Theo giới thiệu của lãnh đạo Thư viện tỉnh Nghệ An, gần đây, nhân một chuyến đi công tác, chúng tôi đã ghé thăm Thư viện xóm 2 xã Bắc Thành, Huyện Yên Thành. Mảnh đất Yên Thành vốn nổi tiếng là một vùng đất hiếu học. Phong trào đọc sách ở Yên Thành diễn ra khá sôi nổi, thu hút mọi người ở các lứa tuổi tham gia. Tất cả 22 xã của huyện Yên Thành đều có thư viện xóm, tủ sách tư nhân. Trong số đó, tiêu biểu là Thư viện xóm 2 xã Bắc Thành.
Đến bất chợt tôi rất cảm động khi thấy có nhiều cháu thiếu nhi đang đọc và mượn sách. Người phụ trách thư viện là Bác Nguyễn Văn Lạc, gần 70 tuổi. Là một cán bộ trong ngành văn hóa lâu năm, đã từng làm Giám đốc Trung tâm Văn hóa và Thể thao huyện Yên Thành 13 năm, từ 1998 đến 2010. Tâm sự với tôi, bác Lạc kể: Bác đã luôn nung nấu cho mình một nguyện vọng sẽ mở một tủ sách nhỏ để phục vụ con em trong xóm sau khi về hưu. Trước đây, ở xóm có một cửa hàng cho thuê sách. Mỗi lần nhìn thấy các cháu hàng ngày phải bỏ tiền để thuê sách, Bác thấy thương và nảy ra suy nghĩ sau này khi về hưu nhất định phải mở được một tủ sách nhỏ cho các cháu. Để thực hiện ý tưởng đó bác đã bàn với bác xóm trưởng và chi bộ kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa bằng nhiều cách, nguồn ủng hộ của xã, của mạnh thường quân, của con em trong xóm đi làm ăn xa. Được trưởng xóm và bà con ủng hộ, tủ sách được hình thành và đặt tại nhà văn hóa của xóm. Tủ sách đã bổ sung được nhiều đầu sách với các thể loại phong phú. Tủ sách khai trương ngày 13/4/2012 với vài trăm bản sách ban đầu. Ngay lập tức đã có hàng chục người đến đọc và đăng ký mượn sách.
Để phát triển vốn sách, tủ sách đã được nhận luân chuyển từ Thư viện huyện, Thư viện Tỉnh. Vụ Thư viện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã gửi tặng hơn 170 cuốn sách. Bác chia sẻ “bản thân tôi đã kêu gọi bạn bè người thân công tác trên mọi miền đất nước ủng hộ sách nên hàng năm thư viện cũng bổ sung từ 100 đến 200 đầu sách”. Nhờ đó, từ tủ sách, bác Lạc đã phát triển thành thư viện với hơn 4.000 bản sách. Năm 2019, thư viện kết nối với Tủ sách Nhân ái và Ngôi nhà Trí tuệ đã đặt điểm sinh hoạt tại xóm. Con em trong xóm ở Hà Nội và Vũng Tàu đã ửng hộ 03 tủ để sách và hơn một ngàn đầu sách.Trong quá trình hoạt động, Thư viện xóm 2 xã Bắc Thành đã luôn nhận được sự quan tâm giúp đỡ của Thư viện Tỉnh, Thư viện huyện về nghiệp vụ và nguồn sách báo. Nhờ đó mà thư viện đã tạo sự hấp dẫn đối với bà con và các cháu thiếu nhi.
Bác Nguyễn Văn Lạc phục vụ các cháu đọc sách
Gia đình bác Lạc từ vợ đến các các con đều đồng lòng ủng hộ cho công việc thiện nguyện này. Mỗi khi về nhà, con trai bác thường mang cho thư viện nhiều sách. Để tăng cường vốn sách cho thư viện, hai tháng một lần Bác lại vào Thư viện Tỉnh mượn trả sách. Mỗi lần có sách mới bổ sung hoặc có sách luân chuyển từ Thư viện tỉnh về Bác lại lên loa truyền thông của xóm để thông báo cho mọi người. Tủ sách mở ra đã gần tròn tám năm, mỗi năm bạn đọc đến đọc sách tăng nhiều hơn đồng nghĩa với nguồn tài liệu cũng phải không ngừng đổi mới để giữ chân bạn đọc. Cứ như vậy, bao năm qua bác Lạc không quản ngai đường xá xa xôi, âm thầm bỏ công, bỏ sức đi mượn sách để phục vụ cho bà con.
