Xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong nhà trường đòi hỏi sự nỗ lực của tất cả thầy cô cũng như học sinh. Lãnh đạo trường cần quan tâm tổ chức các hoạt động quảng bá về văn hóa đọc, các cuộc thi, diễn đàn… để thu hút và nâng cao ý thức, lòng say mê đọc sách cho các em, tạo mọi điều kiện để thư viện hoạt động phục vụ nhu cầu đọc của học sinh.
Trường THCS Thị trấn Ba Chẽ tiền thân là Trường cấp 1+2 Thị trấn Ba Chẽ được thành lập năm 1977, đến năm 1996 khối cấp 2 được sát nhập với Trường THPT Ba Chẽ, từ tháng 9 năm 2003 tách khỏi Trường THPT Ba Chẽ và mang tên Trường THCS Thị trấn Ba Chẽ.
Trong suốt quá trình thành lập và phát triển, nhà trường đã không ngừng phấn đấu vươn lên. Xác định để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, đạt được những bước tiến mới, nhà trường xây dựng đội ngũ cán bộ giáo viên phải mạnh về chuyên môn, tâm huyết với nghề, mỗi cán bộ, giáo viên luôn là tấm gương sáng cho các thế hệ học sinh noi theo.
Trường THCS Thị trấn Ba Chẽ đóng trên địa bàn trung tâm huyện nên có điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức các hoạt động giáo dục, nhận thức của học sinh và phụ huynh về giáo dục có tiến bộ hơn. Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao, các hoạt động văn hoá, văn nghệ, TDTT được duy trì tốt. Các đoàn thể trong nhà trường như: Công đoàn, Đoàn thanh niên, Đội thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh hoạt động có nền nếp, có hiệu quả.
Tháng 7 năm 2011, Trường được công nhận đạt trường chuẩn quốc gia 5 năm giai đoạn 2011-2016. Tháng 12 năm 2014 được công nhận trường đạt chuẩn chất lượng giáo dục cấp độ 3. Tháng 12 năm 2016, trường tiếp tục được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2016-2021. Tháng 7 năm 2020 trường tiếp tục công nhận trường đạt chuẩn chất lượng giáo dục cấp độ 3, trường chuẩn quốc gia mức độ 2. Số lượng học sinh khá giỏi cũng như hạnh kiểm tốt trong những năm học qua chiếm tỷ lệ cao; các đội tuyển của trường thường xuyên tham gia các cuộc thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh đạt nhiều thành tích tốt.
Có được những thành thích đáng ghi nhận nói trên ngoài nỗ lực dạy và học của giáo viên và học sinh nhà trường, còn có một phần không nhỏ đến từ nỗ lực phát triển văn hóa đọc cho các em học sinh trong suốt một thời gian dài, đã và đang phát huy những hiệu quả rất tích cực.
Để phát triển được văn hóa đọc, nhà trường đã xác định cần thiết phải có nguồn sách báo tốt cho thư viện. Hiện nay kho sách nhà trường nhìn chung đã phục vụ đủ cho nhu cầu đọc sách và nghiên cứu của giáo viên.Số lượng sách tham khảo chủ yếu là sách chuyên môn nâng cao sách bổ trợ kiến thức xã hội, tâm lý thanh thiếu nhi như: về truyện tranh, truyện cổ tích phát huy khả năng đọc hiểu của các em; sách đạo đức … tạo điều kiện để các em có thể mượn đọc nhiều và phục vụ đọc theo chủ đề được phong phú, đa dạng, hấp dẫn, đầy đủ và hiệu quả cao.
Học sinh nhà trường nhìn chung có nề nếp trong việc đọc và mượn trả sách có ý thức cao về tự học và đọc sách chuyên cần. Giáo viên ngoài đọc sách chuyên môn, một số còn rất thích tìm kiếm thông tin trên báo, tạp chí.
Để phát huy được vai trò quan trọng của thư viện trường học, nhà trường luôn chú trọng đến việc giáo dục và bồi dưỡng cán bộ làm thư viện: luôn có tư tưởng tiên tiến, hết lòng vì học sinh, luôn suy nghĩ và hành động phục vụ con em nhân dân theo mục đích phương châm, đường lối giáo dục tư tưởng.
