Cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc”trong sinh viên trường Bách khoa do Thư viện Tạ Quang Bửu, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (ĐHBKHN) phát động từ ngày 21/2/2019.
Cuộc thi nhằm khơi dậy niềm đam mê đọc sách và khuyến khích việc chia sẻ, lan tỏa văn hóa đọc trong sinh viên; lựa chọn bài viết tốt, có khả năng truyền cảm hứng đến cộng đồng để tham gia dự thi Vòng Chung kết cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” năm 2019 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.
Sau lễ phát động, cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” đã được tuyên truyền rộng rãi trên nhiều kênh khác nhau nhằm quảng bá và đưa thông tin về thể lệ cuộc thi tới các bạn sinh viên trong và ngoài trường. Đây là năm đầu tiên cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” được tổ chức tại trường ĐHBKHN nhưng đã thu hút được các bạn trẻ là sinh viên các trường Đại học trong cả nước tham gia, trong đó chủ yếu là Sinh viên trường ĐHBKHN.
Từ ngày 20/2/2019 đến ngày 10/3/2019, Vòng sơ khảo tại Thư viện Tạ Quang Bửu đã nhận được 299 bài dự thi. Theo đánh giá, các bài dự thi có sự đồng đều cả về chất lượng và hình thức. Nhiều bài dự thi được chuẩn bị công phu, trình bày đẹp, văn phong lưu loát, đúng chủ đề, bố cục khoa học; rút ra được ý nghĩa, bài học; có liên hệ bản thân hợp lý và thực sự là sản phẩm tinh thần của mỗi thí sinh. Có bài thi được viết tay rất đẹp chứa đựng nội dung rất sâu sắc, cảm động, nói lên ý nghĩa của việc đọc đối với tác giả. Có bạn chọn các cuốn giáo trình là tác phẩm làm bạn thay đổi cũng gây nên sự ngạc nhiên thú vị, như: Cấu trúc dữ liệu và giải thuật, Động cơ đốt trong… Qua quá trình đăng ký và gửi bài dự thi có thể nhận thấy còn nhiều bạn trẻ ham đọc sách và biết được vai trò to lớn của việc đọc sách.
Không chỉ chia sẻ cảm nhận về sách, các thí sinh dự thi còn đề xuất nhiều ý tưởng và biện pháp thực hiện trong thư viện và cộng đồng nhằm khuyến khích phát triển văn hóa đọc trong sinh viên như: nội dung sách cần được cập nhật liên tục nhất là các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ và cần nhiều sách về phát triển bản thân, kỹ năng sống, khởi nghiệp; cần tạo dựng nhiều hơn nữa môi trường đọc sách yên tĩnh, thư giãn, có đầy đủ ánh sáng, nước uống và có điều hòa không khí; bên cạnh sách truyền thống thì cần phát triển sách điện tử, tài liệu toàn văn trên internet; cán bộ thư viện cần nhiệt tình, thân thiện và hướng dẫn bạn đọc tìm tài liệu chuyên sâu hơn; các bạn đọc có thể tham gia nhóm trao đổi, giới thiệu sách trên mạng, ghi lại nhận xét sau khi đọc một cuốn sách hay; cần lan tỏa văn hóa đọc đến giới trẻ, các tổ chức xã hội và đặc biệt cần tạo thói quen đọc sách từ cấp tiểu học để hình thành văn hóa đọc cho thế hệ trẻ…
Kết thúc Vòng sơ khảo, Ban tổ chức đã chọn ra 11 bài xuất sắc để trao các giải thưởng đồng thời tiếp tục gửi dự thi vòng Chung kết cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Hai giải Nhất Vòng sơ khảo thuộc về Đỗ Hà Anh và Phạm Văn Vượng đều là sinh viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Giải Nhì thuộc về thí sinh Trần Thoại Mỹ (ĐH Y Hà Nội) và Lê Khánh Tùng (ĐHBKHN). Giải Ba thuộc về Vũ Đình Anh Khoa (Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh), Ngô Thị Trang (Học viện Hành Chính Quốc gia), Phạm Thế Nguyên (ĐHBKHN). Giải Khuyến khích thuộc về Đậu Thị Hồng Linh (Đại học RMIT Tp. Hồ Chí Minh), Vũ Lê Hoàng (ĐHBKHN), Nguyễn Tấn Lộc (Đại học Quốc tế Tp. Hồ Chí Minh) và Nguyễn Thị Duyên (ĐHBKHN).
