Sáng 28/12 tại Hà Nội, Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị tổng kết Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” và trao Giải thưởng phát triển văn hóa đọc năm 2020. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Hoàng Thị Hoa; Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa, Văn nghệ – Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thị Phương Lan; đại diện các Bộ GD&ĐT, Bộ TT&TT, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Khoa học và Công Nghệ, Bộ Tư pháp, đại diện lãnh đạo Cục, Vụ, đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL; đại diện Lãnh đạo các Sở VHTTDL; Sở VH&TT; Sở TTTT; Sở GD&ĐT, Lãnh đạo thư viện tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương; một số thư viện trường đại học, đại diện một số nhà xuất bản, nhà sách tại Hà Nội, các tập thể, cá nhân đạt Giải thưởng phát triển văn hóa đọc năm 2020.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy Trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ VHTTDL cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong phát triển văn hóa đọc
Báo cáo tại Hội nghị, bà Vũ Dương Thúy Ngà – Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) cho biết: Qua hơn 3 năm triển khai, Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã khẳng định vai trò và ý nghĩa của văn hóa đọc đối với đời sống xã hội và mỗi con người Việt Nam. Đặc biệt năm 2019, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Thư viện và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 – đây là một sự kiện trọng đại có ý nghĩa to lớn đối với ngành thư viện, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động thư viện và phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam.
Quá trình triển khai Đề án đã nhận được sự ủng hộ, vào cuộc chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, các ngành trong việc xây dựng kế hoạch và thực hiện triển khai, tạo nên diện mạo mới cho văn hóa đọc nước nhà. Nhiều Bộ ngành, địa phương đã thực sự quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, nguồn lực thông tin; kinh phí cho phát triển thư viện, triển khai nhiều chương trình đa dạng, nhiều hình thức đổi mới, sáng tạo. Công tác thông tin tuyên truyền được triển khai đồng bộ, tích cực trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền cổ động trực quan, tuyên truyền lồng ghép thông qua các hình thức khác, qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường và toàn xã hội về vai trò và tầm quan trọng của văn hóa đọc. Môi trường đọc đã được cải thiện, mạng lưới thư viện không ngừng phát triển, đã có hơn 3.000 thư viện phòng đọc sách cộng đồng. Phương tiện để phục vụ được trang bị, nhờ thế mà các chỉ số về hoạt động thư viện và phát triển văn hóa nói chung đã có sự tăng trưởng đáng kể so với giai đoạn trước. Trung bình các chỉ số đều tăng từ 10% trở lên, trong đó chỉ số về lượt bạn đọc đến thư viện có sự gia tăng đáng kể. Điều này cho thấy các hoạt động thực hiện Đề án đã thực sự phát huy hiệu quả đối với cộng đồng.
Công tác phục vụ bạn đọc được các thư viện chú trọng, từng bước được nâng cao, tăng cường việc xây dựng thói quen và trang bị kỹ năng đọc và phương pháp đọc, mở các lớp hướng dẫn kỹ năng tìm tin và phương pháp đọc phù hợp đến từng nhóm đối tượng, trong đó chú trọng đến sinh viên và học sinh; đổi mới, đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin nhằm thu hút người dân đến sử dụng nguồn tài liệu, sản phẩm và dịch vụ thư viện. Bên cạnh đó, Đề án còn hướng đến phục vụ các đối tượng người sử dụng đặc biệt như: trẻ em, người khuyết tật, người khiếm thị vươn lên vượt khó; phạm nhân cũng được quan tâm nhiều hơn đã giúp những người một thời lầm lỡ tìm được về nẻo thiện, đẩy mạnh tu dưỡng cải tạo để sớm hoàn lương với cộng đồng.
Số lượng các xuất bản phẩm được xuất bản hàng năm cũng được gia tăng. Nếu so sánh với năm 2017, số lượng sách xuất bản tăng hơn 100 triệu bản; các hình thức xuất bản cũng phong phú và hấp dẫn hơn, tổng số bản sách/ đầu người dân được nâng lên 4,6 bản/người; số đầu sách của Việt Nam đứng đầu khu vực Đông Nam Á.
