Trong các yếu tố tác động đến sự phát triển của văn hóa đọc, hoạt động xuất bản đóng một vai trò quan trọng. Không có một số lượng sách phong phú và có chất lượng được xuất bản thì không thể nói tới phát triển văn hóa đọc. Vì vậy, tại nhiều quốc gia, số lượng sách được xuất bản hàng năm đã được xác định là một chỉ số quan trọng đánh giá trình độ phát triển văn hóa nói chung và văn hóa đọc nói riêng. Sinh thời, Hồ Chủ tịch đã đưa ra một nhận định: “Số sách vở nhiều hay ít cũng chứng tỏ trình độ văn hoá của một dân tộc thấp hay cao”.
Đồng chí Võ Văn Thưởng và đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa trao biểu trưng vinh danh cho các cán bộ lão thành, có nhiều thành tích, cống hiến cho ngành xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam (Nguồn ảnh: nhandan.vn).
70 năm qua, ngành xuất bản Việt Nam đã không ngừng phát triển và đóng góp một phần to lớn vào phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam và vai trò quan trọng trong tiến trình xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc
Hoạt động xuất bản góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc
Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các cơ chế, chính sách phát triển hoạt động xuất bản đã được hình thành và được thể hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật. Sứ mệnh của hoạt động xuất bản đã được quy định trong Luật Xuất bản và một số văn bản có liên quan.
Điều 3 Luật Xuất bản (số 19/2012/QH13, có hiệu lực từ ngày 1-7-2013) đã xác định: “Hoạt động xuất bản thuộc lĩnh vực văn hóa, tư tưởng nhằm phổ biến, giới thiệu tri thức thuộc các lĩnh vực của đời sống xã hội, giá trị văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân, nâng cao dân trí, xây dựng đạo đức và lối sống tốt đẹp của người Việt Nam, mở rộng giao lưu văn hóa với các nước, phát triển kinh tế – xã hội, đấu tranh chống mọi tư tưởng và hành vi làm tổn hại lợi ích quốc gia, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.”
Quyết định số 115/QĐ-TTg ngày 16/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã nêu rõ quan điểm: “Phát triển hoạt động xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm đáp ứng nhu cầu về xuất bản phẩm của nhân dân, đóng góp tích cực vào việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Với việc thực thi Luật Xuất bản và Quy hoạch phát triển xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm, ngành xuất bản đã tích cực phổ biến, giới thiệu tri thức thuộc các lĩnh vực của đời sống xã hội, giá trị văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại, đóng góp một phần quan trọng trong việc xây dựng văn hóa và con người Việt Nam. Số lượng sách xuất bản hàng năm đã đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người đọc, góp phần tích cực vào việc tuyên truyền phổ biến đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao dân trí, đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân.
Nhờ có sự đổi mới căn bản về hoạt động xuất bản và công tác phát hành, trong những năm qua ngành xuất bản vẫn giữ được sự ổn định và có sự tăng trưởng cả về số đầu sách và số bản. Nếu như trong suốt 9 năm kháng chiến, ngành xuất bản mới chỉ xuất bản được 8.687.000 bản sách (3) thì đến nay số lượng sách được xuất bản hàng năm đã tăng trưởng hơn 40 lần. Chỉ trong vòng 10 năm gần đây (từ năm 2012 đến năm 2021) số lượng xuất bản phẩm đã tăng gấp 2 lần mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch COVID-19: Từ 16.500 đầu sách với gần 190 triệu bản (năm 2012) đã tăng lên 32.948 đầu sách với gần 400.610.118 bản (năm 2021). Chính nguồn sách xuất bản phong phú này đã thể hiện trình độ văn hóa của dân tộc ta được nâng cao và phát triển hàng năm.
Hoạt động xuất bản với với những đóng góp trong phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam
Công tác xuất bản trong nhiều năm qua đã gắn liền với việc phát triển văn hóa đọc. Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 25 tháng 8 năm 2004 của Ban bí thư Trung ương Đảng xác định: “Chăm lo phát triển nhu cầu văn hóa đọc của các tầng lớp nhân dân, tổ chức và phát triển các lực lượng, mạng lưới phát hành xuất bản phẩm đáp ứng đầy đủ, đúng đối tượng và địa bàn, đặc biệt quan tâm vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và miền núi… Đến năm 2010, phấn đấu đưa sách đến cấp huyện và đưa sách đến phần lớn các xã để đạt chỉ tiêu 6 bản sáchcủa tác giả ngườicủa tác giả năm. Tập trung củng cố và phát triển hệ thống thư viện, các loại phòng đọc, trước hết là ở cơ sở…”
Nội dung và chất lượng xuất bản phẩm đã đáp ứng được nhu cầu đọc của các độc giả. Thực tế đã chứng minh, ngành xuất bản sách đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển văn hóa đọc. Ngành xuất bản và phát hành sách phát triển sẽ là nền tảng, là cơ sở cho phát triển văn hóa đọc. Mối quan hệ giữa xuất bản và văn hóa đọc là mối quan hệ biện chứng: khi ngành xuất bản phát triển, nhiều sách hay, sách đẹp với nhiều định dạng khác nhau: sách in, sách điện tử, sách nói, sách đa phương tiện được phát hành đến tay người đọc, sẽ tạo sự hứng thú, say mê đọc sách, làm tiền đề thúc đẩy văn hóa đọc phát triển.
