Đảm bảo đời sống tinh thần cho tất cả người dân trong đó bao gồm cả người khuyết tật và người khiếm thị là một trong những nhiệm vụ của thư viện trong việc đảm bảo quyền lợi của người sử dụng thư viện đặc thù.
Khoản 2 và Khoản 3, Điều 44 Luật Thư viện quy định: “Người sử dụng thư viện là người cao tuổi hoặc người khuyết tật mà không thể tới thư viện được tạo điều kiện sử dụng tài nguyên thông tin tại nhà thông qua dịch vụ thư viện lưu động hoặc gửi qua bưu chính, không gian mạng khi có yêu cầu phù hợp với hoạt động của thư viện”, “Người khiếm thị, người khiếm thính có quyền sử dụng tài nguyên thông tin… và được tạo điều kiện sử dụng tài liệu in chữ nổi Braille, tài liệu nghe, nhìn, tài liệu ngôn ngữ ký hiệu hoặc tài liệu đặc biệt khác”. Việc đảm bảo nhu cầu học tập, giải trí và tìm kiếm thông tin cho đối tượng đặc thù này luôn là một trong những nhiệm vụ của thư viện trong việc phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng nói chung và văn hóa đọc cho người khiếm thị nói riêng.
Sách Braille dành cho người khiếm thị tại thư viện tỉnh Thanh Hóa
Nhận thức sâu sắc những khó khăn mà người khiếm thị phải trải qua trong cuộc sống, đặc biệt trong việc tiếp cận và sử dụng sách báo, một món ăn tinh thần không thể thiếu của mỗi người, Thư viện tỉnh Thanh Hóa đã cho ra đời “Phòng đọc sách dành cho người khuyết tật – khiếm thị” nhằm giúp đỡ cho những đối tượng bạn đọc đặc biệt này. Phòng đọc có gần 160 bản sách chữ nổi Braille, hơn 500 CD sách nói về rất nhiều lĩnh vực từ văn học, nghệ thuật, lịch sử, địa lý cho tới các tài liệu phục vụ học tập, rèn luyện và phát triển kỹ năng sống, sách y học, khoa học thường thức,… được tổ chức, sắp xếp một cách khoa học.
Ngoài ra, Thư viện tỉnh sẽ tổ chức cấp thẻ đọc, mượn miễn phí suốt đời đối với tất cả các cá nhân có nhu cầu sử dụng tài liệu của phòng đọc, thư viện thông qua Hội các huyện, thị, thành phố bằng hình thức lưu động và tại chỗ hoặc người khuyết tật – khiếm thị có thể trực tiếp liên hệ với Thư viện tỉnh để được hỗ trợ và cấp thẻ.
Đĩa CD sách nói phục vụ người khiếm thị
Với ý nghĩa cộng đồng và tính nhân văn sâu sắc, “Phòng đọc sách dành cho người khuyết tật – khiếm thị” tại Thư viện tỉnh Thanh Hóa có vai trò quan trọng trong việc phát triển văn hóa đọc, đặc biệt là văn hóa đọc cho người khuyết tật – khiếm thị.
TT.
(Theo http://thuvientinhthanhhoa.vn/)