Những năm gần đây, sách nói ngày càng trở nên phổ biến đặc biệt trong 2 năm dịch Covid bùng phát, sách nói đã trở thành hình thức đọc sách được nhiều người lựa chọn và yêu thích.
Công nghệ thông tin phát triển đã mang đến rất nhiều tiện ích trong cuộc sống. Việc đọc sách, tìm hiểu thông tin cũng không nằm ngoài vòng tiện ích này. Nếu trước đây để tìm hiểu thông tin, chỉ có thể đọc sách, đến thư viện tra cứu thì nay bên cạnh hình thức truyền thống đó, mọi người có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin trên mạng, tra cứu tài liệu qua các thư viện điện tử, đọc sách điện tử và tiện ích hơn nữa là sử dụng sách nói.
Khác với sách in, hay sách điện tử vẫn cần người đọc có thời gian, không gian và sự tập trung cầm cuốn sách để đọc, sách nói là sách được chuyển nội dung sang dạng âm thanh thông qua giọng của người đọc. Khi ra đời, sách nói đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều đối tượng sử dụng bởi nó có khả năng tận dụng những khoảng thời gian nhàn rỗi trên xe bus, taxi, máy bay, thậm chí khi đang làm việc nhà, nấu ăn, tắm gội cũng có thể tranh thủ nghe. Sách nói cũng không khiến người đọc mỏi mắt, nhức mắt khi đọc trong một thời gian dài, hay trong điều kiện ánh sáng kém. Sách nói cũng phù hợp, tiện dụng khi đi công tác, đi du lịch bởi không cần phải mang theo những cuốn sách nặng trong vali hành lý. Không chỉ có vậy, sách nói còn phù hợp với hầu hết mọi đối tượng ngay cả trẻ em chưa biết chữ, người già mắt kém hay người khiếm thị.
Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và bởi những thuận lợi nêu trên, sách nói nhanh chóng trở nên phổ biến và được đăng tải rộng rãi ngay cả trên những trang mạng trực tuyến như Facebook, Instagram, Youtube. Sách nói vô cùng đa dạng bao gồm đủ mọi thể loại sách từ chính trị, xã hội, văn học, kinh tế..cho tới các loại tiểu thuyết.
Sách nói ngày càng được nâng cấp và đầu tư về kỹ thuật tạo hiệu ứng để thu hút độc giả. Ngoài việc lựa chọn giọng đọc hay, truyền cảm, sách nói giờ đây còn thêm nhạc đệm, thậm chí thêm cả âm thanh phụ họa cho câu chuyện/ nội dung diễn biến trong sách như tiếng mưa rơi, chim hót, tiếng động cơ, tiếng gió đập vào cửa sổ, tiếng va chạm đồ vật….
Một số kênh, trang mạng trực tuyến có lượng độc giả lớn ở Việt Nam hiện nay như Kho sách nói, Cafe sách, Hẻm Radio, Gác sách, Queen Voice… còn đầu tư mạnh để tạo dựng các tác phẩm đọc công phu, sống động như thật bằng việc phân vai cho các nhân vật trong sách/truyện để tạo nên sức hút, lôi kéo độc giả.
Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ người dùng internet ở mức cao trên thế giới, đặc biệt lại được xếp vào quốc gia có dân số trẻ vì vậy việc phát triển sách nói nói riêng, các thể loại sách điện tử ứng dụng công nghệ nói chung là bước đi hoàn toàn phù hợp góp phần phát triển văn hóa đọc, nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập.
Mặc dù có những lợi ích kể trên nhưng sách nói cũng có những nhược điểm riêng, đầu tiên đó là việc sử dụng sách nói khiến độc giả phải tiếp nhận thông tin một cách thụ động, khó bao quát vấn đề và chắt lọc những nội dung chính mà bản thân cần. Thứ hai đó là cảm xúc của người nghe bị dẫn dắt bởi người đọc do cảm xúc của người đọc ảnh hưởng trực tiếp tới ngữ điệu đọc, cách nhấn nhá, nhanh chậm. Chưa kể đến những yếu tố sâu hơn như giọng đọc vùng miền, khả năng diễn đạt, thói quen ngắt câu của người đọc cũng tác động lớn tới cảm xúc, cảm nhận của độc giả khiến cho việc tiếp nhận thông tin, nội dung thiếu đi tính chủ động. Việc sử dụng sách nói cũng hạn chế khả năng tưởng tượng, khiến người đọc lười suy nghĩ hơn, khả năng tập trung cũng thấp hơn khi cầm quyển sách trên tay. Chưa kể đến việc sử dụng sách nói trên một số trang mạng xã hội miễn phí như Youtube, Facebook, còn khiến người nghe khó chịu bởi những quảng cáo tự động liên tục chèn vào cắt ngang mạch cảm xúc, tư duy.
Một điểm nữa không thể không nhắc đến đó là tình trạng vi phạm bản quyền tràn lan của sách nói khiến các Nhà xuất bản bị thiệt hại về doanh thu, lâu dần cũng sẽ tác động tới sự phát triển chung của ngành xuất bản, cũng là ảnh hưởng tới sự phát triển văn hóa đọc.
Chính vì thế mặc dù là một sản phẩm phù hợp với sự phát triển chung của kỷ nguyên công nghệ, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của các ngành nghề hiện nay song để có thể phát triển như một sản phẩm sách chính thống thì cần có những quy định cụ thể hơn về việc bản quyền, xuất bản và ý thức của độc giả.
Lan Hương
Ảnh: nguồn internet và chụp màn hình