Trong đời sống xã hội có những ngành, lĩnh vực thoáng nhìn cảm như không có quan hệ gì, nhưng trên thực tế lại có sự liên quan rất khăng khít với nhau như: Thư viện và Du lịch. Đó là sự kết, nối tương tác với nhau về tri thức và kinh doanh dịch vụ.
Thư viện là ngành cung cấp kiến thức trên mọi lĩnh vực, còn du lịch là ngành kinh tế cung cấp các dịch vụ về nghỉ dưỡng, tham quan, trải nghiệm. Trong đó, thư viện thông qua sách hay tài liệu với các kết quả nghiên cứu khoa học về lịch sử, địa lý, đất đai, môi trường, khí hậu, con người, văn hóa, xã hội, trên cơ sở đó du lịch tham khảo, nghiên cứu xác định điều kiện, mục tiêu, yêu tố lợi thế để xây dựng chiến lược kinh doanh dịch vụ du lịch.
Du lịch.
Du lịch là ngành kinh tế đã và đang chiếm lĩnh vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Những lợi ích mà du lịch mang lại là vô cùng to lớn, giải quyết các vấn đề về lao động, thu nhập, vật chất và tinh thần; khai thác hiệu quả nguồn lực thiên nhiên, văn hóa, đất nước và con người.
Trong xã hội hiện đại, du lịch được xem là một nhu cầu trong đời sống của mỗi người, “Ai cũng phải đi du lịch để học hỏi” (Mark Twain) và “Đầu tư vào du lịch là một khoản đầu tư cho bản thân” (Matthew Karsten). Mỗi tập thể, mỗi cá nhân tuỳ theo phạm vi không gian, thời gian, thu nhập, mục đích… có thể lập chương trình cho một chuyến du lịch theo những loại hình du lịch phổ biến nhất, như: du lịch tham quan, du lịch văn hóa, du lịch ẩm thực, Du lịch xanh, du lịch trải nghiệm, du lịch MICE, Teambuilding; về một địa danh, một di tích, một di sản, một dân tộc… ở nơi sẽ đến và có thể không lập chương trình cho chuyến đi, cứ đi theo cảm hứng để đón nhận những điều bất ngờ.
(Sách Địa chí Bình Thuận)
Thư viện.
Thư viện là kho tàng tri thức, ở đó tàng trữ toàn bộ tư liệu về nền văn minh của nhân loại, bao gồm: các phát minh khoa học, tư tưởng triết học, tư tưởng nhân văn, tài nguyên môi trường, di sản văn hóa thế giới hay danh lam thắng cảnh… Hiện nay, trong thời đại thông tin và công cụ tìm kiếm thông tin hiện đại, thông minh người ta có thể tìm hiểu về một di sản, một địa danh, một di tích, một bản sắc văn hóa, một dân tộc… một cách dễ dàng thông qua các phương tiện thông tin và sách báo trong thư viện để trang bị cho cho mình vốn kiến thức về nhiều lĩnh vực của đời sống, từ đó có thể cảm nhận được cái hay, cái đẹp hay bản chất về một sự vật, hiện tượng trong thế giới đang tồn tại.
Ngoài ra, căn cứ vào tiềm năng, lợi thế trên lĩnh vực kinh tế du lịch của địa phương, thư viện đề ra giải pháp để hỗ trợ phát huy lợi thế đó thông qua giới thiệu sách, cẩm nang du lịch, sách về địa chí hoặc xây dựng các bộ sưu tập tài liệu chuyên đề về di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh; biên soạn các bản thư mục sách chuyên đề về du lịch phục vụ tra cứu và khai thác thông tin; thiết kế trang thông tin điện tử chuyên về du lịch, trong đó tích hợp bản đồ chỉ dẫn, các điểm đến du lịch các doanh nghiệp du lịch và thông tin về các di sản, di tích lịch sử, văn hoá, địa lý tư nhiện…; xây dựng phòng đọc chuyên biệt phục vụ doanh nhân như: phòng đọc doanh nhân, phòng hội thảo và dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm thông tin theo yêu cầu. Tất cả các hoạt động đó nhằm mục đích cung cấp thông tin phục vụ du khách và phục vụ cho doanh nghiệp, doanh nhân tìm hiểu, phát triển các dịch vụ du lịch cũng như tìm kiếm cơ hội đầu tư vào du lịch.
