Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá toàn diện công tác bảo tồn, số hóa, sưu tầm, phục hồi và phát huy các giá trị di sản Hán – Nôm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian qua.
Chiều ngày 30/12, tại Hội trường Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hán – Nôm ở Thừa Thiên Huế”. Hội thảo có sự tham dự và chủ trì của ông Phan Thanh Hải – Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế; Bà Hoàng Thị Kim Oanh – Giám đốc Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế và các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa tham gia thảo luận, góp ý.
Bà Hoàng Thị Kim Oanh – Giám đốc Thư viện tỉnh Thừa Thiên Huế
phát biểu đề dẫn Hội thảo
BTC Hội thảo đã nhận được 25 bài tham luận với các nội dung như: Thành tựu và hướng tiếp cận để số hóa tài liệu Hán Nôm tại tỉnh Thừa Thiên Huế; Di sản Hán Nôm Huế, một kho tàng tri thức cần được sưu tầm, bảo vệ và phát huy; Đôi điều suy nghĩ về giá trị di sản Hán Nôm Huế; Tư liệu hóa di sản mộc bản và bảo tồn mộc bản Phật giáo Huế (qua nghiên cứu trường hợp kho mộc bản chùa từ đàm – thành phố Huế); Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế với công tác khai thác, bảo tồn và phát huy giá trị tư liệu Hán – Hôm…
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa tập trung thảo luận một số vấn đề chủ yếu, bao gồm: giá trị nội dung các văn bản Hán – Nôm hiện được bảo quản, thờ phụng trong các làng xã, dòng họ, gia đình; Di sản mộc bản Phật giáo; Thực trạng và giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hán – Nôm trong bối cảnh hiện nay; Công tác phối hợp tổ chức sưu tầm số hóa di sản Hán – Nôm giữa Thư viện Tổng hợp tỉnh với các đơn vị có liên quan…
Ông Phan Thanh Hải – Giám đốc Sở VHTT phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo
Đánh giá tổng kết Hội thảo, đồng chí Phan Thanh Hải nhấn mạnh: Với bề dày lịch sử hơn 700 năm kể từ khi “trở về” với Đại Việt, Thừa Thiên Huế nổi danh là vùng đất có mật độ di sản dày đặc, tích tụ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, trong đó có nguồn di sản Hán – Nôm phong phú và đa dạng. Đây là sợi dây liên kết giữa quá khứ với hiện tại, là nguồn tư liệu quan trọng giúp cho thế hệ hôm nay và mai sau có cơ hội tìm hiểu về cội nguồn lịch sử – văn hóa của dân tộc. Việc đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản này trong giai đoạn hiện nay là việc làm hết sức cần thiết, góp phần thiết thực để xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trung tâm văn hóa đặc sắc, một đô thị di sản đặc thù của Việt Nam. Đồng thời thể hiện tấm lòng trân trọng đối với di sản quý giá của các bậc tiền nhân đã để lại, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong tiến trình hội nhập và phát triển.
Các ý kiến chia sẻ tại Hội thảo có ý nghĩa thiết thực, trực tiếp xoay quanh các vấn đề mà Hội thảo đã đề ra, Ban Tổ chức Hội thảo đã tiếp thu các ý kiến góp ý của các đại biểu, và tiếp tục tham mưu các giải pháp để triển khai thực hiện có hiệu quả, nhất là làm tốt công tác để phục vụ khai thác và phát huy có hiệu quả các di sản tư liệu Hán – Nôm, đưa di sản Hán – Nôm đến với cộng đồng trong thời gian tới.
Thế Tưởng (sưu tầm)
nguồn: thuvien.thuathienhue.gov.vn