Trong ngày 18/10/2018, tại Gia Lai đã tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa nhằm triển khai sâu rộng Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” của Thủ tướng Chính phủ
Sáng ngày 18/10/2018, tại Khách sạn Pleiku – Gia Lai, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai đã tổ chức Hội nghị “Tổng kết công tác xây dựng và phát triển văn hóa đọc ở cơ sở 2018 – Khảo sát phục vụ xây dựng Dự án Luật Thư viện”.
Tới dự Hội nghị có bà Vũ Dương Thúy Ngà – Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Phan Xuân Vũ – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai, bà Nguyễn Thị Thủy – Giám đốc Thư viện tỉnh Gia Lai, đại diện PA83 Công an tỉnh, Bưu điện tỉnh Gia Lai, ngoài ra còn có gần 50 đại biểu là lãnh đạo Phòng Văn hóa – Thông tin, Trung tâm Văn hóa và thư viện huyện 15 huyện, thị trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá hiệu quả hoạt động trong xây dựng và phát triển văn hóa đọc tại cơ sở của mạng lưới thư viện công cộng trong toàn tỉnh năm 2018, đồng thời đề ra phương hướng, giải pháp xây dựng và phát triển văn hóa đọc ở cơ sở năm 2019 đi vào chiều sâu và có hiệu quả thiết thực.
Hiện nay, hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn tỉnh Gia Lai gồm có 01 thư viện tỉnh, 15 thư viện huyện, thị xã. Ở cấp cơ sở, các tủ sách và phòng đọc sách hiện có đều tổ chức theo mô hình liên kết. Tổng số sách hiện có trong các thư viện công cộng là 580.408 bản/73.111 tên sách, trong đó Thư viện tỉnh 214.921 bản, Thư viện huyện 365.487 bản. Hàng năm, các thư viện tỉnh và thư viện huyện đều được cấp kinh phí bổ sung tài liệu thư viện, tài liệu cho kho sách luân chuyển.
Qua báo cáo Tổng kết công tác xây dựng và phát triển văn hóa đọc ở cơ sở 2018, nhìn chung dù còn gặp nhiều khó khăn, hệ thống thư viện tỉnh và huyện đang hoạt động tốt, ổn định, mở cửa phục vụ bạn đọc thường xuyên các ngày trong tuần, phục vụ và đáp ứng tốt nhu cầu của bạn đọc trên địa bàn. Phong trào đọc sách báo trong toàn tỉnh được củng cố và ngày càng phát triển, các thư viện tiến hành tốt công tác luân chuyển sách xuống cơ sở góp phần nâng cao dân trí, hình thành thói quen đọc sách, nâng cao đời sống tinh thần nhân dân. Bằng các phương tiện như ô tô, xe máy… cán bộ thư viện đã trực tiếp và gián tiếp phối hợp tổ chức phục vụ lưu động, đưa sách, báo từ kho sách dùng chung của tỉnh đến các điểm Bưu điện văn hóa xã, các đơn vị lực lượng vũ trang, các trường học, các xã vùng sâu, vùng xa, phục vụ các đối tượng bạn đọc đặc biệt (phạm nhân trại giam Gia Trung, bạn đọc Trung tâm ĐIOXIN, Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh, Làng trẻ em SOS…
Đánh giá cao công tác xây dựng và phát triển văn hóa đọc ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Gia Lai, bà Vũ Dương Thúy Ngà – Vụ trưởng Vụ Thư viện cũng đã giải đáp các thắc mắc của các đại biểu tham dự Hội nghị, đồng thời lưu ý Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục quan tâm nhiều hơn đến chính sách dành cho người làm thư viện trong hệ thống thư viện công cộng của tỉnh, đảm bảo các thư viện có đủ người để phục vụ bạn đọc, luân chuyển sách xuống cơ sở; Đồng thời đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh nghiên cứu, tham mưu Lãnh đạo tỉnh cân nhắc trong việc sáp nhập mô hình thư viện huyện trực thuộc Ủy ban nhân dân huyện đang hoạt động hiệu quả là Thư viện huyện Chư Sê và Thư viện thị xã An Khê.
Nhân dịp này, bà Vũ Dương Thúy Ngà cũng đã trao tặng hơn 1000 bản sách cho Thư viện tỉnh Gia Lai và các thư viện huyện để hỗ trợ các thư viện trong phục vụ nhu cầu đọc của người dân trên địa bàn tỉnh.
Trong buổi chiều cùng ngày, Vụ Thư viện – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai tổ chức Tọa đàm “Phát triển văn hóa đọc trong nhà trường”. Tới dự Tọa đàm có đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Lãnh đạo và cán bộ Thư viện tỉnh Gia Lai; Lãnh đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo và một số trường học trên địa bàn tỉnh.
Trong trường học, việc phát triển văn hóa đọc tạo thói quen đọc sách cho học sinh từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đọc sách sẽ giúp các em lĩnh hội các giá trị văn hóa, xã hội, góp phần hình thành và phát triển các kỹ năng tiếp nhận thông tin, tri thức, là một trong những yếu tố quan trọng trong hình thành nhân cách cho các em.
Trong thời gian qua, hệ thống trường tiểu học ở Gia Lai đã được đầu tư nhiều về cơ sở vật chất cho thư viện cả bao gồm sách giáo khoa, tài liệu tham khảo, sách giải trí, máy tính có kết nối internet, bàn ghế… Một số trường đã tạo thư viện có không gian mở để thu hút học sinh đến thư viện nhiều hơn.
Tại Tọa đàm, các đại đã trao đổi nhiều cách thức, phương pháp đổi mới nhằm thu hút học sinh, giáo viên đến với thư viện, thúc đẩy văn hóa đọc trong nhà trường phát triển trong thời gian tới như: Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đội ngũ giáo viên, học sinh về vai trò của thư viện và văn hóa đọc; Đa dạng hóa các hình thức thư viện, tạo không gian đọc sách cho học sinh; Phối hợp tổ chức các hoạt động đọc sách trong nhà trường để phát triển văn hóa đọc; Tăng cường công tác quản lý của lãnh đạo Nhà trường đối với hoạt động thư viện…
Kết thúc Tọa đàm, Vụ Thư viện và Chương trình sách hóa nông thôn đã trao tặng hơn 100 tủ sách cùng nhiều đầu sách thiếu nhi có giá trị cho các trường học và Làng trẻ em SOS – Pleiku trên địa bàn tỉnh Gia Lai với mong muốn giúp các em học sinh ở các trường có cơ hội tiếp cận với sách thuận tiện và dễ dàng hơn./.
Bà Vũ Dương Thúy Ngà – Vụ trưởng Vụ Thư viện trao tặng sách cho thư viện tỉnh và các thư viện huyện trên địa bàn tỉnh Gia Lai
Bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh Gia Lai phát biểu trao đổi về Chương trình phối hợp luân chuyển sách giữa thư viện và các điểm Bưu điện Văn hóa xã
Bà Vũ Dương Thúy Ngà – Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao tặng sách cho ông Võ Văn Hải Giám đốc Làng trẻ em SOS Pleiku – Gia Lai
T.L