Tổ nghiệp vụ thư viện được thành lập vì yêu cầu của công việc và sự liên kết chặt chẽ giữa giáo viên và học sinh để đẩy mạnh chất lượng dạy và học, làm tốt các khâu tổ chức kỹ thuật, xây dựng thư viện hoàn chỉnh tổ chức theo đúng nghiệp vụ thư viện, thường xuyên đề xuất những ý kiến xây dựng và kiện toàn thư viện, vận động giáo viên và học sinh đọc làm theo sách, chủ động phát động học sinh, giáo viên đọc sách nhân kỷ niệm những ngày lễ lớn, phục vụ các đợt học tập chính trị bồi dưỡng nghiệp vụ…
Các thành viên của tổ cũng luôn tìm hiểu nhu cầu của giáo viên và học sinh, giúp họ chọn sách và đọc sách có hệ thống, biết cách tra cứu và sử dụng thư mục sách nhằm sử dụng triệt để kho sách nhất là sách nghiệp vụ và sách tham khảo; phối hợp với Hội đồng giáo viên thành lập mạng lưới giới thiệu, tuyên truyền sách, báo trong giáo viên và học sinh dưới mọi hình thức như: Tổ chức triển lãm, trình bày sách phục vụ giảng dạy và học tập, theo dõi giúp đỡ học sinh đọc sách, tìm đọc những cuốn sách phù hợp bổ ích, hướng dẫn học sinh làm quen với thư viện, có thói quen đọc sách và có phương pháp đọc khoa học cho kết quả cao; hướng dẫn, vận động bạn đọc giữ gìn sách báo, bảo vệ và xây dựng thư viện; đóng góp sách báo cũ, bọc dán phục chế sách, sửa chữa bàn ghế, tủ thư viện; tổ chức tốt việc cho mượn sách tham khảo, sách giáo khoa…
Năm học 2021-2022 nhà trường đã chú trọng công tác đổi mới cách thức tổ chức và hoạt động thư viện như: tăng cường thời gian đọc, số lượng sách đọc trong học sinh; nâng cao trình độ của cán bộ/nhân viên thư viện đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển văn hóa đọc, thực hiện các nhiệm vụ xây dựng vốn tài liệu, triển khai công tác phục vụ và dịch vụ thư viện; các hoạt động tập huấn, tổ chức truyền thông trong xây dựng và phát triển văn hóa đọc. Do đó nhà trường luôn duy trì tốt danh hiệu “Thư viện chuẩn”, nhân viên thư viện được đào tạo, tập huấn và nắm vững chuyên môn, nghiệp vụ.
Nhà trường cũng tổ chức tốt Ngày Sách Việt Nam và các hoạt động phát triển văn hóa đọc cho học sinh. Xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kĩ năng và phong trào đọc trong học sinh toàn trường, chú trọng tới học sinh có điều kiện khó khăn; cải thiện môi trường đọc; giúp các em trở thành người đọc độc lập, tăng vốn hiểu biết, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng đạo đức, nhân cách, tâm hồn, hình thành lối sống lành mạnh trong con người, xã hội Việt Nam. Tiếp tục xây dựng thư viện trường học với các tiêu chí mới góp phần tích cực đáp ứng yêu cầu thúc đẩy phong trào đọc, hình thành thói quen đọc, góp phần phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng; đồng thời khuyến khích học sinh tìm hiểu, thực hành các hoạt động nghiên cứu khoa học và vận dụng kiến thức, kĩ năng vào thực tiễn.
Những trang sách hay sẽ mang lại những điều hữu ích cho học sinh, làm thay đổi nhận thức và thái độ sống của các em. Nhà trường và thầy cô giáo cần tạo điều kiện tốt nhất để các em chiếm lĩnh kho tri thức vô giá của nhân loại qua những trang sách quý. Để giúp học sinh chiếm lĩnh kho tàng tri thức khổng lồ, giáo viên cần tăng cường hướng dẫn các em cách học, cách đọc sách. Chính vì thế, văn hóa đọc phải bắt đầu từ chương trình dạy học ở trường, từ đó lan tỏa ra toàn xã hội. Hiểu vậy và làm theo, đó là những điều mà nhà trường đã và đang nỗ lực thực hiện vì những thế hệ học sinh toàn diện có nền tảng là văn hóa đọc trong bản thân mỗi em học sinh.
Nhật Linh biên tập.