Danh nhân Nguyễn Huy Oánh (1713-1789), húy Xuân (có tên nữa là Sưởng), hiệu Lựu Trai, tự Kính Hoa, sinh ngày 17 tháng 9 năm Quý Tỵ, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 9 đời vua Lê Dụ Tông, tại làng Trường Lưu, xã Lai Thạch, huyện La Sơn (nay là xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Nguyễn Huy Oánh được triều đình ban tặng sắc phong Thần đền Thư viện vào tháng 7 thì đến tháng 10 năm 1783 lại được sắc phong thăng chức Đặc tiến vinh lộc Đại phu, Lễ bộ Thượng thư, kiêm Quốc Tử Giám Tế tửu (phụ trách việc học của quốc gia), tước Thạc Lĩnh bá.
Ông sinh ra trong một gia đình dòng dõi Nho gia, có nhiều thế hệ thi cử đậu đạt, làm quan trong triều. Tuổi nhỏ đã thông minh, học giỏi, thường đọc sách Nho giáo hàng ngày. Năm 20 tuổi thi Hương đã đỗ Giải nguyên khoa Nhâm Tý – niên hiệu Long Đức thứ nhất (1732). Đỗ Đình nguyên Đệ nhất giáp đệ tam danh (Thám hoa) khoa Mậu Thìn – Cảnh Hưng thứ 9 (1748) đời vua Lê Hiển Tông.
Ông có nhiều công lao to lớn với đất nước và được thể hiện qua việc nhận trọng trách quan chức ở những vị trí cao nhất triều đình: Thượng thư bộ Công, hai lần Thượng thư bộ Binh vào năm Nhâm Dần (1782) và Quý Mão (1783), rồi thăng Thượng thư bộ Lễ, kiêm Tế tửu Quốc Tử Giám. Triều đình còn đề nghị ông nhận chức Tham tụng (Tể tướng), nhưng ông dứt khoát không nhận và có làm bài khải từ chối việc nhận chức: Từ Tham tụng khải.
Là một tác gia lớn của dòng văn họ Nguyễn Huy và đất nước, Nguyễn Huy Oánh đã toản tu (khái quát, tu bổ biên soạn sách) 15 quyển Ngũ kinh, Tứ thư, Tính lý và là tác giả của các sách: Trường Lưu Nguyễn Thị (10 quyển), Hoàng hoa [thi tập] (2 quyển), Thạc Đình di cảo, Sơ học chỉ nam, Nhạc chương thi tập, Phụng sứ Yên Kinh (văn sử), Nguyễn Thám hoa thi tập, Quốc sử toản yếu, Phụng sử Yên Đài tổng ca, Tiêu tương bách vịnh…
Thám hoa Nguyễn Huy Oánh đã dựng trường dạy học ở phía Nam làng Trưởng Lưu và gọi là Trường học Phúc Giang Thư viện (gọi theo tên đoạn sông chảy qua địa phận xã Trường Lộc, quê hương họ Nguyễn Huy). Tới giữa thế kỷ thứ XVIII nơi đây đã thực sự trở thành trung tâm giáo dục đào tạo lớn của khu vực và trong nước. Trường nhanh chóng thu hút rất đông người theo học và đã đào tạo được nhiều người thi đỗ thi Hương, thi Hội, thi Đình với hàng trăm Sinh đồ, Hương cống và đặc biệt có trên 30 người đỗ Tiến sĩ.