Gần đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức được giải thưởng sách hay sách đẹp có ý nghĩa hàng năm. Trước đó Hội Xuất bản Việt Nam đã có sáng kiến tổ chức hoạt động này. Giải thưởng Sách quốc gia đã vinh danh nhiều cuốn sách hay, sách đẹp. Tuy nhiên, giải thưởng chỉ là bước đệm cho chuỗi hành trình khó nhọc tiếp theo để sách đến được tay nhiều độc giả. Có thể nhận thấy: Giải thưởng Sách quốc gia không chỉ là dịp tôn vinh các cuốn sách có giá trị cao về nội dung, tư tưởng, thẩm mỹ mà còn tạo nên hiệu ứng, sự quan tâm, chú ý của người đọc thông qua công luận.
“Hoàng Việt nhất thống dư địa chí” – Sách giải A Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ năm 2022 (Nguồn ảnh: nhandan.vn)
Bên cạnh đó, những năm qua, ngành xuất bản đã có nhiều chương trình phối hợp chặt chẽ với ngành thư viện thông qua việc tổ chức nhiều sự kiện tôn vinh văn hóa học, bồi dưỡng hình thành tình yêu đọc sách. Các hoạt động khuyến đọc và cung cấp xuất bản phẩm đã được tổ chức dưới nhiều hình thức: trực tiếp và trực tuyến tạo ra một môi trường đọc thân thiện, hấp dẫn. Nhờ đó văn hóa đọc đã không ngừng được lan tỏa phát triển. Những ngày hội sách và văn hóa đọc thu hút hàng vạn người tham gia. Không chỉ dừng lại ở tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật và Nhà nước, phản ánh chân thực, sinh động công cuộc xây dựng đất nước và đời sống của nhân dân thông qua những tác phẩm có giá trị về khoa học, nghệ thuật, có tư tưởng lành mạnh và giàu tính nhân văn, bạn đọc đã được tiếp cận với tinh hoa của nền văn hóa dân tộc và của các nền văn hóa khác trên toàn thế giới.
Quan hệ hợp tác với các nước trên thế giới trong phát triển văn hóa đọc, nghiên cứu, trao đổi và giao lưu nhằm quảng bá, giới thiệu những tác phẩm tiêu biểu, có giá trị của Việt Nam với độc giả khắp các quốc gia, đồng thời chọn lựa, giới thiệu đến bạn đọc trong nước những tinh hoa của khoa học, văn học nghệ thuật của thế giới.
Vai trò và đóng góp của các nhà xuất bản thuộc Bộ VHTTDL
Trong tiến trình phát triển 70 năm của ngành xuất bản, các nhà xuất bản thuộc Bộ VHTTDL cũng đóng góp một phần không nhỏ, có thể kể đến: Nhà Xuất bản Thế giới, Nhà Xuất bản Văn hoá dân tộc, Nhà Xuất bản Văn học, Nhà Xuất bản Thể thao và Du lịch và trước đây còn có Nhà Xuất bản Văn hóa-Thông tin.
Ra đời trong những ngày tháng khói lửa của cuộc kháng chiến chống Pháp, trưởng thành qua các thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc và công cuộc xây dựng Tổ quốc XHCN, hơn 70 năm qua, Nhà Xuất bản Văn học luôn đồng hành cùng những biến động của đất nước, hoà chung nhịp thở của đời sống nhân dân và phong trào văn nghệ cả nước. Nhà Xuất bản Văn học đã công bố nhiều tác phẩm văn học có giá trị từ cổ đại đến hiện đại của Việt Nam và các nước trên thế giới, phục vụ cho đội ngũ cán bộ hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, sáng tác, phê bình văn học nghệ thuật và đông đảo các tầng lớp bạn đọc nhằm thỏa mãn nhu cầu tiếp nhận tri thức, nâng cao văn hóa và làm phong phú hơn đời sống tinh thần, góp phần hình thành phát triển nhân cách con người mới, xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Với những đặc thù riêng, Nhà Xuất bản Văn hoá dân tộc đã xuất bản, in, phát hành các xuất bản phẩm về: văn hoá, nghệ thuật của các dân tộc thiểu số; đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là chính sách dân tộc và văn hoá dân tộc, nhằm bảo tồn và phát triển các giá trị văn hoá truyền thống của cộng đồng các dân tộc, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và góp phần xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; phổ biến kiến thức để nâng cao dân trí cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên các mặt chính trị, pháp luật, văn hoá – xã hội, kinh tế, khoa học – kỹ thuật; tuyển chọn giới thiệu những tinh hoa văn hóa các dân tộc trên thế giới nhằm nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Nhà xuất bản Thế giới đã tích cực xuất bản, in ấn, phát hành các xuất bản phẩm bằng tiếng nước ngoài, song ngữ hoặc tiếng Việt để phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại của Đảng và Nhà nước và giao lưu, hợp tác giữa Việt Nam với thế giới.
Mỗi nhà xuất bản, tùy thuộc vào chức năng nhiệm vụ của mình đều có những đóng góp tích cực không chỉ bảo tồn, phát huy và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, mà còn giúp cho người đọc mở mang hiểu biết, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại và dân tộc.
Phương Linh (tổng hợp)