Quản lý nhà nước là một dạng quản lý xã hội đặc biệt, mang tính quyền lực nhà nước và sử dụng pháp luật nhà nước để điều chỉnh các hành vi của con người trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội do các cơ quan trong bộ máy nhà nước thực hiện, nhằm thỏa mãn nhu cầu hợp pháp của con người, duy trì sự ổn định và phát triển của xã hội. trách nhiệm của Chính phủ, chính quyền địa phương và các bộ ngành đã được quy định khá cụ thể trong Luật.
Luật Liên bang về Sự nghiệp Thư viện của Đu ma Quốc gia Nga thông qua ngày 23/11/1994 đã quy định rõ trách nhiệm và những điều không được làm của các cơ quan nhà nước đối với hoạt động thư viện. Cụ thể, Khoản 1 Điều 15: Trách nhiệm của Nhà nước trong phát triển sự nghiệp thư viện đã xác định:
Các cơ quan nhà nước cấp liên bang đảm bảo:
– Đăng ký và kiểm tra việc tuân thủ chế độ bảo quản và sử dụng đặc biệt vốn thư viện thuộc về tài sản văn hoá của các dân tộc Liên bang Nga.
– Thành lập và cấp kinh phí cho các thư viện quốc gia và các thư viện cấp liên bang khác, quản lý các thư viện này.
– Xác định các nguyên tắc của đường lối Liên bang trong lĩnh vực đào tạo và đào tạo lại nhân viên thư viện, việc làm, trả lương, kể cả việc quy định những đảm bảo về mặt xã hội và những khoản ưu đãi đối với nhân viên thư viện.
– Thành lập và cấp kinh phí cho các cơ quan giáo dục cấp liên bang tiến hành việc đào tạo và đào tạo lại nhân viên thư viện, quản lý các cơ quan giáo dục này.
– Trợ giúp cho các công trình nghiên cứu khoa học và đảm bảo về mặt nghiệp vụ trong lĩnh vực thư viện, kể cả cấp kinh phí cho các hoạt động đó.
– Thiết lập các tiêu chuẩn và định mức nhà nước của ngành thư viện, tổ chức hệ thống đảm bảo thông tin cho sự nghiệp thư viện.
– Tổ chức thống kê nhà nước các thư viện.
Đồng thời, tại Khoản 3 của điều này cũng nêu rõ: “Cơ quan chính quyền nhà nước cấp liên bang, cơ quan chính quyền nhà nước cấp chủ thể Liên bang và cơ quan tự quản địa phương không có quyền thông qua quyết định và tiến hành các hoạt động dẫn tới sự sút kém trong việc đáp ứng vật chất – kỹ thuật của các thư viện đang hoạt động, những thư viện do ngân sách cấp kinh phí, không có quyền chuyển các thư viện vào những diện tích không đáp ứng các yêu cầu về an toàn lao động, bảo quản vốn thư viện và phục vụ thư viện”.
Có thể nhận thấy sự bảo hộ về chính sách đối với thư viện đã được quy định rất chặt chẽ trong Luật Thư viện của Nga về trách nhiệm và những điều không được làm đối với hoạt động thư viện. Sự đảm bảo này là yếu tố tiên quyết để các thư viện có thể duy trì và phát triển.
Luật Thư viện Hàn Quốc cũng đã đặt ra một số điều quy định rõ về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong thành lập, nộp lưu chiểu xuất bản phẩm và hỗ trợ cho các thư viện công cộng và thư viện tư nhân.
Tại Trung Quốc, Luật Thư viện đã xác định rõ trách nhiệm của Nhà nước và Uỷ ban nhân dân các cấp đối với thư viện công cộng trong một số điều sau:
Điều 13: Nhà nước thiết lập mạng lưới thư viện công cộng phục vụ người dân từ thành thị đến nông thôn. Chính phủ chỉ đạo việc xây dựng mạng lưới thư viện, khuyến khích xã hội tham gia vào công tác này.
Uỷ ban nhân dân các cấp từ cấp huyện trở lên căn cứ theo các yếu tố: số lượng nhân khẩu, phân bố dân cư, hoàn cảnh, điều kiện giao thông quyết định xây dựng cơ sở vật chất, số lượng, quy mô, kết cấu thư viện công cộng cho phù hợp, củng cố và phát triển hệ thống dịch vụ bao gồm phục vụ tại chỗ và phục vụ lưu động, chú trọng thiết lập các dịch vụ tự động phục vụ cho người dân.
