Sáng 31/10, tại trụ sở Bộ VHTTDL, Hội đồng thẩm định Đề án “Xây dựng mô hình thư viện cơ sở phục vụ nhân dân vùng trung du và miền núi Bắc Bộ giai đoạn 2025 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Đề án) do Bộ VHTTDL thành lập đã tiến hành họp thẩm định trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Hội đồng thẩm định Đề án do TS. Nguyễn Thế Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ VHTTDL – Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.
Ngày 01/8/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 96/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó Bộ VHTTDL được Chính phủ phân công chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng Đề án “Xây dựng mô hình thư viện cơ sở phục vụ nhân dân vùng trung du và miền núi phía Bắc Bộ giai đoạn 2025 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Tại cuộc họp, bà Kiều Thúy Nga – Vụ trưởng Vụ Thư viện, Trưởng Ban Soạn thảo Đề án cho biết, mục tiêu của Đề án nhằm phát triển thư viện cơ sở tại 14 tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình.
Bà Kiều Thúy Nga – Vụ trưởng Vụ Thư viện, Trưởng Ban Soạn thảo Đề án
báo cáo tóm tắt quá trình thực hiện, mục tiêu, nội dung chính của Đề án.
báo cáo tóm tắt quá trình thực hiện, mục tiêu, nội dung chính của Đề án.
Qua đánh giá của Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập Đề án, khu vực trung du và miền núi phía Bắc hiện nay có nhiều mô hình thư viện, tủ sách cơ sở: thư viện công cộng cấp xã, tủ sách xã, phường, thị trấn, tủ sách pháp luật, thư viện cộng đồng, không gian đọc và phòng đọc cơ sở. Ngoài ra còn có các tủ sách do Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng quản lý và có phục vụ cộng đồng.
Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng đều nhất trí với giải pháp sát nhập các mô hình thư viện, tủ sách cơ sở do UBND xã quản lý để có thể tập trung được các nguồn lực của các đơn vị thuộc các bộ, ngành khác. Đồng thời, thành viên Hội đồng thẩm định đều nhất trí với nội dung của dự thảo Đề án và khẳng định, Đề án đã nêu bật được tính cấp thiết của việc xây dựng mô hình thư viện cơ sở phục vụ nhân dân vùng trung du, miền núi Bắc Bộ; thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược trong phát triển mô hình thư viện cơ sở, văn hoá đọc tại 14 tỉnh thuộc khu vực miền núi Bắc Bộ. Các thành viên Hội đồng thẩm định đều nhất trí cao với mục tiêu chung, các mục tiêu cụ thể (5 chỉ tiêu cụ thể theo từng giai đoạn) và giải pháp của Dự thảo Đề án (5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp thực hiện).
Ông Nguyễn Thế Hùng – Chủ tịch Hội đồng thẩm định và các thành viên tại buổi họp
Đề án xác định thư viện công cộng cấp tỉnh giữ vai trò nòng cốt trong việc duy trì bền vững hoạt động của thư viện cơ sở. Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cung ứng sản phẩm, dịch vụ thông tin thư viện tại cơ sở cũng sẽ là một trong những nhiệm vụ được đẩy mạnh thực hiện trong giai đoạn tới.
TS. Nguyễn Thế Hùng – Chủ tịch Hội đồng thẩm định đề nghị Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập cần phải làm rõ và bổ sung thêm các thông tin để làm rõ hơn về các ưu, nhược điểm của từng mô hình thư viện; cần chú ý đến tính pháp lý; đồng thời cần phải nghiên cứu để đưa ra các chỉ tiêu cụ thể một cách hợp lý. Ông cũng đề nghị Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập Đề án nghiên cứu các ý kiến của các đơn vị bộ, ngành, địa phương và hoàn thiện thêm nội dung của Đề án báo cáo Lãnh đạo Bộ trình Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Sau thời gian lấy ý kiến góp ý dự thảo Đề án, Ban Soạn thảo đã nhận được 22 ý kiến góp ý từ các Bộ ngành; 55 ý kiến từ các tỉnh, thành phố, địa phương; 9 ý kiến từ các đơn vị thuộc Bộ.
T.T