Sự hưởng ứng nhiệt tình của sinh viên ĐHBKHN đã chứng tỏ cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” năm 2019 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức thực sự là một sân chơi bổ ích, lý thú, nơi các bạn sinh viên được thỏa sức chia sẻ về cuốn sách yêu thích, về những điều tâm đắc, những sự thay đổi tích cực mà sách mang lại. Đây là một hoạt động có ý nghĩa thúc đẩy phong trào đọc, hình thành thói quen đọc sách, góp phần phát triển văn hóa đọc trong các trường đại học và cộng đồng.
Một số cuốn sách được bạn đọc yêu thích, chia sẻ nhiều nhất: Đắc nhân tâm; Nhà giả kim; Trên đường băng. Tony buổi sáng; Săn học bổng; Thế giới phẳng; Kỹ năng đi trước đam mê; Havard 4 giờ sáng; Cuộc sống thay đổi khi ta thay đổi; Nghĩ giàu làm giàu; Quốc gia khởi nghiệp; Cấu trúc dữ liệu và giải thuật và Robot công nghiệp.
Một số cảm nhận tích cực về các cuốn sách hay:
– “Đắc nhân tâm” của Dale Carnegie là cuốn sách được tác giả viết ra bằng cả tâm huyết của mình. Cuốn sách nói lên sức mạnh của ý nghĩ, từ suy nghĩ chuyển thành hành động và có ảnh hưởng làm thay đổi cuộc đời hàng triệu người trên thế giới.
– “Nhà giả kim” là một cuốn sách rất hay. Sau khi đọc xong cuốn sách đó tôi đã học được nhiều bài học quý giá. Hãy theo đuổi ước mơ của mình và tin tưởng vào chính bản thân mình. Cuốn sách dạy cho mọi người biết ước mơ và thực hiện nó bằng chính bản thân mình.
– Khi đọc cả cuốn sách (Nhà giả kim) điều tôi nhận ra và tâm đắc nhất khi giở hết trang giấy cuối cùng của cuốn sách đó là nhận thức ra một điều rằng: nhiều khi kho báu lớn nhất mà cả đời mỗi người đi tìm lại gần chúng ta trong gang tấc nhưng nghịch lý là mỗi người lại luôn đi một vòng lớn rồi mới khám phá ra nó. Tưởng như khó, xa mà lại rất gần
– “Trên đường băng” là cuốn sách rất hay và bổ ích đối với lứa tuổi vị thành niên. Tác giả đã giúp tôi có một cái nhìn tổng quan hơn về thế giới bên ngoài, thức tỉnh những đam mê trong con người tôi. Cuốn sách đã giúp tôi có suy nghĩ trưởng thành hơn, tự tin hơn.
– “Havard 4 giờ sáng” là cuốn sách truyền cảm hứng cũng như những phương pháp học tập rất bổ ích cho bản thân. Hơn nữa, tôi rất ấn tượng với cách học của những sinh hàng đầu thế giới. Các bạn sinh viên nên tìm đọc cuốn sách này.
– Em tìm được cuốn sách (Cuộc sống thay đổi khi chúng ta thay đổi) lúc phát hiện mình mắc căn bệnh hiểm nghèo và phải sống chung với nó suốt đời. Lúc ấy em rất tuyệt vọng, em tìm đọc cuốn sách này và nó đã khai sáng suy nghĩ cho em, giúp em không bi quan, tự tin lên rất nhiều, lạc quan hơn. Em vô cùng biết ơn cuốn sách, thật sự cuốn sách đã thay đổi cuộc đời em.
Thu Thủy