UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành Kế hoạch số 10/KH-UBND ngày 13/01/2022, Kế hoạch triển khai chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
Với mục tiêu chung là ứng dụng mạnh mẽ, toàn diện công nghệ thông tin, nhất là công nghệ số nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các thư viện và hình thành mạng lưới thư viện hiện đại; bảo đảm cung ứng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người sử dụng; thu hút đông đảo người dân quan tâm, sử dụng dịch vụ thư viện, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, UBND tỉnh Kiên Giang đã xác định đến năm 2025 có 100% thư viện công lập có vai trò quan trọng được Nhà nước ưu tiên đầu tư cùng với thư viện tỉnh Kiên Giang, thư viện huyện, thành phố hoàn thiện và phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, triển khai liên thông, chia sẻ tài nguyên và sản phẩm thông tin thư viện với các thư viện trong và ngoài nước; 80% thư viện chuyên ngành, thư viện các trường đại học, cao đẳng và trung cấp, 60 % thư viện huyện, thành phố, thư viện cơ sở giáo dục phổ thông,… có trang thông tin điện tử có khả năng cung cấp dịch vụ trực tuyến trên nhiều phương tiện truy cập; số hóa 70% tài liệu cổ, tài liệu quý hiếm, tài liệu nội sinh, công trình nghiên cứu khoa học trong các thư viện; 100% người làm công tác thư viện được đào tạo và đào tạo lại,…
Để thực hiện thành công các mục tiêu đề ra, UBND tỉnh Kiên Giang đề ra 8 nhiệm vụ và giải pháp, bao gồm: Nâng cao nhận thức, tăng cường tuyên truyền; Hoàn thiện cơ chế chính sách và các quy định của pháp luật; hoàn thiện và phát triển hạ tầng số; phát triển dữ liệu số các thư viện; Xây dựng và phát triển nền tảng số; Bảo đảm an toàn, an ninh mạng; Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Đẩy mạnh hợp tác.
Với mục tiêu phát triển hệ thống thư viện trên địa bàn tỉnh theo hướng hiện đại, đảm bảo phù hợp với chương trình chuyển đổi số ngành thư viện, UBND tỉnh Kiên Giang đặc biệt quan tâm đến việc phát triển hạ tầng số và phát triển dữ liệu số của các thư viện. Trong đó tập trung thúc đẩy các dự án số hóa tài liệu và tài nguyên, sản phẩm thông tin thư viện theo hướng mở, chú trọng tài nguyên giáo dục mở trong các thư viện. Cụ thể, đối với thư viện công cộng cấp tỉnh, và thư viện các huyện, thành phố thuộc tỉnh, UBND tỉnh Kiên Giang giao nhiệm vụ ưu tiên thu thập và số hóa tài liệu địa chí, tài liệu cổ, quý hiếm và bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học; Thư viện chuyên ngành cần ưu tiên số hóa tài liệu nội sinh, quý hiếm, tài liệu tham khảo, tài liệu có nhu cầu sử dụng cao; Thư viện lực lượng vũ trang nhân dân cần ưu tiên số hóa tài liệu quý hiếm, tài liệu về quân sự, an ninh, các đề tài chiến tranh cách mạng…; Thư viện các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và cơ sở giáo dục khác cần ưu tiên số hóa tài liệu tham khảo, học liệu, tài liệu nội sinh gắn với chương trình đào tạo. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Kiên Giang cũng khuyến khích các thư viện cộng đồng, thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng, các tổ chức, cá nhân cùng tham gia số hóa tài nguyên, sản phẩm thông tin thư viện.
Xác định mục tiêu đến năm 2030, hệ thống thư viện trên toàn tỉnh Kiên Giang tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển thư viện số, thực hiện liên thông ở mọi loại hình thư viện từ tỉnh đến cơ sở, bảo đảm cung ứng hiệu quả dịch vụ cho người sử dụng thư viện mọi nơi, mọi lúc.
Tính đến năm 2021, hệ thống thư viện công cộng tỉnh Kiên Giang bao gồm: 01 thư viện tỉnh, 13 thư viện huyện, thành phố, 145 thư viện và phòng đọc xã, phường, trên 100 phòng đọc sách cơ sở. Bên cạnh những thuận lợi, hệ thống thư viện công cộng tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về cơ sở vật chất và hạ tầng công nghệ thông tin, vốn tài liệu… Để hoàn thành mục tiêu đề ra về chuyển đổi số trong lĩnh vực thư viện, trong quá trình thực hiện đòi hỏi rất nhiều sự phối hợp, nỗ lực của các cấp, các ngành, đơn vị trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, từ đó phát triển ngành thư viện theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên thông tin thư viện mọi nơi, mọi lúc của người dân, góp phần xây dựng xã hội học tập, phát triển văn hóa đọc, nâng cao dân trí, khơi dậy khát vọng cống hiến, xây dựng địa phương, đất nước giàu mạnh trong mỗi người dân Kiên Giang.
Phong Vân