Hiện dòng họ còn lưu bức trướng của các học trò mừng Nguyễn Huy Oánh về hưu lại ra làm quan vào năm 1778. Thống kê qua sáu khoa thi Hội: Bính Tuất 1766, Nhâm Thìn 1772, Ất Mùi 1775, Mậu Tuất 1778, Kỷ Hợi 1779, Tân Sửu 1781) với 63 người đỗ Tiến sĩ, trong đó đã có 24 học trò của Nguyễn Huy Oánh. Đặc biệt khoa Tân Sửu năm 1781 chỉ có hai người đậu thì đều là học trò ông. Tỷ lệ học trò của Nguyễn Huy Oánh đậu trong từng năm như sau: 1766 (3/11), 1772 (1/13), 1775 (7/18), 1778 (3/4), 1779 (8/15), 1781 (2/2). Trong số các Tiến sĩ là học trò của thầy Nguyễn Huy Oánh ghi tên trên bảng mừng thọ thân mẫu thầy có tên các Tiến sĩ người Nghệ An như Phạm Nguyễn Du (ở Thạch Động, Nghi Lộc) và Nguyễn Trọng Đường (ở Trung Cần, Nam Đàn) v.v…
Phúc Giang Thư viện vừa là trung tâm giáo dục với ý nghĩa là một trường học, còn gọi là Trường Lưu học hiệu, vừa là Đồ thư quán, nơi lưu trữ số lượng lớn các thư tịch của riêng dòng họ Nguyễn Huy. Nơi đây, tương truyền có tới hàng vạn cuốn sách và người đọc đến rất đông. Trường học Phúc Giang là nơi giảng dạy, học tập các sách kinh điển và đào tạo cho Nho sinh thụ nghiệp tham gia ứng thí các trường thi Hương, thi Hội do triều đình tổ chức. Sức hút nho sinh của Trường học Phúc giang cũng nhờ dòng họ Nguyễn Huy nổi tiếng có nhiều thế hệ khoa bảng, có tài về văn học, hình thành nên một dòng phái Văn phái Hồng Sơn, tiêu biểu như Nguyễn Huy Tựu (1690-1750), Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Quýnh (1734-1785), Nguyễn Huy Tự (1743-1790), Nguyễn Huy Hổ (1783-1841) v.v… Làng Trường Lưu cũng vốn nổi tiếng có nhiều thầy giáo dạy giỏi: Nguyễn Uyên Hậu là người dạy Ngũ kinh ở Quốc Tử Giám từ giữa thế kỷ XV; con và cháu là Nguyễn Hàm Hằng và Nguyễn Thừa Nghiệp đều là Giám sinh Quốc Tử Giám, đều đậu Tam trường thi Hội và đều dạy học; Nguyễn Huy Tựu từng là thầy dạy học ở Kinh đô, về nhà biên tập lại sách Tính lý đại toàn để dạy cho con cháu và học trò… Do nhu cầu về tài liệu học tập và phát triển văn hóa là rất lớn, nên thầy Thám hoa đã phải tổ chức biên soạn sách và cho khắc bản âm (Mộc bản) để in sách.
Vốn di sản Mộc bản của Trường học Phúc Giang, Hà Tĩnh là khá lớn và quan trọng, vì là sách về giáo khoa giáo dục. Toàn bộ các sách trong kho này có nội dung thuộc các bộ: Ngũ kinh toản yếu đại toàn, Tính lý đại toàn và Thư viện lệ quy. Nổi bật trong các sách thuộc bộ Ngũ kinh gồm 5 loại: Ba kinh (tức Kinh thi) gồm 2 quyển (Q.); Bích kinh (tức Kinh thư) gồm 2 Q.; Lễ kinh (tức Kinh lễ) 2 Q.; Hi kinh (tức Kinh dịch); Lân kinh 2 Q. Riêng bộ Tính lý đại toàn gồm Q. Thượng, Q. Hạ. Những nội dung các bộ sách của Trường học Phúc Giang nói chung là các tài liệu giáo khoa thư tinh giản hướng vào thực tiễn Việt Nam thời đại Lê Trung Hưng, được biên soạn từ “khối óc uyên bác, con tim nhiệt tình yêu dân, yêu nước” của những học giả họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu. Khi làm sách để khắc vào mộc bản, cụ Thám hoa Nguyễn Huy Oánh có ghi trong Ngũ kinh toản yếu tự (bài tựa toàn yếu Ngũ kinh) như sau:
