Trong những năm gần đây từ khi Luật Thư viện có hiệu lực thi hành, các hoạt động về văn hóa đọc ngày càng phát triển, các chương trình như: “Sách hóa nông thôn”, “Tủ sách gia đình”, “Trạm đọc”… là một số chương trình hướng người dân hình thành và lan tỏa thói quen đọc sách.
Tận dụng tối đa cơ sở vật chất, hạ tầng có sẵn
Ngày 25 tháng 02 năm 2022, tại thôn Như Lân, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên đã diễn ra Lễ ra mắt “Nhà văn hóa và Không gian văn hóa đọc cộng đồng”.
Nhà văn hóa thôn Như Lân được xây dựng năm 1957, trải qua hơn 60 năm, nhiều phần của tòa nhà đã bị xuống cấp. Trụ sở được bà con trong thôn sử dụng làm nơi hội họp là chủ yếu. Đến nay, qua ý tưởng thiết kế, cải tạo, tích hợp đưa sách vào không gian nhà văn hóa, Công ty Cổ phần Văn hóa và Giáo dục Tân Việt đã trang bị khoảng 3.000 – 5.000 đầu sách khác nhau với đa dạng thể loại (từ sách thiếu nhi, tâm lý, kỹ năng sống, truyện truyền cảm hứng, kinh doanh…) từ các đơn vị xuất bản uy tín, phục vụ nhu cầu của mọi đối tượng. Ngoài ra, không gian đọc rộng rãi, thoáng mát cũng là điểm mấu chốt tạo điều kiện thuận lợi cho bà con địa phương có thể tiếp cận sách dễ dàng hơn.
Việc thiết kế lại nhà văn hóa thành không gian tri thức là một ý tưởng mang nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Một mặt có thể tận dụng tối đa nguồn lực đầu tư của nhà nước, mặt khác nâng cao dân trí, hiểu biết của người dân địa phương. Dự án “Nhà văn hóa và Không gian văn hóa đọc cộng đồng” sẽ là một tiền đề lớn, giúp cho cộng đồng nhận thức được tầm quan trọng của sách, tri thức trong đời sống mỗi cá nhân.
“Ở lứa tuổi nào chúng ta cũng cần phát triển bản thân, trang bị tri thức. Sự hiểu biết của con người luôn có hạn, mà tri thức thì luôn bao la, nhiều kiến thức mới sẽ thay đổi liên tục. Nếu không học, không đọc chúng ta sẽ trở nên lỗi thời” Chia sẻ của bà Nguyễn Kim Thoa – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Văn hóa và Giáo dục Tân Việt.
Ông Nguyễn Đức Hồng, Chủ tịch UBND Xã Long Hưng cho biết, trước đây nhà văn hóa thôn Như Lân chủ yếu sử dụng để họp các vấn đề của thôn. Tuy nhiên công trình xây dựng mấy chục năm đã xuống cấp. Khi được đầu tư chỉnh trang, nhà văn hóa vừa là nơi sinh hoạt cộng đồng vừa là không gian đọc sách với hơn 6.000 đầu sách hay, sách quý góp phần nâng cao dân trí cho bà con trong thôn và khu vực xung quanh.

Các đại biểu tham dự Lễ ra mắt Nhà văn hóa và Không gian văn hóa đọc cộng đồng
Tiếp tục nhân rộng mô hình
Với mục tiêu tiếp tục nhân rộng mô hình ra 300 điểm Nhà văn hóa và Không gian văn hóa đọc cộng đồng trong thời gian tới, bà Nguyễn Kim Thoa – CEO Tân Việt Books chia sẻ: Đặt ra con số như vậy là tạo áp lực để cố gắng hơn nữa trong việc lan tỏa văn hóa đọc tới cộng đồng. Chúng tôi sẽ cùng chính quyền địa phương thành lập ban quản lý cho mỗi nhà văn hóa với ít nhất từ 4 đến 5 cán bộ. Chúng tôi sẽ đào tạo, hướng dẫn và đồng hành cùng địa phương để cải tạo, duy trì hoạt động thường xuyên và hữu ích, sẽ đồng hành cùng với các cơ quan quản lý Nhà nước phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
Một số hình ảnh Nhà văn hóa và Không gian văn hóa đọc cộng đồng thôn Như Lân


ATK.