Sáng ngày (28/12), Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức chương trình Hội nghị – Triển lãm sơ kết 02 năm sưu tầm, số hóa, bảo quản, phục hồi và phát huy giá trị tư liệu Hán – Nôm và trao Giấy chứng nhận và đĩa dữ liệu tư liệu Hán – Hôm cho các chủ sở hữu. Đây là hoạt động thực hiện theo nhiệm vụ được phê duyệt tại Quyết định 508/QĐ-UBND ngày 21/02/2020 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giao thực hiện trong giai đoạn 2020 – 2024.
Đại biểu và các chủ sở hữu tư liệu tham quan không gian trưng bày triển lãm
Phát biểu tại buổi khai mạc triển lãm, đồng chí Hoàng Thị Kim Oanh – Giám đốc Thư viện Tổng hợp tỉnh nhấn mạnh: Thừa Thiên Huế được biết đến là vùng đất hội tụ các giá trị văn hóa của cả nước. Nơi đây chứa đựng nhiều trầm tích lịch sử, gắn với nhiều dấu ấn mang đậm đặc trưng của các triều đại, phong kiến. Trong quá trình hình thành và phát triển, vùng đất này đã để lại cho các thế hệ ngày nay và mai sau một kho tàng văn hóa vật chất và tinh thần vô cùng phong phú và độc đáo, tạo nên nền văn hóa Huế đặc sắc, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong kho tàng nguồn di sản đó, tư liệu Hán – Nôm một trong những nguồn tư liệu quý và có giá trị được lưu giữ rải rác tại các dòng họ, tư gia trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Nguồn tư liệu này cung cấp cho chúng ta những thông tin về nhân vật sự kiện liên quan đến các thời kỳ lịch sử của vùng đất, là tư liệu có giá trị để phục vụ quá trình nghiên cứu về văn hóa, lịch sử Huế qua các thời kỳ. Hiện nay, các tư liệu hiện nay đang lưu giữ tại các làng xã có nguy cơ hư hỏng và thất thoát cao, cùng với đó thì công tác tuyên truyền, phổ biến cũng như phát huy các giá trị tư liệu này chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Nhận thức được giá trị to lớn và nhiều mặt của các tư liệu Hán – Nôm quý còn lưu giữ trong các làng xã, tư gia thông qua các hoạt động điền dã, các hội thảo và hội nghị…, trong năm 2021 – 2022, các tổ chức, đơn vị văn hóa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung và Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng đã và đang tìm mọi phương thức để có thể bảo tồn và phát huy giá trị nguồn tư liệu này. Mặc dù chưa có nhiều điều kiện thuận lợi, song qua các đợt thực hiện, đơn vị đã đạt những kết quả tích cực, số tài liệu được số hóa ngày càng nhiều và đạt chất lượng, nhiều tư liệu quý hiếm bị hư hỏng nặng đã được phục chế; công tác nghiên cứu, xử lý và đưa vào khai thác phát huy giá trị của tư liệu ngày càng đẩy mạnh, trong đó đáng chú ý là đã tuyển chọn xuất bản được một số ấn phẩm phục vụ trưng bày, triển lãm, nghiên cứu, tìm hiểu về nguồn tài liệu có giá trị này.
Lãnh đạo các sở, ngành thuộc tỉnh cắt băng khai mạc triển lãm
Giám đốc Thư viện Tổng hợp tỉnh cho biết: Trong 2 năm qua, Thư viện đã thực hiện số hóa với hơn 71.497 trang tài liệu tương ứng với 1440 đầu tài liệu. Tổng số trang tài liệu Hán Nôm mà Thư viện Tổng hợp tỉnh đã số hóa từ năm 2009 đến nay là hơn 417.955 trang tư liệu tương ứng với 5.211 đầu với các thể loại như: Sắc phong, địa bạ, bằng cấp, gia phả, văn tế và các văn bản khác.
Triển lãm giới thiệu đến người xem hơn 120 tư liệu Hán – Nôm quý hiếm là các sắc phong, bằng cấp được phục chế. Đó là số ít trong số hàng trăm ngàn tư liệu Hán – Nôm quý còn lưu giữ trong các làng xã, tư gia… được Thư viện Tổng hợp tỉnh sưu tầm, số hóa và xử lý để đưa vào khai thác và phát huy giá trị.
Trong chương trình Khai mạc triển lãm, Thư viện Tổng hợp tỉnh đã trao Giấy chứng nhận cùng đĩa lưu trữ dữ liệu Hán – Nôm đã được số hóa trong thời gian 2 năm qua tại các dòng họ tư gia thuộc các làng xã trên địa bàn.
Triển lãm diễn ra đến ngày 31/12 tại tầng 1 và tầng 2 Thư viện Tổng hợp tỉnh (29A đường Lê Quý Đôn, phường Phú Hội, thành phố Huế).
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Phan Thanh Hải phát biểu tổng kết Hội nghị
Cũng trong cùng ngày, Thư viện Tổng hợp tỉnh cũng đã tổ chức Hội nghị sơ kết đánh giá những kết quả đạt được trong 02 năm sưu tầm, số hóa, bảo quản, phục hồi và phát huy giá trị tư liệu Hán – Nôm. Tại Hội nghị, với 11 bài tham luận của các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, nhà khoa học và các nội dung thảo luận tại hội nghị xoay quanh các nội dung: Đánh giá tổng quan số liệu được sưu tầm số hóa; thực trạng và những thuận lợi, khó khăn trong quá trình tiếp cận nguồn tư liệu Hán Nôm ở các dòng họ, tư gia trên địa bàn Thừa Thiên Huế; những giá trị và sự liên kết của nguồn tư liệu Hán – Nôm đến các lĩnh vực lịch sử, văn hóa, kinh tế, chính trị; giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, phát huy giá trị tư liệu Hán – Nôm trong bối cảnh hiện nay…
Quang cảnh Hội nghị sơ kết 2 năm sưu tầm số hóa tài liệu Hán – Nôm
Thanh Phong