Sự phát triển của công nghệ đã ảnh hưởng, tác động lớn tới thói quen đọc sách của số đông. Việc khai thác, tận dụng công nghệ để phát triển văn hóa đọc là hướng đi phù hợp cho hiện tại và tương lai.
Không chỉ riêng tại Việt Nam, thực tế diễn ra tại hầu hết các quốc gia đó là khi công nghệ phát triển, văn hóa nghe nhìn sẽ lấn át văn hóa đọc, mạng xã hội phát triển khiến nhu cầu giải trí, thụ hưởng văn hóa trong đó có việc đọc sách cũng gặp phải nhiều thách thức.
Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 329/QĐ-TTg ngày 15/3/2017 thể hiện sự quan tâm, chú trọng của Nhà nước về vấn đề phát triển văn hóa đọc tại Việt Nam. Đề án cũng yêu cầu tập trung đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển văn hóa đọc giai đoạn 2025-2030.
Để phát triển văn hóa đọc trong kỷ nguyên số, việc tận dụng công nghệ là xu thế tất yếu. Đặc biệt, Việt Nam là quốc gia có dân số trẻ, tỷ lệ người dùng internet ở mức cao trên thế giới (70% người dân sử dụng internet). Trải qua đại dịch Covid 19, các lĩnh vực nói chung đều nhận thức rõ chuyển đổi số là yếu tố sống còn để tồn tại và phát triển.
Ngành xuất bản trong nước đã nhanh chóng bắt kịp thế giới, mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ mới. Theo thống kê của Cục Xuất bản, In và phát hành (Bộ TTTT) tính riêng năm 2021, ngành xuất bản đã phát hành được 2.300 xuất bản phẩm điện tử, tăng 12% so với năm 2020. Hơn 15 triệu lượt người sử dụng sách điện tử, tương đương với 35 triệu bản sách được đọc. Sách điện từ ngày càng trở nên phổ biến và được nhiều người lựa chọn bởi tính ứng dụng cao, có thể sử dụng mọi nơi mọi lúc chỉ với chiếc smartphone. Sách nói cũng đang ngày càng trở nên phổ biến, điều này được thể hiện rất rõ qua số lượng tải ứng dụng, thành viên đăng ký và số lượng người dùng mỗi tháng. Ví dụ Voiz FM – một ứng dụng sách nói được ra mắt cuối năm 2019 đến nay đã có hơn 1 triệu lượt tải, hơn 100 nghìn người dùng hàng tháng. Các nền tảng sách điện tử được ưa chuộng và sử dụng nhiều nhất ở Việt Nam hiện có thể kể đế như Ebook.vn, DTV ebook, Ebook Reader.
Không chỉ có ebook và sách nói, các công ty công nghệ, các nhà xuất bản còn đầu tư phát triên những sản phẩm điện tử đa dạng như: sách thực tế ảo, sách tóm tắt, sách chiếu bóng…Các sản phẩm điện tử này ngoài nội dung còn tăng tối đa sự tương tác và tối ưu hóa yếu tố nghe – nhìn với hình ảnh động, video, biểu đồ, tính năng lưu trữ…
Cùng vớí các đề án, dự án lớn đã và đang được triển khai từ Chính phủ tới các Bộ, ngành, địa phương, trong những năm vừa qua Bộ VHTTDL còn tổ chức nhiều sự kiện và các cuộc thi với mục tiêu lan tỏa niềm yêu thích đọc sách, hình thành phong trào, thói quen đọc sách tới mọi tầng lớp nhân dân. Để bắt kịp xu thế, hình thức tổ chức cũng được thay đổi như giới thiệu sách trực tuyến, xây dựng các video clip khuyến khích sử dụng hiệu ứng, kỹ xảo hiện đại thu hút người xem.
Không chỉ có các bộ, ngành liên quan mà rất nhiều các cá nhân, tổ chức những người yêu sách cũng tham gia vào việc phát triển văn hóa đọc dựa vào ứng dụng công nghệ. Điều này được thể hiện rất rõ trên các ứng dụng mạng xã hội miễn phí đang rất thịnh hành hiện nay như Youtube, Facebook, Tiktok, thậm chí cả Instagram. Tại Youtube có thể dễ dàng tìm kiếm hàng triệu clip giới thiệu sách đến từ các tổ chức, cá nhân…nhiều kênh giới thiệu sách uy tín với số lượng thành viên lớn có thể kể đến như Sách và Trí tuệ Việt, Vui Lên, Book Facts, Nonsense Book Stuff, Linh Thebookworm. Từ những kênh này, đã có hàng nghìn tác phẩm hay, đa dạng thể loại được giới thiệu đến với công chúng. Các nhà xuất bản, công ty phát hành sách, nhà sách từ lâu đã sử dụng Facebook đề làm kênh thông tin, truyền thông giới thiệu sách tới bạn đọc..Gần đây, một cộng đồng những người sử dụng Tiktok yêu sách cũng đã dùng mạng xã hội này để giới thiệu sách, review sách. Với sức ảnh hưởng lớn của Tiktok, các clip này nhanh chóng tạo thành hiệu ứng lớn và từ đây hình thành một cộng đồng được gọi là BookTok.
Từ những kết quả bước đầu đạt được nhờ ứng dụng công nghệ phát triển văn hóa đọc đã cho thấy đây là hướng đi cần thiết để phù hợp với xu thế phát triển chung của xã hội. Với định hướng chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, sự phối kết hợp đồng bộ giữa các bên liên quan, trong tương lai gần văn hóa đọc sẽ trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần của mỗi người dân, tạo nền tảng quan trọng thúc đẩy sự phát triển nhanh, mạnh của đất nước.
Lan Hương
Ảnh: nguồn internet và chụp màn hình website