Trong những năm qua, tỉnh Đồng Tháp đã triển khai các đề án, kế hoạch phát triển văn hóa đọc, góp phần xây dựng một xã hội học tập suốt đời của mọi người dân, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững.
Thực hiện Quyết định số 329/QĐ-TTg ngày 15/03/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; UBND tỉnh Đồng Tháp ban hành Kế hoạch số 91/KH-UBND ngày 23/03/2021 về việc thực hiện Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Qua 2 năm triển khai thực hiện, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng tỉnh Đồng Tháp đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Hiện nay, toàn tỉnh Đồng Tháp có 01 Thư viện cấp tỉnh, 09 Thư viện huyện, 143 Phòng đọc sách xã, phường, thị trấn (11 Phòng đọc sách có dự án BMGF-VN), 211 Tủ sách khuyến học, 01 Thư viện cộng đồng Ba Tấn, 01 Phòng đọc sách khu nhà ở tập thể Công nhân Cadovimex II tại thành phố Sa Đéc, Không gian đọc sách và tự học đặt tại Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh Đồng Tháp và 02 tủ sách gia đình. Công tác xã hội hóa hoạt động thư viện được thực hiện hiệu quả, nhiều mô hình hoạt động mới nhằm phát huy cơ sở vật chất thư viện đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa đọc; các hoạt động được sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp và sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân trên địa bàn Tỉnh.
Hàng năm, thực hiện chương trình công tác và căn cứ hướng dẫn của Bộ VHTT&DL, Sở VHTT&DL, Thư viện Tỉnh xây dựng Kế hoạch cụ thể triển khai các hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị, kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, địa phương. Nổi bật, hoạt động tuyên truyền thư viện giai đoạn 2020-2022 thích ứng, an toàn, hiệu quả duy trì trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, được các ngành, các cấp, nhân dân ủng hộ và đạt hiệu quả cao.
Các thư viện luôn đổi mới về hình thức và nội dung nhằm đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu của người dân. Đến nay, hệ thống thư viện công cộng đã phục vụ học sinh, sinh viên và người học khác được tiếp cận, sử dụng thông tin tri thức tại thư viện công cộng bình quân đạt 1.190.234 lượt người/ 2.503.806 lượt tài liệu/ năm. Đạt tỷ lệ 74% so với dân số Tỉnh năm 2022.
Các thư viện phục vụ hiệu quả 06 ngày trong tuần với 07 phòng phục vụ (đọc – mượn, thiếu nhi, thực hành thiếu nhi, báo – tạp chí, thư viện điện tử, thư viện dành cho người khuyết tật, không gian đọc sách và tự học). Hàng năm trung bình tại Thư viện Tỉnh và cơ sở phục vụ hơn 900.000 lượt người/1.600.000 lượt tài liệu, cấp mới trung bình 5.000 thẻ bạn đọc/năm. Bên ngoài thư viện triển khai củng cố, kiện toàn và nâng cao hoạt động hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn tỉnh phát triển văn hóa đọc từ tỉnh đến cơ sở. Trung bình hàng năm thực hiện luân chuyển tài liệu 130 cuộc với 45.000 lượt tài liệu đến cơ sở phục vụ 90.000 lượt người/180.000 lượt tài liệu. Tổ chức phục vụ Thư viện lưu động “Ánh sáng tri thức” 72 cuộc/ năm, với 26.450 lượt người/64.724 lượt tài liệu, tổ chức trao tặng Tủ sách khuyến học cho 52 điểm trường học, Trung tâm văn hóa – học tập cộng đồng cấp xã thu hút 3.784 lượt người/ 9.768 lượt tài liệu. Hoạt động ý nghĩa này luôn được người dân vùng sâu, vùng xa, các xã nông thôn mới, xã vùng biên ủng hộ và tham gia tích cực, đạt 0.1 người dân/bản sách.