Oánh tôi từ lúc nhỏ tuổi theo thầy học, thường được học theo cách nắm cái chính yếu, lược bỏ điều phần tạp, đi theo con đường dẫn tới thành công, hướng vào thực tiến cuộc sống, dùng cách thức phát vấn nhận xét, khẳng định, phủ định, hiệu chỉnh, ròng rã mười năm mà đạt tới thành công. Tuy nói rằng vừa làm quan, vừa nghiệm xét mà rút ra kết luận, ghi lại một cách không tận hết, không đủ để lấy làm thư tịch, nghĩa lý tinh vi. Thế nhưng đệ tử, môn sinh trường tư thục cần tiến thân thì lại rất đông đúc. Những điều tốt đẹp bổ ích cho những người hạ học này thì thật là không ít vậy. Những kẻ nghìn sau bắt lỗi tôi là theo học chương cú. Những người hiểu biết tôi một cách đích thực thì cho tôi là người học vì thực tiễn (1)
Thư viện Phúc Giang với Thư viện lệ quy rõ ràng là một trung tâm giáo dục, vừa là nơi biên soạn và tổ chức khắc in sách phục vụ cho việc dạy và học rất có hiệu quả. Mộc bản Thư viện quy lệ (các quy định ở Thư viện) hiện còn 5/6 ván, thiếu ván thứ 2, chỉ còn ván thứ 3 là nguyên vẹn, rõ nét các chữ, các ván 4,5 mất và hỏng nhiều chữ. Mỗi ván có khổ: 20 x 30 cm, dày 2 cm. Ở ngay chính giữa của mỗi ván, bên trên khắc 4 chữ Thư viện quy lệ, chính giữa khắc số thứ tự tờ (trang ván in); bên dưới khắc 4 chữ Thạc Đình lưu (Thạc Đình giữ bản in). Ván thứ 6 có ghi về tác giả thảo ra quy lệ và thời gian khắc in: Thời, Hoàng triều Cảnh Hưng cường ngữ Đại uyên hiến, phụng Sứ đại Bồi thần Nguyễn Lựu Trai thư vu Bắc Kinh Hội đồng quán (Đương triều năm Cảnh Hưng [Đinh Hợi – 1767] Đại Bồi thần vâng lệnh đi sứ là Nguyễn Lựu Trai viết ở Quán hội đồng Bắc Kinh) [Quy lệ này do Thám hoa Nguyễn Huy Oánh viết khi đi sứ, ở Sứ quán tại Bắc Kinh]; người khắc in là Đệ tử Nguyễn Huy Vượng. Nội dung: Ghi lại các quy định về tổ chức các ghi thức hành lễ của Trường Phúc Giang mà người học phải tuân theo (Lễ pháp), tức người xin vào học phải có lễ, làm lễ; khi vào học rồi phải tuân theo các nghi lễ của trường (Thư viện) dưới sự dẫn dắt của các viện sư. Về học trò:
Học trò lấy phẩm hạnh làm đầu, mọi việc phải hợp với quy định, phải đúng mực thước, muốn giữ mình cho được vẹn toàn thì phái có đủ các đức hiếu, đễ, hòa mục […] làm người mà không hổ thẹn với chính mình. Giữ khí chất liêm sỉ, thì có thể giáo hóa được kẻ thô lậu thành người độ lượng, kẻ đức mỏng thành người đôn hậu, đó là công năng của tố chất bên trong. Thi, Thư, Lễ, Dịch, Xuân (Thu) […] người học không phụ công lao sinh thành của cha mẹ…
Trong quy định có cách thức viết báo tiệp, giấy yết tên người thi đỗ để tôn vinh, để mọi người noi theo. Phần quy định về báo tiệp thi đậu:
Mỗi khoa thi mà học trò học trong Thư viện được dự trúng kỳ thi Hương, thì cả trò và thầy viết giấy báo tiệp dán ở trên tường của Thư viện, để tuyên dương (Giấy viết thì dùng loại giấy nhuộm hùng hoàng của Trung quốc)…
Nếu trong chi phái và trong hội nào mà có con em cùng với học trò trong Viện dự trúng kỳ thi Hội (Hội bảng) thì dùng loại giấy chu sa (đỏ) của Trung Quốc viết giấy báo tiệp, dán lên tường của Viện, rồi ở phía bên ngoài cổng Viện lại dựng một cây cờ (đậu Tam khôi thì cờ cao 30 thước, đậu Tiến sĩ thì cờ cao 20 thước) để tỏ sự vinh diệu… (2)
Kho mộc bản ở nước ta còn lại đến nay đều rất quý hiểm, do khó bảo quản, dễ hư hỏng, mất mát… Đó là các bộ sử ký của quốc gia; các bộ kinh Phật; các sách về Nho, Y, Lý, Số; kho tư liệu Ngự chế của triều Nguyễn, v.v… được UNESO vinh danh vào Chương trình Di sản Tư liệu ký ức Thế giới thuộc Châu Á – Thái Bình Dương. Vốn di sản mộc bản ở Trường Lưu của họ Nguyễn Huy lại càng quý hơn vì nội dung độc đáo của nó với 379 tấm là âm bản các sách giáo khoa phục vụ dạy và học, cũng đã trở thành vốn di sản quý của nhân loại. Từ năm 1783, Nguyễn Huy Oánh được ban sắc phong với những mỹ tự và đã trở thành bài vị dành cho ông: Khôi tinh Đẩu tọa, Nguyễn Ân Thai (Đài), Trường Sinh lộc, Uyên Phổ Hoằng Dụ đại vương ở hội Trường Ân, Thư viện Phúc Giang. Thư viện Phúc Giang trở thành Đền Thư viện và là nơi thờ một vị thần có công về văn hóa – giáo dục của đất nước – Thám hoa Nguyễn Huy Oánh. Nơi đây vào ngày mất của ông (8/5) hàng năm, Hội Mộc ân lại tổ chức lễ tế Thần Đền Thư viện như một thông tục lễ hội thiêng liêng để con cháu và các thế hệ trẻ tôn vinh, noi theo tấm gương sáng của Thần. Thần đền Thư viện thời Lê Trung Hưng đã góp phần quan trọng đào tạo được nhiều thế hệ học trò thành các danh nhân, nhân vật nổi tiếng cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Nguyễn Huy Oánh qua Thư viện trường học Phúc Giang đã trở thành vị Thần đền Thư viện. Sắc phong Thần đền Thư viện trở thành một Di sản Hán Nôm quý hiếm của quốc gia, nguyên văn chữ Hán như sau:
敕福江書院長恩會魁星斗座阮恩台長生祿位芳流孔水派續尼山搏我以文樹人撒百年之計使民也惠醫國高千古之勳同人稔協推保大有正宜用享為嗣王進封王位臨居正府禮有登秩應褎封美字二字可封福江書院長恩會魁星斗座阮恩台長生祿位淵普弘裕大王故敕
景興四十四年七月二十六日
Phiên âm:
Sắc: Phúc giang Thư viện, Trường Ân hội, Khôi tinh đẩu tọa, Nguyễn Ân Thai (Đài), trường sinh lộc vị. Phương lưu Khổng thủy, phái tục Ni Sơn, bác ngã dĩ văn, thụ nhân tán bách niên chi kế, sử dân dã huệ, y quốc cao thiên cổ chi huân, đồng nhân nhẫm hiệp, suy bảo đại hữu, chính nghi dụng hưởng, vị tự vương tiến phong vương vị, lâm cư chính phủ. Lễ hữu đăng trật. Ưng bao phong mỹ tự nhị tự, khả phong: Phúc Giang Thư viện, Trường Ân hội, Khôi tinh đẩu tọa, Nguyễn Ân Thai. Trường sinh lộc vị, Uyên phổ Hoằng dụ Đại vương. Cố sắc!