Bác Bùi Xuân Thống, Bí thư kiêm xóm trưởng xóm 2 Bắc Thành chia sẻ “Từ ngày có thư viện xóm, các cháu siêng đến nhà văn hóa để đọc sách, nhờ đó không sa đà vào các trò chơi game, bố mẹ các cháu có thể yên tâm làm ăn”.
Tận mắt thấy ngôi nhà ba gian khang trang với một kho sách được xử lí, xếp theo chuẩn nghiệp vụ của Thư viện và những quyển sổ theo dõi mượn trả rất khoa học ai cũng mừng và cảm động. Bác Lạc cho biết: Trung bình mỗi buổi chiều hơn 30 cháu đến với thư viện, mùa hè thì còn đông hơn.
Người thủ thư già tình nguyện đã trở thành chỗ dựa với các cháu học sinh và bà con nhân dân nơi đây. Ngày nay khi công nghệ thông tin phát triển, mọi người có nhiều sự lựa chọn hơn trong việc tra tìm và sử dụng tài liệu mở mang hiểu biết. Tuy nhiên, dù khoa học công nghệ có phát triển đến mấy, thư viện mãi vẫn là điểm đến với người ham hiểu biết và muốn học tập suốt đời. Bằng những việc làm hết sức cụ thể, tận tâm và sáng tạo, Bác Lạc đang âm thầm xây dựng, nuôi dưỡng và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng ở một miền quê Nghệ An giàu truyền thống hiếu học và hiếu đọc.
Khi trao đổi với bạn đọc, chúng tôi được biết: Nhiều bạn đọc đến đây đọc sách không chỉ bởi có nguồn sách phong phú mà còn vì có người thủ thư rất nhiệt tình, tâm huyết và đầy tình yêu thương. Bác Lạc chia sẻ “Nhiều người bảo thời buổi công nghệ thông tin làm giảm số lượng bạn đọc đến thư viện nhưng riêng ở đây, từ ngày thành lập đến nay, số lượng bạn đọc không hề giảm, thậm chí còn tăng lên, đối tượng bạn đọc ở đây không chỉ có các em học sinh, các cụ cao tuổi mà nhiều phụ huynh cũng đã đến đây mượn tài liệu về sức khỏe, kĩ thuật nông nghiệp, tâm lí lứa tuổi, cách nuôi dạy con… về đọc”. Mỗi tuần, theo lịch thư viện mở cửa 3 buổi nhưng khi bà con và các cháu có nhu cầu thì bác lại đến phục vụ. Đôi khi, bác còn mang cả sách về nhà để thực hiện việc xử lý và vào số đăng ký. Bác ước mong: Giá như có một khoản kinh phí nhất định thì thư viện có thể lựa chọn được thêm nhiều sách tham khảo cho các học sinh nghèo nơi đây.
Bà Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện đến thăm và tặng sách cho Thư viện
Nhìn mái đầu đã điểm bạc của Bác Nguyễn Văn Lạc – người thủ thư tình nguyện, nghe những câu chuyện bác kể, chúng tôi thực lòng khâm phục sự năng động, nhiệt tình, tâm huyết và đầy tình yêu thương với con trẻ và tình yêu với sách của bác. Chính những việc làm của “người chiến sĩ” thầm lặng trên mặt trận văn hóa ấy đã góp phần không nhỏ để hình thành thói quen đọc sách trong cộng đồng, đặc biệt là của trẻ em ở nông thôn. Những việc làm ấy thật đáng trân trong biết bao. Sắp đến ngày kỷ niệm tròn 8 năm ngày thành lập thư viện, chúc bác luôn mạnh khỏe và tiếp tục đem nhiệt huyết của mình để phát triển văn hóa đọc tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi cho người dân nơi đây có cơ hội tiếp cận với thông tin và tri thức, thực hiện việc học suốt đời.
Minh Ngọc