Bà Vũ Dương Thúy Ngà – Vụ trưởng Vụ Thư viện Bộ VHTTDL báo cáo tổng kết Đề án
Một trong những dấu ấn trong triển khai Đề án là Cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc” do Bộ VHTTDL tổ chức. Cuộc thi đã trở thành một hoạt động được học sinh sinh viên trong cả nước hưởng ứng. Năm 2019, Cuộc thi đã thu hút hơn 536.000 học sinh, sinh viên, năm 2020 thu hút hơn 1 triệu học sinh, sinh viên tham gia. Sự kiện đã góp phần lan tỏa tình yêu đọc sách, phát huy trí tưởng tượng, sự sáng tạo và chia sẻ các phương pháp đọc hiệu quả, các biện pháp phát triển văn hóa đọc phù hợp với các vùng miền, lứa tuổi và các đối tượng khác nhau.
Năm 2020 Vụ Thư viện đã phối hợp với Hội người mù Việt Nam tổ chức 02 cuộc thi dành cho người khiếm thị nhân ngày Gia đình Việt Nam với chủ đề “Gia đình đọc sách gắn kết yêu thương” và nhân Tuần lễ học tập suốt đời với chủ đề “Đọc và tự học suốt đời theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Các cuộc thi này đã thu hút nhiều người khiếm thị trong cả nước tham gia, tạo động lực vượt qua số phận.
Thực hiện phương châm của Đảng và Nhà nước “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, Bộ VHTTDL tiếp tục mở rộng triển khai các chương trình phối hợp công tác với Bộ, ngành, tổ chức liên quan nhằm mục tiêu đưa ánh sáng tri thức đến với cộng đồng, chú trọng đến các khu vực có điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn và các đối tượng bạn đọc đặc biệt như trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, phạm nhân… Trong 02 năm (2019 – 2020) Bộ VHTTDL (Vụ Thư viện) đã tổ chức ký kết Chương trình phối hợp công tác với Hội Người mù Việt Nam nhằm phát triển văn hóa đọc, phục vụ học tập suốt đời cho người khiếm thị (2019) và 4 chương trình phối hợp công tác Quỹ Đổi mới giáo dục phổ thông và 3 nhà xuất bản, nhà sách.
Trong giai đoạn 2017-2020, Bộ VHTTDL đã chú trọng chỉ đạo các thư viện trong cả nước triển khai đổi mới, đa dạng hóa các phương thức phục vụ, cải cách thủ tục và hoạt động cấp thẻ thư viện và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống thư viện để phục vụ nhu cầu học tập suốt đời và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, đáp ứng với các yêu cầu đặt ra trong tình hình mới và xu thế phát triển. Nhiều Hội nghị, hội thảo, xây dựng thí điểm mô hình văn hóa đọc được triển khai, tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng phát triển văn hóa đọc cho người làm công tác thư viện trong hệ thống thư viện công cộng và thư viện các trường Đại học với nhiều nội dung được đổi mới phù hợp với tình hình thực tế giúp cho các học viên có thêm những kiến thức mới áp dụng vào công tác thư viện và phát triển văn hóa đọc.
Thực hiện chủ trương, nhiệm vụ xã hội hóa được giao trong Đề án, Bộ VHTTDL đã phát động nhiều chương trình nhằm huy động nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cùng chung tay cho phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Tiêu biểu là Dự án Xe ô tô thư viện lưu động “Ánh sáng tri thức” đã trao tặng 44 xe ô tô thư viện lưu động cho các tỉnh thành phố để hỗ trợ phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, đem lại nhiều cơ hội cho việc đọc sách của người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người khuyết tật không có cơ hội đến thư viện được tiếp cận với sách báo, với ánh sáng tri thức, Chương trình “Cùng bạn đọc sách – Nâng tầm trí tuệ Việt”… đã huy động và trao tặng hàng triệu cuốn sách, trang thiết bị thư viện cho các thư viện trường học, thư viện tư nhân, thư viện cộng đồng, không gian đọc có phục vụ cộng đồng; đặc biệt là các chương trình tặng sách, thiết bị trường học cho các trường trên địa bàn tỉnh Điện Biên, Hòa Bình, Quản Trị, Thừa Thiên Huế, Hà Giang; trao tặng sách và thiết bị chuyên dụng cho học sinh khiếm thị tại trường Nguyễn Đình Chiểu…
