Ngày 23 tháng 4 năm 2015, nhân ngày sách Việt Nam lần thứ 2, ông Park Chul Won, Chủ tịch trụ sở vận động văn hóa đọc sách Hanuri, Chủ tịch viện giáo dục mở Hanuri đã có buổi nói chuyện chuyên đề: “Hiệu quả của việc đọc sách để phát triển nhân tài cho quốc gia” tại Thư viện Hà Nội.
Tại buổi trò chuyện, ông Park Chul Won đã đưa ra những nhìn nhận thực trạng văn hóa đọc ở Việt Nam và Hàn Quốc cũng như chia sẻ kinh nghiệm 25 năm hoạt động giáo dục văn hóa đọc tại Hàn Quốc để thúc đẩy văn hóa đọc ở 2 quốc gia.
Ông Park Chul Won cho rằng, Việt Nam và Hàn Quốc là 2 quốc gia gần nhau cả về lịch sử và địa lý, có nhiều điểm tương đồng về Nho giáo và Phật giáo. “Tục ngữ Việt Nam có câu “Thuận bè, thuận bạn tát cạn biển Đông”, mục đích chuyến thăm và buổi trò chuyện này chính là cùng chia sẻ hy vọng về tương lai phát triển của 2 nước với tư cách một người bạn”, ông Park Chul Won nói.
Ông Park Chul Won tại buổi nói chuyện
Nước giàu nhất lại không hạnh phúc nhất
Với nhiều năm hoạt động giáo dục văn hóa đọc tại Hàn Quốc, ông Park Chul Won chỉ ra rằng, trong 35 nước thành viên của Tổ chức hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) thì những nước có chỉ số hạnh phúc cao nhất là những nước Bắc Âu (Đan Mạch, Hà Lan, Thụy Sĩ,…).
“Con người muốn sống hạnh phúc cũng như con chim cần phải có 2 cánh. Một cánh chính là sự đầy đủ về vật chất để giải quyết các vấn đề Ăn – Mặc – Ở. Cánh còn lại chính là sự phong phú về văn hóa tinh thần với phẩm chất tốt đẹp, tôn trọng nhân cách giữa người với người, giữ gìn lễ nghĩa và trật tự luật pháp với đời sống tinh thần trong sáng. Những nước hạnh phúc chính là những nước có sự cân bằng giữa sự sung túc về vật chất và phong phú về tinh thần”, ông Park Chul Won nói.
Việt Nam cần tránh ‘vết xe đổ’ của Hàn Quốc
Ông Park Chul Won chia sẻ rằng, ở Hàn Quốc, có một thực trạng đau lòng là trong lúc khoa học kỹ thuật công nghệ phát triển vượt bậc, đặc biệt là công nghệ IT, đã và đang làm nhiễu loạn các giá trị tinh thần, làm suy đồi nhân cách của thanh thiếu niên – tương lai của đất nước thì văn hóa đọc sách lại chẳng khác nào mảnh đất cằn cỗi, không người chăm nom xây dựng.
“Tôi hy vọng, Việt Nam vốn đang đi theo con đường tương tự như Hàn Quốc sẽ không mắc phải vấn đề này”, ông Park Chul Won chia sẻ.
Ông Park Chul Won cho rằng, lịch sử văn minh nhân loại chính là lịch sử tiến hóa của tri thức mà con người sở hữu. Thông qua giáo dục và sách, chúng ta có thể tìm hiểu được quá trình nỗ lực phát triển cơ sở hạ tầng tri thức và sự trưởng thành toàn diện của tri thức cộng đồng của quốc gia và dân tộc. Trọng tâm của nền tảng cho sự hình thành tri thức đó chính là việc đọc sách.
“Tôi nghĩ, Việt Nam để phát triển thành một nước hạnh phúc đích thực thì ngay từ bây giờ sự nỗ lực của toàn dân nâng cao giá trị tinh thần là vô cùng cần thiết. Làm sống lại giá trị văn hóa truyền thống vốn chỉ được nhớ đến như lịch sử đã qua, khai quật những phong tục tốt đẹp, và phải thực hiện cuộc vận động bảo tồn giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc. Trong đó, tôi nghĩ quan trọng hơn hết chính là phải nỗ lực đưa văn hóa đọc sách thành trung tâm của tất cả các lĩnh vực giáo dục”, ông Park Chul Won nhấn mạnh.
Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái tiếp Chủ tịch Tập đoàn Hanuri- Hàn Quốc
Trong khuôn khổ chuyến đến thăm và làm việc tại Việt Nam, ông Park Chul Won và các cộng sự đã có buổi chào xã giao lãnh đạo Bộ VHTTDL; Đối thoại với lãnh đạo Trường ĐH KHXH & NV Hà Nội và nói chuyện với sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội chủ đề “Nhân tài cần thiết cho xã hội tương lai”; Thăm quan và làm việc với Thư viện Quốc gia Việt Nam, đối thoại về vai trò của thư viện trong phong trào đọc sách; và tham gia các hoạt động của Ngày sách Việt Nam (21/4), Ngày sách và Bản quyền thế giới (23/4).
Hanuri – Trụ sở phong trào văn hóa đọc sách là tổ chức có tư cách pháp nhân thuộc Bộ Văn hóa Hàn Quốc, được thành lập năm 1990 với mục đích nâng cao tri thức và trí tuệ của người đọc, phát triển nền giáo dục văn hóa của người dân và cải thiện chất lượng của các quốc gia tiên tiến.
Tôn chỉ, mục đích của tổ chức này mang ý nghĩa văn hóa, nhân văn cao, gần gũi với mục đích phát triển văn hóa nói chung trong đó có văn hóa đọc của Việt Nam. Mặt khác, các hoạt động dự kiến nói trên của ông Chủ tịch Tập đoàn Hanuri diễn ra tại thời điểm Việt Nam tổ chức các hoạt động chào mừng Ngày sách Việt Nam lần thứ hai (21/4) và Ngày sách và bản quyền thế giới (23/4), nên các hoạt động trên rất có ý nghĩa, góp phần củng cố thêm tình đoàn kết hữu nghị giữa hai quốc gia trên lĩnh vực văn hóa.