc, trong lĩnh vực thư viện, Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng và trình Chính phủ “Đề án xây dựng mô hình thư viện cơ sở phục vụ nhân dân miền núi, biên giới vùng trung du và miền núi phía Bắc giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đề án dự kiến sẽ được xây dựng vào năm 2023. Có thể nói đây là sự quan tâm vô cùng kịp thời của Đảng và Nhà nước đối với vùng trung du và miền núi phía Bắc, là nền tảng thúc đẩy sự phát triển bền vững về văn hóa, tinh thần của người dân miền núi phía Bắc trong giai đoạn mới.
Trong những năm qua, Chính phủ đã có nhiều chương trình, đề án nhằm phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, giúp nhân dân có nhiều hơn những cơ hội hưởng thụ các dịch vụ văn hóa, tinh thần: Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 – 2020; Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 – 2030; Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”,… Các chương trình, đề án trong giai đoạn đầu đã đạt được những kết quả quan trọng trong việc hình thành thói quen đọc sách của cộng đồng, nâng cao ý thức đọc và tự học, góp phần nâng cao nhận thức về vai trò của việc đọc sách báo trong đời sống hằng ngày của nhân dân.
ATK