Đọc sách là một hoạt động đã hình thành từ rất lâu và được xem là một nét văn hoá trong đời sống xã hội. Sách chính là con đường lớn nhất để con người tiếp cận thông tin, văn hóa, tri thức và đọc sách là một trong những cách thức giúp con người thư giãn, tích lũy kiến thức, tăng cường khả năng tư duy. Tuy nhiên, ngày nay do sự tiện ích của các phương tiện nghe nhìn, sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin, do sự nhìn nhận chưa sâu sắc về lợi ích của việc đọc sách đã làm cho văn hoá đọc như “chững lại”, nhất là giới trẻ -“thế hệ đọc tương lai”- lại ít quan tâm đến đọc sách.
Trước thực tế đó, nhiều mô hình thư viện mới đã ra đời như: thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng, thư viện xanh trong các trường học, xe thư viện lưu động… nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ về xây dựng và phát triển văn hóa đọc. Trong đó xe thư viện lưu động được xem mô hình hoạt động hiệu quả nhất trong thời gian gần đây, đã đưa sách đến trường học ở vùng sâu, vùng xa, vùng thuần đồng bào dân tộc điều kiện kinh tế-xã hội còn khó khăn ít có điều kiện tiếp cận với sách và tri thức.
Ảnh: Xe thư viện lưu động “Gieo mầm văn hoá đọc”
Xe thư viện lưu động là một thư viện thu nhỏ với 5.000 bản sách, 6 máy tính, truyền hình, mạng internet, máy chiếu đủ điều kiện để phục vụ đến 1000 bạn đọc trong một ngày. Đặc biệt trong vốn sách phục vụ lưu động có đầy đủ các lĩnh vực như: sách tham khảo, thế giới động thực vật, lịch sử, địa lý, kỹ năng sống, văn học, truyện tranh với các bộ truyện đang thu hút độc giả nhỏ hiện nay… Xe thư viện lưu động tổ chức phục vụ đọc sách, truy cập internet, chiếu phim, đố vui kiến thức và làm một việc có ý nghĩa đối với cộng đồng là tặng quà cho học sinh nghèo (tiền, sách vỡ, dụng cụ học tập) tiếp sức cho các em đến trường từ nguồn kinh phí được vận động của tài trợ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
Tại Thư viện tỉnh Bình Thuận, kể từ khi tiếp nhận xe thư viện lưu động (tháng 10/2019) đến nay, thư viện đã đưa xe phục vụ 20 trường học và 01 đơn vị quân sự trên địa bàn: thị xã La-Gi, huyện Hàm Tân, Đức linh, Tánh Linh, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình; phục vụ cho 8.481 lượt bạn đọc và 25.503 lượt tài liệu luân chuyển đến tay bạn đọc.
Qua mỗi chuyến xe phục vụ đọc sách và tổ chức các hoạt động khuyến khích đọc sách, hiệu quả mang lại hơn hẳn tất cả các cuộc truyền thông vận động đọc sách trước đây. Mỗi buổi phục vụ đọc sách là thư viện mang đến cho người đọc một “bữa tiệc sách”, dẫu biết rằng sách không lạ gì với học sinh nhưng nó đã tạo ra sự háo hức, chờ đợi ở các em. Lứa học sinh từ lớp 2 trở lên, khi cầm quyển sách trong tay các em đọc rất chăm chú, say sưa đến cuối buổi đọc sách mà các em vẫn chưa muốn trả sách, còn những học sinh mới lớp 1 đọc chưa thông thì cầm sách đến để cô giáo đọc cho cả nhóm cùng nghe. Điều đó cho thấy đọc sách vẫn là niềm đam mê, vẫn là niềm khát khao, thích thú đối với học sinh. Có lẽ những gì từ sách mà thư viện mang đến chính là những điều chưa từng có, giúp học sinh khám phá ra chân trời mới chưa được gặp bao giờ. Đó như một bữa tiệc rất nhiều món ăn tinh thần mà không làm người ta no.
Ảnh: Các em học sinh nghe kể chuyện theo sách
Mô hình đọc sách bằng xe thư viện lưu động đã khẳng định hiệu quả trong xây dựng phong trào đọc sách và phát triển văn hóa đọc trong lứa tuổi học sinh. Các thầy cô giáo đánh giá đây là hoạt động có ý nghĩa đối với xã hội nhất là học sinh, giúp cho học sinh hiểu ra lợi ích của việc đọc sách để từ đó tạo ra sự cân bằng giữa đọc sách và sử dụng các phương tiện thông tin khác trong sinh hoạt hàng ngày, mong muốn rằng xe thư viện lưu động sẽ đến phục vụ thường xuyên hơn để tiếp tục gieo mầm tri thức và chăm bón cho mầm non văn hóa đọc xanh tươi, bám rễ sâu vào đời sống cộng đồng.
Ảnh: Một buổi đọc sách do xe thư viện lưu động đưa đến
Thiết nghĩ, việc phục vụ đọc sách lưu động đã đạt được mục tiêu đưa sách đến với người dân, chuyển tải được thông điệp về lợi ích của việc đọc sách, nhưng đó cũng mới chỉ mang tính chất như “gieo mầm” ban đầu. Bởi lẽ, muốn phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng một cách bền vững thì hoạt động đọc sách cần được trau dồi thường xuyên, cần được sự vào cuộc của nhiều cấp, nhiều ngành, từ gia đình đến xã hội, trong đó ngành thư viện, nhất là hệ thống thư viện huyện, thư viện trường học đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì, nhân rộng phong trào đọc sách trong học sinh. Có như vậy văn hóa đọc mới thật sự bám rễ trong cộng đồng.
Nguyễn Thái Ngọc Hân.