Cảnh Hưng tứ thập tứ niên, thất nguyệt, nhị thập lục nhật.(3)
Tạm dịch:
Sắc cho thần là Khôi tinh Đẩu tọa Nguyễn Ân Thai (Đài), Trường Sinh Lộc ở Hội Trường Ân Phúc Giang Thư viện: Tiếng thơm lưu chảy từ sông Khổng, chi phái nối tiếp ở núi Ni, lấy văn học mà làm uyên bác cho ta, tỏ rõ kế sách trăm năm trồng Người, việc lợi cho dân thì dùng ân huệ, có công lao hộ quốc, như bậc cao niên nghìn năm, cùng người giúp đỡ đã lâu, lo việc bảo vệ cũng nhiều, chính đáng được phụng thờ. Triều đình tiến phong tước vương, quản trong chính phủ, lễ có thêm phẩm trật, ban khen phong cho mỹ tự hai chữ Đại vương. Nay xứng đáng được phong: Khôi tinh Đẩu tọa, Nguyễn Ân Thai (Đài), Trường Sinh Lộc, Uyên phổ Hoằng dụ Đại vương ở hội Trường Ân Thư viện Phúc Giang. Vậy Ban sắc!
Ngày 26 tháng 7 năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783).
Theo Phượng Dương Nguyễn Tông thế phả cùng một số tài liệu Hán Nôm khác như Hà Tĩnh tập biên… các triều Lê – Nguyễn nhiều lần gia phong Nguyễn Huy Oánh là vị Thần đền Thư viện Phúc Giang, năm Minh Mạng thứ 5 (1824) phong là Phúc Giang Thư viện Uyên bác chi thần, Thiệu Trị năm thứ 3 (1843) phong là Phúc Giang Thư viện Uyên bác Cai Hạp Hiệu Dụng chi thần, Tự Đức sắc phong Phúc Giang Thư viện Uyên Bác Cai Hạp Hiệu Dụng Đoan Túc chi thần và Khải Định năm thứ năm (1920) là Phúc Giang Thư viện Uyên Bác Cai Hạp Hiệu Dụng Doãn Ý tôn thần. Đấy là sự khẳng định của nhà nước/triều đình phong kiến về vai trò văn hóa – giáo dục của Thư viện Phúc Giang với dân tộc và đất nước.
Sau khi Nguyễn Huy Oánh được triều đình ban tặng sắc phong Thần đền Thư viện vào tháng 7 thì đến tháng 10 năm 1783 lại được sắc phong thăng chức Đặc tiến vinh lộc Đại phu, Lễ bộ Thượng thư, kiêm Quốc Tử Giám Tế tửu (phụ trách việc học của quốc gia), tước Thạc Lĩnh bá. Thượng trụ quốc, Thượng giai là một vinh dự thật cao quý. Nguyên văn sắc phong:
敕特進金子榮祿大夫工部上書致仕起後兼國子監祭酒上柱國上階碩嶺伯阮琿瑩為以一甲進士奉侍累朝陽曆內外各職恪迪忠勤再於戊戌年奉差贊理佐何步道捉得賊黠賊淠裨顯有攻績奉元帥總國政端南王旨准有朝臣薟毅應陸貳次兵部尚書職再奉加栨陞職壹次禮部尚書職坐堂仍爵可為特進金紫榮祿大夫禮部尚書兼國子監祭酒碩嶺伯上住國上偕故敕
景興四十四年十月二十九日
Sắc: Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Công bộ Thượng thư trí sĩ khởi hậu, kiêm Quốc Tử Giám Tế tửu, Thượng trụ quốc thượng giai, Thạc Lĩnh bá Nguyễn Huy Oánh.
