Từ ngày 31/5 đến ngày 01/6, Đoàn Kiểm tra, giám sát về công tác thư viện do bà Kiều Thuý Nga, Vụ trưởng Vụ Thư viện – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (BVHTTDL), đã đến thăm và làm việc tại Thành phố Đà Nẵng. Tại đây, đoàn đã có các buổi làm việc với Sở Văn hoá và Thể thao (VH-TT) Thành phố Đà Nẵng, Thư viện Thành phố Đà Nẵng, Thư viện quận Sơn Trà và Thư viện huyện Hoà Vang.
Đà Nẵng là tỉnh, thành phố thứ 2 Bộ VHTTDL tiến hành kiểm tra, giám sát về công tác thư viện trong năm 2023. Nội dung hoạt động của đoàn công tác nhằm kiểm tra, đánh giá tình hình triển khai các văn bản quy phạm pháp luật; kết quả thực hiện các Đề án, Chương trình, Chỉ thị của Chính phủ, Chương trình phối hợp công tác giữa Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch với các Bộ, ngành trong lĩnh vực thư viện của hệ thống thư viện công cộng tại Thành phố Đà Nẵng.
Ngày 21/5, đoàn công tác đã có buổi làm việc với Sở VH-TT Đà Nẵng. Tiếp đoàn có bà Nguyễn Thị Hội An – Phó Giám đốc Sở VH-TT, lãnh đạo Phòng Văn hoá-Thông tin và Ban lãnh đạo Thư viện Thành phố Đà Nẵng.

Quang cảnh buổi làm việc tại Sở VH-TT Đà Nẵng
Tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Hội An, Phó Giám đốc Sở VH-TT Đà Nẵng cho biết: Hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn gồm 01 Thư viện cấp tỉnh (Thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng), 06 Thư viện cấp quận/ huyện, 07 Phòng đọc sách xã, phường. Ngoài ra có 03 Thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng (Olive Gallery, Thư viện Hiền Nhân, Thư viện Vạn Hạnh).
Nhìn chung, Thư viện KHTH Đà Nẵng và hệ thống Thư viện quận, huyện; phòng đọc sách xã, phường, tủ sách cơ sở đã cơ bản đáp ứng các tiêu chí hoạt động cũng như điều kiện thành lập tại Nghị định 93/2020/NĐ-CP ngày 18/8/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thư viện. Thư viện KHTH đã xây dựng và ban hành được bộ tiêu chí chấm điểm xếp loại thư viện quận, huyện hàng năm giai đoạn 2021-2025.
Hiện nay, thành phố có 6/7 quận, huyện có thư viện; 07 xã, phường có phòng đọc sách. Thư viện thành phố vẫn luôn giữ vai trò là đầu mối trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn, tập huấn chuẩn nghiệp vụ. Duy trì tốt các hoạt động phối hợp, hỗ trợ, nắm bắt tình hình công tác chuyên môn ở các thư viện cấp quận, huyện và tuyến cơ sở. Thường xuyên phối hợp với lãnh đạo, cán bộ thư viện quận, huyện củng cố xây dựng các phòng đọc sách xã, phường, thôn văn hoá.
Hằng năm, Sở Văn hóa và Thể thao chỉ đạo Thư viện KHTH thành phố chủ động xây dựng kế hoạch công tác xử lý hoàn thiện vốn tài liệu ban đầu và tổ chức kho tài liệu; tham mưu, hướng dẫn Trung tâm Văn hoá- Thông tin/ Trung tâm VHTT và Thể thao quận, huyện các hoạt động chuyên môn và công tác tổ chức các hoạt động khuyến khích phát triển văn hóa đọc tại địa phương.
Về tình hình thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực thư viện, Sở Văn hóa và Thể thao đã triển khai đầy đủ và kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực thư viện, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ VHTTDL về các hoạt động thư viện cụ thể như: Tổ chức triển khai Luật Thư viện số 46/2019/QH14 ngày 21/11/2019, Nghị định số 93/2020/NĐ-CP ngày 18/8/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thư viện và các văn bản hướng dẫn liên quan; Xây dựng kế hoạch phát triển, đổi mới hoạt động thư viện theo lộ trình hằng năm, trung hạn và dài hạn. Sau khi tổng kết 10 năm thực hiện 02 Đề án “Phát triển hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn thành phố giai đoạn 2013-2015” và Đề án giai đoạn 2015-2020 do UBND thành phố ban hành, Sở VHTT đang tham mưu UBND thành phố triển khai Đề án “Phát triển hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”; Thực hiện việc liên thông, liên kết phối hợp giữa các thư viện quận, huyện. Theo đó, triển khai sử dụng tốt hoạt động của phần mềm quản trị tích hợp thư viện số ilib 8.0; Từng bước hiện đại hóa thư viện và các hoạt động phát triển văn hóa đọc đáp ứng nhu cầu đọc và học tập của người dân; Triển khai đầy đủ các Thông tư của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong lĩnh vực thư viện tại các Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác thư viện đầu năm.
Sở VHTT cũng tham mưu UBND tỉnh ban hành kịp thời các văn bản cần thiết để triển khai các Đề án, Chương trình của Chính phủ đối với lĩnh vực thư viện như: Đề án Phát triển Văn hoá đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 64/QĐ-UBND ngày 05/01/2018 về việc ban hành Đề án “Khuyến khích văn hóa đọc hướng đến đối tượng chính là học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”, Quyết định số 3071/QĐ-UBND ngày 27/9/2021 về việc ban hành Đề án “Phát triển hệ thống thư viện công cộng thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”), Chương trình Chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Chương trình Đẩy mạnh các hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hoá đến năm 2030 (Kế hoạch số 45/KH-UBND ngày 28/02/2023 về “Đẩy mạnh các hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”), Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 01/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh đổi mới hoạt động của thư viện trong xây dựng, phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi…
Kết luận tại buổi làm việc với Sở VHTTDL, bà Kiều Thuý Nga, Vụ trưởng Vụ Thư viện đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của những người làm công tác thư viện trên địa bàn, vượt qua những khó khăn, thách thức,từ đó đạt được những thành tựu mà đã được Bộ VHTTDL ghi nhận trong thời gian qua. Để làm tốt hơn nữa trong thời gian tới, bà Kiều Thuý Nga đề nghị Sở VHTT tăng cường phối hợp với các ngành, các cấp tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, khắc phục những khó khăn, hạn chế để công tác thư viện đạt được những kết quả tốt nhất.
Tin, ảnh: Nhật Linh