(Phòng đọc Doanh nhân Thư viện KHTH thành phố Hồ Chí Minh)
Hiện nay trong thời đại mở cửa và hội nhập, thư viện không còn giới hạn trong một địa phương mà là của mọi người không phân biệt về địa giới hành chính; du khách, doanh nhân đều được quyền tiếp cận và sử dụng thư viện với nhiều mục đích khác nhau. Du khách có thể đến thư viện tìm thông tin bổ sung cho kiến thức về những đặc điểm riêng có của địa phương nơi đến hay đọc sách giải trí lấp kín thời gian trống khi đi du lịch và tìm hiểu đời sống văn hóa tinh thần, dân trí thông qua thư viện; doanh nhân sử dụng thư viện tìm kiếm thông tin để xây dựng chiến lược kinh doanh hoặc cập nhật kiến thức về nhu cầu và thị hiếu của khách hàng cũng như xu thế phát triển ngành du lịch, trên cơ sở đó điều chỉnh, thay đổi để thoả mãn nhu cầu du khách và đạt lợi nhuận cao nhất.
Sự kết nối giữa thư viện và du lịch.
Khi đi du lịch, du khách thường tham quan các di tích lịch sử, văn hóa, thắng cảnh…, ở đó thông qua hướng dẫn viên hay thuyết minh viên sẽ cung cấp những thông tin cơ bản về lịch sử hình thành hay quá trình vận động của một di tích, một thắng cảnh, bản chất của một sự vật, một nền văn hóa… Và điều này càng có ý nghĩa hơn khi đã tích luỹ trước những thông tin về nó, lúc đó cảm nhận sẽ sâu sắc hơn. Sự kết nối giữa thông tin đã có với thông tin được cung cấp hiện tại cùng với sự quan sát trực tiếp bằng “mắt thấy, tai nghe” sẽ được hoà quyện tạo thành vốn kiến thức mới cho mỗi người. Những thông tin được nghe trực tiếp có thể không giống với những thông tin đã có trước đó, hay sự chênh lệch giữa những gì tiếp cận qua sách báo, hình ảnh với thực tế thì đó cũng là điều tất nhiên, vì sách hay tài liệu được viết ra tuỳ theo khía cạnh, mục tiêu cần giải quyết của mỗi nhà nghiên cứu trên cùng một sự vật, hiện tượng, hoặc mục đích cung cấp thông tin của nhà cung cấp dịch vụ du lịch, nhưng tất cả những nhận thức đó sẽ tác động để du khách suy ngẫm, đánh giá tính chính xác, hay mở rộng thêm kiến thức.
(Giới thiệu vắn tắt về tháp Chăm Pô Sah Inư)
Vì vậy, sự kết nối giữa thư viện và du lịch là sự kết hợp giữa kiến thức và trực giác, những cảm nhận có được từ sách báo, hình ảnh được tái hiện một cách cụ thể, thay cho cảm nhận là các giác quan đều vận động trước không gian, thời gian, cảnh vật, nghệ thuật, văn hoá, sự vật, hiện tượng diễn ra trong “mắt thấy, tai nghe, suy luận”; mọi thứ như bùng nổ trong nhận thức làm cho con người thấy thoả mãn, thích thú, như câu nói: “Du lịch là thứ duy nhất bạn phải bỏ tiền mua nhưng lại khiến bạn giàu có hơn.”
Ngày nay kinh tế phát triển trên nền tảng tri thức; việc vận dụng tri thức, nắm bắt, cập nhật, xử lý thông tin phục vụ cho mục đích kinh doanh là yêu cầu tất yếu, liên tục, từ đó định hướng cho chiến lược kinh doanh mới theo sự phát triển của xã hội. Mặc dù chỉ là một ngành trong nền kinh tế nhưng ngành du lịch cũng vận động theo xu thế đó, vì vậy sự kết nối giữa thư viện và du lịch là giải pháp cung cấp và tiếp cận thông tin để ngành du lịch luôn luôn đổi mới, luôn luôn tạo ra những sản phẩm dịch vụ ngày càng phong phú, gần gũi, thân thiện thoả mãn nhu cầu du khách, tạo ra giá trị gia tăng đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Trần Văn Bé – Thư viện tỉnh Bình Thuận.