Vị: dĩ nhất giáp Tiến sĩ, phụng thị lũy triều, dương lịch nội ngoại các chức, khác địch trung cần; tái ư Mậu Tuất niên phụng sai Tán lí tả hà bộ đạo, tróc đắc tặc Hiệt, tặc Tỳ, hiển hữu công tích. Phụng Nguyên súy tổng quốc chính Đoan Nam vương chỉ chuẩn, hữu triều thần thiêm nghị, ưng thăng nhị thứ, Binh bộ Thượng thư chức, tái phụng gia tự thăng chức nhất thứ Lễ bộ Thượng thư chức tọa đường nhưng tước, khả vi Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Lễ bộ Thượng thư, kiêm Quốc Tử Giám Tế tửu, Thạc Lĩnh bá, Thượng trụ quốc thượng giai. Cố sắc!
Cảnh Hưng tứ thập tứ niên thập nguyệt nhị thập cửu nhật. (4)
Dịch nghĩa:
Sắc cho Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Công bộ Thượng thư, trí sĩ, được khởi phục, kiêm Quốc Tử Giám Tế tửu, Thượng trụ quốc, Thượng giai, Thạc Lĩnh bá Nguyễn Huy Oánh. Vì đã đỗ Tiến sĩ Đệ nhất giáp (Thám hoa) phục vụ các triều, trái giữ các chức vụ trong triều ngoài nội đều mẫn cán trung cần. Lại ở năm Mậu Tuất được sai làm Tán lý đánh giặc ở đạo đường bộ bên tả sông, truy đánh bắt được giặc Hiệt, giặc Tỳ (14) (Tướng giặc ở đất liền và vùng sông biển: Trấn Ninh và sông Lam), tỏ rõ công lao. Theo sắc chỉ chuẩn tấu dâng lên của Nguyên súy Tổng quốc chính Đoan Nam vương (15) và các triều thần tham nghị, ứng thăng chức hai lần là Binh bộ Thượng thư. Lại theo đề nghi thêm nên ban thăng chức một lần là Lễ bộ Thượng thư, vào triều nhận trọng trách. Tước vẫn như cũ. Xứng đáng được thăng chức Đặc tiến vinh lộc Đại phu, Lễ bộ Thượng thư, kiêm Quốc Tử Giám Tế tửu, tước Thạc Lĩnh bá. Thượng trụ quốc, Thượng giai.
Vậy ban sắc!
Ngày 29 tháng 10 năm Cảnh Hưng thứ 14 (1783).
Thư viện Phúc Giang với Thần đền Thư viện và sức hút của Trường học này đã làm cho nó trở thành một trung tâm văn hóa giáo dục điển hình tiêu biểu, là nơi lưu giữ sách và dạy học có hiệu quả nhất thời Lê Trung Hưng ở nước ta. Sách Đại nam nhất thống chí từng chép về Nguyễn Huy Oánh:
Ông có dựng một lầu để sách, có vài vạn quyển, dạy học tới vài nghìn người. Trong số học trò cùng đỗ một triều đến 30 người, còn hạng ra làm Tri châu, Tri huyện thì không kể xiết. (5).
Sách Nghệ An ký của Hoàng giáp Bùi Dương Lịch (1757-1828) cũng ghi:
Ông lập thư viện chứa đến mấy vạn quyển sách. Từ đầu đến cuối, học trò ông có vài ngàn người, trong dó có hơn 30 người đỗ Tiến sĩ cùng làm quan đồng triều. Còn đỗ Hương cống được trao trách nhiệm thì không biết bao nhiêu mà kể. (6).
Sắc phong Thần đền Thư viện là một tài liệu – di sản Hán Nôm quý hiếm có một không hai ở nước ta và Di sản Thế giới Mộc bản Trường học Phúc Giang cần được bảo tồn đặc biệt của quốc gia để tôn vinh, khai thác, phát huy phục vụ giáo dục truyền thống cho nhân dân và mọi thế hệ trẻ.