Điều 14: Uỷ ban nhân dân cấp huyện trở lên có trách nhiệm thành lập thư viện công cộng. Uỷ ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn sử dụng các cơ sở vật chất sẵn có, xây dựng các phòng đọc tổng hợp phục vụ cư dân thành thị và nông thôn.
Điều 31: Uỷ ban nhân dân cấp huyện căn cứ theo nhu cầu thực tế tại địa phương, có thể thiết lập thư viện Thư viện công lập cấp huyện là trung tâm, phòng đọc sách, trung tâm văn hoá cấp xã thành các chi nhánh của thư viện, hoàn thiện việc số hoá, phát triển việc liên kết, phục vụ thông qua mạng Internet, thực hiện việc mượn liên thư viện, thúc đẩy việc phục vụ của thư viện đến cấp xã và cơ sở. Thư viện trung tâm có trách nhiệm tăng cường và hướng dẫn nghiệp vụ cho các thư viện bộ phận…
Bên cạnh việc quy về trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các cấp, Luật thư viện của một số nước cũng có quy định trách nhiệm của các bộ ngành. Tương đồng như Việt Nam, Bộ VHTTDL Hàn Quốc và Bộ Văn hoá và Du lịch Trung Quốc cũng là những cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý nhà nước về thư viện. Vai trò của Bộ VHTTDL Hàn Quốc đã được quy định rõ trong Luật Thư viện. Điều 46 Luật Thư viện của Hàn Quốc cũng quy định rõ trách nhiệm của Bộ VHTTDL và quyền của Bộ đối với địa phương trong hoạt động thư viện.
Điều 46. Uỷ quyền và Uỷ thác
Luật này cho phép Bộ trưởng Bộ VHTTDL có thể uỷ quyền thực hiện một phần nhiệm vụ cho Thị trưởng/ Tỉnh trưởng hoặc người đứng đầu các tổ chức liên kết hoặc uỷ thác cho một hiệp hội hay tổ chức liên quan theo quy định của Nghị định Tổng thống.
Điều 46-2. Rà soát
Theo định kỳ 2 năm, Bộ VHTTDL sẽ xem xét sự phù hợp của việc huỷ bỏ đạo luật, bãi bỏ hay duy trì quy định các vấn đề sau:
1. Tiêu chuẩn đối với tiện ích và tài liệu thư viện nêu tại Điều 5, kể từ ngày 01/01/2016;
2. Đăng ký và sửa đổi đăng ký của thư viện công cộng phi chính phủ quy định tại Điều 31, kể từ ngày 01/01/2015;
3. Đăng ký và sửa đổi đăng ký của thư viện chuyên ngành phi chính phủ quy định tại Điều 40 khoản (2) đến khoản (4), kể từ ngày 01/01/2015 [1].
Những quy định này không chỉ đặt ra chức năng và quyền hạn của Bộ VHTTDL Hàn Quốc mà còn thể hiện vai trò của Bộ trong việc định kỳ ra soát để xây dựng và ban hành các Tiêu chuẩn đối với tiện ích và tài liệu thư viện cùng những quy định về đăng ký và sửa đổi đăng ký đối với hoạt động thư viện.
Cũng có một số nét tương đồng, Luật Thư viện Trung Quốc đã quy định chức năng, nhiệm vụ của Bộ Văn hoá và Du lịch Trung Quốc trong hoạt động thư viện tại một số điều. Cụ thể là:
Điều 5: Bộ Văn hoá và Du lịch chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động thư viện.
Điều 47: Bộ Văn hoá và Du lịch, Sở Văn hoá và Du lịch các tỉnh trực thuộc Trung ương, khu tự trị có trách nhiệm xây dựng các tiêu chuẩn đánh giá trình độ, chất lượng dịch vụ thư viện công cộng và tổ chức đánh giá chất lượng, mức độ phục vụ của thư viện công cộng. Việc đánh giá này phải có sự tham gia của công chúng, kết quả đánh giá phải được công bố cho công chúng và được sử dụng để tăng cường đầu tư cho thư viện hoặc khen thưởng.
Từ việc nghiên cứu các quy định về nội dung và trách nhiệm quản lý nhà nước trong các luật của nước ngoài, chúng tôi hy vọng ban soạn thảo luật thư viện của Việt Nam sẽ có thêm tư liệu tham khảo hữu ích.
Minh Thúy