Trẻ có thói quen đọc, được hiểu là khi trẻ đọc một cách thường xuyên, tự nguyện, thích thú. Để giúp trẻ hình thành và phát triển thói quen đọc, cả giáo viên trong trường và cha mẹ trong gia đình đều đóng vai trò quan trọng.
Bên cạnh việc nâng cao năng lực cho nhà trường trong quản lý thư viện, thực hiện tốt các kỹ thuật tiết đọc thư viện, khi triển khai chương trình thư viện thân thiện tại các trường tiểu học ở Việt Nam, Room to Read (RtR) đã thiết kế lồng ghép hoạt động giúp cha mẹ hỗ trợ con đọc sách tại nhà và coi đó như là một hoạt động quan trọng để giúp phát triển thói quen đọc cho trẻ.
Trong thiết kế chương trình, từ năm thứ hai khi thực hiện dự án, RtR đẩy mạnh nội dung huy động sự tham gia của gia đình và cộng đồng trong hoạt động thư viện, trong đó môt nội dung quan trọng là hướng dẫn cho cha mẹ các hỗ trợ con đọc tại nhà. RtR tổ chức tập huấn cho Ban giám hiệu, giáo viên các trường dự án về nội dung, cách thức chuyển tải thông điệp đến cha mẹ trong các buổi họp phụ huynh, những sự kiện khuyến đọc… để giúp cha mẹ biết cách hỗ trợ con đọc tại nhà.
Việc đầu tiên mà cha mẹ có thể hỗ trợ con đọc tại nhà là tạo KHÔNG GIAN VÀ THỜI GIAN ĐỌC cho con. Cha mẹ có thể tạo một môi trường đọc tại nhà như bàn học, góc nhà, hay bất cứ vị trí nào trong nhà đảm bảo đủ ánh sáng và an toàn. Tiếp theo là cha mẹ có thể dành một khoảng thời gian nhất định trong ngày cho con tập trung vào việc đọc, ví dụ như sau khi ăn cơm, sau khi học bài, trước khi đi ngủ… Việc có một môi trường an toàn và có một thời gian đọc nhất định trong ngày là những việc đơn giản cha mẹ có thể làm để giúp con phát triển thói quen đọc bởi việc đọc được lặp đi, lặp lại trong một môi trường quen thuộc.
Lời nói của cha mẹ có ảnh hưởng lớn đến việc phát triển thói quen đọc của con. Cha mẹ có thể nói NHỮNG CÂU NÓI KHUYẾN KHÍCH, ĐỘNG VIÊN khi con mang sách về nhà, ví dụ như “Con mang cuốn sách gì về nhà đấy?”, “Đọc xong rồi kể lại cho mẹ/cha nghe” hay “Cuốn sách này chắc hay, đọc xong chia sẻ cho các bạn ở lớp cùng đọc…”. Khi trẻ đang đọc sách hoặc đọc sách xong, cha mẹ có thể giúp con có điều kiện CHIA SẺ VỀ CUỐN SÁCH đã đọc, nhắc về cách bảo quản sách. Cha mẹ có thể sử dụng những câu hỏi gợi mở để giúp trẻ chia sẻ về cuốn sách đã đọc như “Con có thích cuốn sách vừa đọc không? Nội dung cuốn sách nói về điều gì? Điều gì làm con thích cuốn sách đó? Nhân vật nào ấn tượng với con? Cuốn sách con vừa đọc có nội dung nào liên quan đến bài học của con ở trường không?”… Cha mẹ cũng nhắc con về việc bảo quản sách và tuân thủ nội quy trong thư viện, ví dụ như: Lật sách nhẹ nhàng để các bạn khác có sách dùng; Con để sách cẩn thận, đừng xé sách; Con mang sách lại trả thư viện đúng lịch để các bạn khác đọc…
Ngoài những hướng dẫn chi tiết về việc tạo không gian, thời gian đọc cho con, những lời cha mẹ nên nói khi con mang sách về, khi con đang đọc sách hoặc đọc sách xong, RtR cũng hướng dẫn và hỗ trợ nhà trường để giúp 100% các trường tham gia dự án có đại diện cha mẹ học sinh đồng hành với nhà trường trong việc cải tạo thư viện, ngày khánh thành thư viện, ngày đọc sách gia đình… Điều này vừa giúp phát triển thói quen đọc sách cho học sinh vừa phát triển văn hóa đọc không chỉ ở trường mà còn ở tại công đồng.
Phụ huynh tại Cà Mau đọc sách cùng con
Học sinh Cà Mau đọc sách trên đường đến lớp
Ảnh: Eric Baker, Bittersweet
Bài: Mai Thị Việt Thắng