……………………………………..
Chú thích:
1. Nguyễn Thanh Hải. Kinh Xuân Thu trong Mộc bản Phúc giang Thư viện/Nghiên cứu bảo tồn Mộc bản Trường Lưu. Kỷ yếu Hội thảo khoa học, tháng 10/2015.- Tr. 170.
2. Hoàng Ngọc Cương. Về sách thư viện quy lệ của Thư viện Phúc Giang: niên đại ở đây không ghi theo lịch Can chi mà theo lịch Tuế dương, tức lịch Thái tuế: Cường ngữ tương ứng với can Đinh, đại uyên hiến tương ứng với chi Hợi.- Kỷ yếu Hội thảo khoa học, tháng 10/2015.- Tr. 175.
3. Chú thích cho sắc Thần đền Thư viện:
– Khôi tinh đẩu tọa: cũng là chữ viết trên bài vị đặt trong từ đường, “Khôi tinh” là sao Khuê, tượng trưng văn học, “đẩu tọa” là chỗ nối giữa xà và trụ trong nhà, ở đây chỉ bậc rường cột quốc gia như từ “lương đống”.
– Nguyễn Ân Thai: Chữ “Ân” hẳn có liên quan đến hội Trường Ân, chữ “Thai” (có khi đọc Đài) chỉ ngôi sao trong Tử vi, chỉ bậc trọng thần của triều đình. Trong Từ Tham tụng khải, Nguyễn Huy Oánh cũng nói: “Thần trộm nghĩ: Học để trở thành nhà nho, được đem sở học của mình dùng vào việc của bậc thánh minh, được dự vào hàng thai phụ, gần gũi ánh mặt trời, ấy là điều vinh dự quá đỗi của người đời, là niềm hạnh phúc to lớn của nhà nho” (Thạc Đình di cảo).
– Trường Sinh Lộc: đem tên tuổi của người sống ghi lên mộc bài, để thờ phụng gọi là “Trường Sinh Lộc vị”. Nho lâm ngoại sử (hồi 40): “bên ngoài cửa thành người ta dựng một ngôi từ thờ thần Nông, ở giữa đặt thần vị Thần Nông, bên cạnh đặt mộc bài “Trường Sinh Lộc vị” của Tiêu Vân Tiên”,…
– Phúc Giang thư viện: Thư viện của Nguyễn Huy Oánh, nằm bên bờ sông Phúc Giang, tương truyền có đến mấy vạn cuốn sách, người đến đọc rất đông.
– Trường Ân hội: tức hội Mộc Ân (những người được tắm gội ân đức của Thư viện) ở Trường Lưu.
– Núi Ni, Sông Khổng (Ni sơn, Khổng thuỷ): Ni Sơn còn có tên là Ni Khâu, núi ở huyện Khúc Phụ tỉnh Sơn Đông, là nơi Khổng Tử sinh ra, nên tên ông là Trọng Ni. ở Trung Quốc vốn không có sông Khổng, nhưng để cho đăng đối với Ni Sơn mà tác giả đặt ra cái gọi là sông Khổng (hoặc dùng để chỉ sông Thù, sông Tứ, nơi Khổng Tử dạy học). Núi Ni, Sông Khổng ở đây chỉ đạo Nho do Khổng Tử sáng lập. Ở Nghệ An xưa (nay là huyện La Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) cũng có núi đặt tên là núi Ni (tục gọi là núi Nê) và dòng Khổng. Dòng Khổng (tục gọi là Khe Khóng) đổ vào sông La ở phía Bắc. Trong bài Toại sơ hành trạng (Thạc Đình di cảo), Nguyễn Huy Oánh cũng viết: “Thần núi Nhạc giáng xuống(5) chẳng chậm trễ, Chính là từ núi Ni, sông Khổng(6) mà biến hoá ra cái đẹp đẽ, vun trồng cái lạ kì”.