Các thư viện trong toàn tỉnh đã tổ chức được nhiều hoạt động nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng đọc cho bạn đọc thư viện cũng như người dân trên địa bàn toàn tỉnh như: Tọa đàm chủ đề “Phát triển văn hóa đọc trong thời đại số”, Tổ chức nói chuyện chuyên đề, giới thiệu tác giả – tác phẩm nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ nhất tỉnh Đồng Tháp năm 2022, diễn ra trong 06 ngày (từ ngày 18/4 – 23/4/2022) với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, thu hút trên 32.600 lượt người tham gia, tham quan (tăng 7.850 lượt người so với năm 2019)…
Toàn hệ thống thư viện công cộng có 3.844.148 bản sách, đạt 2.42 bản sách/ người dân trong hệ thống thư viện công cộng. Trong đó Thư viện Tỉnh đạt 231.579 bản sách, Thư viện cấp huyện đạt 129.472 bản sách, Thư viện cấp xã (tủ sách pháp luật), Tủ sách Ánh sáng tri thức, Tủ sách Khuyến học, Tủ sách bưu điện văn hóa xã đạt 3.483.097 bản sách. Trung bình mỗi người dân đọc 2.42 cuốn sách/ năm (đạt 80% so với chỉ tiêu đến năm 2025). Hằng năm, Thư viện Tỉnh luân chuyển tài liệu cho các Thư viện công cộng cấp huyện, cấp xã, các Thư viện trường học, các Tủ sách khuyến học, trường học, trại giam… trung bình hàng năm trên 30 cuộc luân chuyển và 80.000 tài liệu đến cơ sở…
Nhìn nhận về kết quả đạt được, có thể thấy qua 02 năm triển khai Đề án phát triển văn hóa đọc, hệ thống thư viện công cộng Đồng Tháp có số lượt người sử dụng thư viện và số lượt sách báo phục vụ tăng cao; số bản sách bình quân đầu người và số cuốn sách người dân đọc trung bình tăng so với năm 2020 dù tình hình dịch bệnh Covid-19 còn kéo dài đến những tháng đầu năm 2021, song Thư viện đã thay đổi hình thức phục vụ từ trực tiếp sang trực tuyến để đảm bảo cho người dân được tiếp cận tri thức. Công tác tập huấn về kỹ năng đọc được triển khai thực hiện thường xuyên tại Thư viện Tỉnh và các đợt phục vụ lưu động đa phần giúp người đọc tiếp cận được phương pháp đọc, lựa chọn tài liệu đáp ứng nhu cầu sử dụng thông tin tri thức của người dân.
Tuy vậy, vẫn còn tồn tại những khó khăn, hạn chế làm ảnh hưởng đến sự nghiệp phát triển thư viện và văn hóa đọc tại địa phương. Cụ thể, Kinh phí bổ sung tài liệu Thư viện Tỉnh còn thấp so với mặt bằng chung của các Thư viện khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Tại các Thư viện huyện, thành phố chưa phân bổ kinh phí bổ sung sách và tổ chức hoạt động như thư viện Tháp Mười, Cao Lãnh, thành phố Sa Đéc. Về cơ cấu tổ chức, Thư viện cấp huyện có 9/9 thư viện đã sáp nhập theo Quyết định 09/QĐ-UBND ngày 29/01/2018 của UBND tỉnh Đồng Tháp về việc sáp nhập Trung tâm văn hóa, Thể thao và Truyền thanh, Nhà thiếu nhi và Thư viện thành Trung tâm văn hóa, Thể thao và truyền thanh trực thuộc Phòng Văn hóa và Thông tin. Từ đó hoạt động cơ sở không được đẩy mạnh, chưa có chiều sâu, nhân viên phụ trách công tác thư viện cơ sở là kiêm nhiệm, chưa được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ hạn chế trong việc tổ chức hoạt động. Trụ sở Thư viện huyện, thị, thành phố chưa được đầu tư đúng mức, cơ sở vật chất chưa đầu tư đúng hạn mục ảnh hưởng đến công tác phục vụ người đọc. Hoạt động cơ sở được đẩy mạnh nhưng chưa có chiều sâu do nhân viên thư viện chưa được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ như Thư viện thành phố Sa Đéc, thành phố Hồng Ngự, huyện Tháp Mười, huyện Cao Lãnh.
Từ những đánh giá về kết quả đạt được cũng như những thuận lợi, khó khăn, thách thức còn tồn tại, tỉnh Đồng Tháp cũng đã xác định phương hướng phát triển văn hóa đọc của tỉnh trong thời gian tới: Phát triển mạng lưới thư viện, tăng cường vốn tài liệu cho hệ thống thư viện công cộng, tạo điều kiện để người dân có thói quen đọc và tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức tại nơi sinh sống, học tập, công tác; Các chỉ tiêu văn hoá đọc được duy trì và củng cố theo hướng tăng dần, môi trường đọc được tiếp tục mở rộng với nhiều loại hình từ tỉnh đến cơ sở. Hoạt động thư viện có khả năng đáp ứng nhu cầu đọc của người dân; Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu theo Kế hoạch 91/KH-UBND về khả năng tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức; về nâng cao kiến thức, kỹ năng đọc; về tăng cường phát triển vốn tài liệu …
Triển khai thực hiện tốt Đề án phát triển văn hóa đọc sẽ góp phần xây dựng nền văn hóa và con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo, có kiến thức kỹ năng nghề nghiệp và có khát vọng khởi nghiệp; quảng bá hình ảnh địa phương, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Đồng Tháp trong tình hình mới.
N.L