Thực hiện hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nghệ An là một trong những địa phương đã tổ chức vòng sơ khảo Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2020 với kết quả rất đáng khích lệ.
Ban Tổ chức cuộc thi của tỉnh đã được thành lập với thành viên là đại diện các sở, ngành và đơn vị: Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động, thương binh và Xã hội, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Thư viện tỉnh Nghệ An.
Sau hai tháng triển khai thực hiện, hầu hết các trường học trên địa bàn tỉnh đã hưởng ứng, tổ chức cho các em học sinh tham gia cuộc thi. Ban Tổ chức cuộc thi đã nhận được 218.368 bài tham gia. Mặc dù thời gian tổ chức ngắn, nhưng với sự vào cuộc tích cực của các ngành, các cấp, các trường học nên cuộc thi đã diễn ra theo đúng kế hoạch của UBND tỉnh và thành công tốt đẹp.
Trường THCS Đặng Thai Mai, Thành phố Vinh và Trường THCS Lý Nhật Quang, huyện Đô Lương là 2 tập thể được trao giải có số lượng tác phẩm dự thi nhiều và có chất lượng nhất.
Bài dự thi năm nay nhìn chung có sự đồng đều hơn cả về chất và lượng ở cả hai hình thức là trình bày ra giấy và dựng video clip. Việc phổ biến quy chế, thể lệ cuộc thi đã được triển khai ngay từ những ngày đầu phát động đã phần nào giúp các em hình dung tốt hơn hình ảnh về một Đại sứ Văn hóa đọc. Điều đó giúp các em đỡ bỡ ngỡ khi làm bài thi. Nhiều bài dự thi được chuẩn bị công phu, trình bày đẹp, văn phong sáng, bố cục khoa học; rút ra được ý nghĩa, bài học; có liên hệ bản thân, đơn vị, địa phương sâu sắc, hợp lý và thực sự là sản phẩm tinh thần của mỗi thí sinh, vì vậy đã góp phần quan trọng vào sự thành công của cuộc thi.
Cuộc thi đã có sức lan tỏa rộng rãi, không chỉ thu hút sự quan tâm của đông đảo học sinh mà còn có sự quan tâm của các bậc phụ huynh cùng các thầy, cô giáo. Nhiều gia đình đã có sự đầu tư cho con em để có những bài trình bày hay, những video clip được chuẩn bị và thể hiện công phu, có tác dụng giáo dục lớn. Tại nhiều trường, các thầy, cô giáo đã có sự hướng dẫn để các em học sinh tự xây dựng cho bản thân kế hoạch và biện pháp phát triển văn hóa đọc cụ thể, có tính khả thi. Cuộc thi đã thực sự trở thành một sân chơi bổ ích, một diễn đàn để các em học sinh chia sẻ về kinh nghiệm đọc sách hiệu quả.
Một số bài học kinh nghiệm
Qua trao đổi, Ban Tổ chức cuộc thi cho biết có 5 yếu tố đã góp phần làm nên thành công của cuộc thi. Cụ thể:
Thứ nhất: Sở Văn hóa và Thể thao, Thư viện tỉnh Nghệ An là cơ quan thường trực tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức cuộc thi đã xây dựng được kế hoạch tổ chức cuộc thi cụ thể, xác định được quy mô và các đối tượng cần hướng tới.
Thứ hai: Các Sở, ngành thành viên Ban Tổ chức đã có sự phối hợp chặt chẽ trong triển khai tổ chức thực hiện.
Thứ ba: Ban Tổ chức đã làm tốt công tác truyền thông, tuyên truyền lan tỏa cuộc thi nhằm thu hút sự quan tâm vào cuộc của tất cả học sinh, giáo viên, phụ huynh và của cả cộng đồng đối với văn hóa đọc.
Thứ tư: Sự vào cuộc của ngành giáo dục và sự quan tâm của các phụ huynh học sinh. Cuộc thi đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của phòng Giáo dục và Đào tạo đối với các trường học; sự phối hợp giữa thư viện tỉnh với các trường học. Nhìn chung, tại các trường học đã có sự quan tâm của Ban Giám hiệu nhà trường và sự tham gia tích cực của các giáo viên, cán bộ thư viện tại các trường và sự hỗ trợ của gia đình thí sinh. Một số Phòng Giáo dục và Đào tạo đã làm rất tốt công tác tổ chức cuộc thi tại địa phương như huyện Đô Lương, Nam Đàn, Tân Kỳ, Nghi Lộc, Thành phố Vinh… Chính nhờ sự vào cuộc một cách tích cực của Phòng Giáo dục và Đào tạo nên Nghệ An có số lượng thí sinh tham gia đông và chất lượng bài dự thi cao.
Thứ năm: Sự nhiệt tình tham gia cùng với sự nỗ lực, sáng tạo của học sinh. Đây là một yếu tố đặc biệt quan trọng, góp phần làm nên thành công của cuộc thi. Cuộc thi đã thu hút được đông đảo học sinh đang theo học tại các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và các loại hình giáo dục khác trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Một số hình ảnh lễ trao giải
Qua kết quả Vòng sơ khảo tại Nghệ An có thể khẳng định: Văn hóa đọc đã có tác động rất lớn đến việc hình thành trí tuệ, nhận thức, nhân cách của các em học sinh. Lòng nhân ái, vị tha, biết quan tâm đến người khác đã được hình thành và nuôi dưỡng từ việc đọc sách. Một số em học sinh đã âm thầm trở thành những đại sứ văn hóa đọc, đem sách và tình yêu sách đến với những hoàn cảnh còn khó khăn trong cộng đồng xã hội. Hy vọng là các nhà trường, thầy cô giáo và gia đình tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để những kế hoạch phát triển văn hóa đọc của các em không dừng lại ở trong các bài thi mà có thể trở thành hiện thực, góp phần phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng.
Minh Ngọc