– Lấy câu của Nhan Hồi: “Phu tử tuần tuần nhiên, thiện dụ nhân: Bác ngã dĩ văn, ước ngã dĩ lễ” ( phu tử cứ tuần tự khéo dạy dỗ người: lấy văn học mà làm rộng kiến thức của ta, lấy lễ nghĩa mà ước thúc hành vi của ta ) [Luận ngữ: Tử Hãn , IX].
– Lấy câu của Quản Trọng: “Nhất niên chi kế, mạc như thụ cốc; thập niên chi kế, mạc như thụ mộc; bách niên chi kế, mạc như thụ nhân.” ( Kế hoạch một năm, không gì bằng trồng lúa ; kế hoạch mười năm, không gì bằng trồng cây; kế hoạch trăm năm, không gì bằng trồng người) [Sách Quản Tử, Quyền tu].
– Nguyên văn “y quốc”, lấy từ sách Quốc ngữ, (Tấn ngữ, 8) chỉ việc trừ tai họa cho nước.
– Tự vương: ông vua (chúa) nối ngôi, đây chỉ Đoan Nam vương Trịnh Tông, lên nối ngôi chúa sau loạn kiêu binh (1782).
– Ở đây tờ sắc không nói 2 mĩ tự là gì, nhưng thông thường tước vị được phong sẽ được nhắc lại sau phần “khả vi”, “khả phong” (xứng đáng làm, đáng phong), sau những chức tước đã có từ trước. Chúng tôi đoán là “đại vương”, có nghĩa là “đại vương” ở đây chỉ có tính chất vinh phong, chứ không phải tước vị thực, hơn nữa để phong cho thần được thờ (dù thờ sống) chứ không phải phong cho người sống, vì tước vương lúc bấy giờ chỉ chúa Trịnh mới được phong.
4. Chú thích cho sắc phong thăng chức Tế tửu Quốc tử Giám…
– Mậu Tuất: tức năm 1778, Nguyễn Huy Oánh làm Tán lí các đạo Thanh Hoa, Sơn Nam, Hải Dương (tả Hà bộ đạo).
– Giặc Hiệt, giặc Tỵ: bài Giá cô hành trong Thạc Đình di cảo cũng nói đến “đảnh giặc Hiệt”. Có thể đây là điển “Đường Minh Hoàng bị giặc Hiệt đuổi”. Ở đây là chỉ giặc bể.
– Đoan Nam vương: Trịnh Tông ở ngôi chúa từ 1782 – 1786.
5. Đại Nam nhất thống chí, Tổng tài Cao Xuân Dục, Toản Tu, Lưu Hữu Xứng, Trần Xán, Tập 1, Bản dịch của Hoàng Văn Lâu, NXB Lao Động, năm 2012, trang 755.
6. Nghệ An ký, Quyển 1 và 2, NXB KHXH Hà Nội năm 2004, trang 338, 339.
Tài liệu tham khảo thêm:
– Các tác giả dòng văn Nguyễn Huy Trường Lưu cuộc đời và tác phẩm. H., Lao động – TT Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2012.
– Tuyển tập thơ văn Nguyễn Huy Oánh (1713-1789).- H., Hội nhà văn, 2005.
– Mộc bản Trường học Phúc Giang Di sản tư liệu thuộc chương trình ký ức Thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của UNESCO.- Hà Tĩnh, 2016.
– Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Vinh, Nguyễn Huy Toản, Nguyễn Huy Chương. Phượng Dương Nguyễn tông thế phả.- Nghệ An, Đại học Vinh, 2018.
– Kỷ yếu Hội thảo nghiên cứu tư liệu Hán Nôm của dòng họ Nguyễn Huy ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh về biên giới và biển đảo.- Nghệ An, Đại học Vinh, 2018.
– Nguyễn Huy Oánh. Hoàng Hoa sứ trình đồ.- Nghệ An, Đại học Vinh, 2018.
Đào Tam Tỉnh