Tuy nhiên, theo báo cáo, việc thực hiện Đề án vẫn còn tồn tại một số khó khăn như: Nhận thức của một số địa phương, cơ quan, bộ, ngành cũng như một bộ phận người dân về vai trò của văn hóa đọc vẫn còn hạn chế, từ đó dẫn đến việc thiếu sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư cũng như sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan cho hoạt động phát triển văn hóa đọc. Kinh phí dành cho việc thực hiện Đề án chưa được bố trí đồng đều giữa các địa phương, bộ, ngành. Là thiết chế văn hóa giữ vai trò quan trọng, tiên phong trong việc phát triển văn hóa đọc nhưng một số thư viện vẫn còn thụ động, thiếu sự sáng tạo, đổi mới trong hoạt động, thiếu sự năng động trong kết nối đến cộng đồng, chưa cải thiện được chất lượng phục vụ, thiếu sức hấp dẫn, không thu hút được bạn đọc cũng như không đáp ứng được nhu cầu đọc và học tập suốt đời của người dân trên địa bàn. Khả năng đáp ứng, sản xuất các loại sách điện tử, sách nói,… của các nhà sách, nhà xuất bản vẫn còn hạn chế. Công tác số hóa tài liệu trong hệ thống thư viện tại nhiều nơi vẫn chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, việc thực hiện còn dàn chải, chưa được tập trung, thiếu tính đồng bộ và chuẩn hóa. Tỷ lệ sách giáo khoa xuất bản vẫn còn cao, sách kỹ năng sống còn hạn chế về số lượng và chất lượng, chất lượng sách vẫn chưa đảm bảo, còn nhiều sách xuất bản không có giá trị. Sự phối hợp giữa các ngành trong thực hiện Đề án chưa được quan tâm đúng mức, công tác báo cáo, thống kê còn nhiều bất cập, hạn chế…
Để tiếp tục triển khai Đề án văn hóa hóa đọc cho giai đoạn tiếp theo, Bộ Văn hoá Thể thao Du lịch đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có văn bản chỉ đạo và xác định các chỉ tiêu phát triển văn hóa đọc cho giai đoạn 2021-2030. Đồng thời, cần thiết phải triển khai sâu rộng chương trình “Chung tay phát triển văn hóa đọc – Nâng tầm trí tuệ Việt” với hạt nhân là chương trình “Cùng bạn đọc sách – Nâng tầm trí tuệ Việt”; Góc dành cho người tâm huyết với văn hóa đọc; Đọc sách cùng bạn tiếp tục được đẩy mạnh. Nhằm phát huy hơn nữa kết quả đã đạt được đồng thời khắc phục những khó khăn tồn tại, nhiều đại biểu tham dự Hội nghị cũng đóng góp ý kiến vào phương hướng tiếp tục thực hiện Đề án trong giai đoạn tới
Tại Hội nghị, Bộ VHTTDL đã tổ chức trao Giải thưởng Phát triển văn hóa đọc năm 2020 cho 15 tập thể và 9 cá nhân; trao bằng khen cho 10 tập thể và 8 cá nhân đã có thành tích trong thực hiện Đề án. Ngoài ra Vụ Thư viện cũng trao tặng tủ sách và máy tính cho một số thư viện địa phương và thư viện tư nhân.
Một số hình ảnh tại Hội nghị tổng kết:
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy và Bà Vũ Dương Thúy Ngà – Vụ trưởng Vụ Thư viện trao giải thưởng phát triển văn hóa đọc cho các tập thể
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy và Bà Vũ Dương Thúy Ngà – Vụ trưởng Vụ Thư viện trao giải thưởng phát triển văn hóa đọc cho các tập thể
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy và Bà Vũ Dương Thúy Ngà – Vụ trưởng Vụ Thư viện trao giải thưởng phát triển văn hóa đọc cho các cá nhân
Ông Nguyễn Quốc Phong người sáng lập Mái ấm Thiên Ân phát biểu tại Hội nghị
Bà Vũ Dương Thúy Ngà – Vụ trưởng Vụ Thư viện Bộ VHTTDL tặng sách cho một số thư viện tỉnh
Bà Vũ Dương Thúy Ngà – Vụ trưởng Vụ Thư viện Bộ VHTTDL
tặng máy tính và thiết bị đọc sách cho Mái ấm Thiên Ân
Quỳnh Dung