Đã từ lâu, Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh (KHTHTPHCM) đã dành sự quan tâm cho công tác phục vụ người khiếm thị. Tuy nhiên, đối với người khiếm thị vẫn gặp rất nhiều trở ngại trong vấn đề này do không thể đọc được các tài liệu, sách báo in thông thường cũng như thiếu các kiến thức, kĩ năng, phương tiện tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin.
Xác định vai trò quan trọng của văn hóa đọc trong đời sống xã hội, ngày 15/3/2017 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 329/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Thư viện KHTHTPHCM đã xác định phục vụ người khiếm thị là một nội dung được quan tâm khi thực hiện đề án. Đặc biệt là sau khi Vụ Thư viện ký kết Chương trình phối hợp công tác với Hội người mù Việt Nam và có văn bản hướng dẫn địa phương,các hoạt động phục vụ nhu cầu sách báo, thông tin cho người khiếm thị càng được đẩy mạnh.
Công tác phục vụ cho người khiếm thị được thực hiện với nhiều hình thức khác nhau: tại thư viện, tại các mái ấm và những nơi có nhu cầu, kể cả ngoài thành phố. Xe thư viện số lưu động phục vụ người khiếm thị đã tổ chức các chuyến đi lưu động phục vụ tại các cơ sở, mái ấm, các Trung tâm nuôi dạy trẻ em khuyết tật, hội người mù trong và ngoài thành phố và các tỉnh lân cận như Tây Ninh, Bến Tre, Đồng Nai, Lâm Đồng, Trà Vinh, An Giang, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Nghệ An… Đây là hoạt động thường xuyên của đơn vị. Thông qua các chuyến phục vụ lưu động, tìm hiểu các chủ đề, các loại tài liệu phù hợp với nhu cầu của người khiếm thị, xe thư viện số lưu động đã đem lại cho người khiếm thị những sản phẩm văn hóa đặc thù.
Việc tổ chức xe thư viện số lưu động đưa sách nói đến phục vụ người khiếm thị đã đáp ứng phần nào nhu cầu đọc, nhu cầu giải trí của đối tượng này. Hình thức này mang lại hiệu quả cao, bởi người khiếm thị ở những vùng xa xôi không có điều kiện tiếp cận với dạng tài liệu phù hợp với đặc điểm của mình, không có điều kiện để tiếp cận với các trang thiết bị hiện đại như: máy tính, máy đọc sách nói …
Năm 2019, Thư viện KHTHTPHCM đã triển khai 30 chuyến phục vụ cho15.448 lượt bạn đọc với 25.040 lượt tài liệu.
Ảnh Phục vụ đọc sách cho các em tại Mái ấm Thiên Ân
Ảnh phục vụ đọc sách cho các em tại Cơ sở Huynh đệ Như Nghĩa
Ảnh phục vụ đọc sách cho các em tại Trung tâm nuôi dạy trẻ em khiếm thị tỉnh Tây Ninh
Ngoài ra, Thư viện KHTHTPHCM đã tổ chức đưa đón miễn phí các em khiếm thị đến thư viện, trung bình 04 – 08 chuyến/ tháng với bình quân 150 em khiếm thị đến thư viện, với mong muốn tạo điều kiện cho các em đến với không gian công nghệ thiếu nhi (S.hub kids), các phương tiện, thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin phong phú và đa dạng giúp cho các em tiếp cận thông tin và đọc sách dễ dàng hơn; tạo cho các em có một không gian học tập, vui chơi, giải trí, giao tiếp và thể hiện bản thân. Hoạt động này còn thể hiện tính công bằng xã hội đối với các em khiếm thị.
Ảnh học sinh khiếm thị thích thú khám phá không gian công nghệ S.hub Kids
Ảnh phục vụ đọc sách cho các em tại không gian công nghệ S.hub Kids
Ngoài công tác phục vụ nhu cầu đọc sách cho các em khiếm thị vào các ngày lễ: Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, Tết Trung Thu, Tết Nguyên Đán, thư viện đã vận động các mạnh thường quân tặng quà cho các em, tặng nhu yếu phẩm cho các mái ấm, các trung tâm… Đây là dịp để các em được vui chơi, nhận những món quà ý nghĩa từ các cá nhân và tổ chức xã hội trao tặng, góp phần động viên, giúp các em vượt qua mặc cảm tự ti, hòa nhập cộng đồng, sống vui, sống khỏe, có ích cho gia đình và xã hội. Trong các chuyến phục vụ lưu động, Thư viện cũng đã phối hợp với nhóm Bác sĩ từ thiện đến khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí và tặng quà cho người khiếm thị và tặng nhu yếu phẩm cho trung tâm tại các tỉnh Tây Ninh, Trà Vinh, An Giang…
Tặng quà cho các em nhân Ngày Quốc tế thiếu nhi
Ngoài ra, với mong muốn giúp người khiếm thị có điều kiện tiếp cận thông tin, tri thức, xóa bỏ mặc cảm để dễ dàng hòa nhập cộng đồng, Thư viện đã tổ chức các lớp tập huấn gắn với chủ đề về sách và văn hóa đọc, vận động viên chức thư viện, các tình nguyện viên, các mạnh thường quân tham gia công tác sản xuất tài liệu cho người khiếm thị. Sản phẩm tạo ra sẽ được phân phối đến các mái ấm, cơ sở, trường phổ thông đặc biệt, hội người mù, trung tâm nuôi dạy trẻ em khuyết tật trong, ngoài thành phố và các tỉnh: Tây Ninh, Bến Tre, Đồng Nai, Lâm Đồng, Trà Vinh, An Giang, Nghệ An… Ngoài ra, Thư viện còn phối hợp với các mạnh thường quân tặng các thiết bị nghe sách nói cho người khiếm thị.
Ảnh Tổ chức các lớp tập huấn gắn với chủ đề về sách và văn hóa đọc
Thư viện KHTHTPHCM đã tạo điều kiện cho người khiếm thị có cơ hội tiếp cận thông tin, tri thức, tạo ra sản phẩm, giúp người khiếm thị dễ dàng sử dụng và tiếp cận, góp phần thúc đẩy việc hình thành môi trường thân thiện và tiện ích, hỗ trợ việc đọc và học tập cho người khiếm thị. Đây là hoạt động thiết thực, giúp người khiếm thị học hỏi, giao lưu, chia sẻ, kết nối và có niềm tin vào cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, thực hiện học tập suốt đời theo chủ trương của Đảng và Nhà nước “không để ai ở lại phía sau”.
Hồng Thị Kim Vy